Serie A trong thập niên 1990 được ví như chiếc tủ kính hào nhoáng, trưng bày những siêu sao sáng nhất bóng đá thế giới. Nhưng bên cạnh đó, giải VĐQG Italy còn được yêu mến bởi hai yếu tố quan trọng. Đầu tiên là sự cạnh tranh quyết liệt cho chức vô địch, với số đội mạnh đông đảo vẫn thường được gọi là "nhóm bảy chị em". Thứ hai là cuộc đấu chiến thuật của các HLV, được nâng tầm lên thành một cuộc chiến về mặt tư tưởng, chia bóng đá Italy thành hai nửa: một bên cổ vũ catenaccio - lối đá phòng ngự vốn là bản sắc, với một bên theo đuổi thứ bóng đá chủ động và giải trí hơn.
Khi Serie A mùa giải 2019-2020 khởi tranh cuối tuần này, giới mộ điệu nhìn thấy thấp thoáng những hào quang xưa cũ. Ở khía cạnh danh tiếng của các ngôi sao, Cristiano Ronaldo vẫn là một thương hiệu hàng đầu, bên cạnh những De Ligt, Franck Ribery. Về mặt cạnh tranh, Juventus không còn một mình một chợ như những năm trước. Tình hình sức khỏe của Maurizio Sarri như một ẩn dụ cho sức mạnh đang lung lay của "Lão phu nhân", và đó sẽ là thời cơ cho Napoli lẫn Inter nuôi mộng vươn lên xô đổ ách thống trị.
Về mặt chiến thuật, Sarri, Carlo Ancelotti và Antonio Conte sẽ đại diện cho ba trường phái hoàn toàn khác nhau. Nhưng cả ba đều là những nhánh nhỏ hơn, tách ra từ triết lý bóng đá của Arrigo Sacchi vĩ đại.
Sacchi, từng giành hai chiếc Cup C1 (tiền thân của Champions League) với AC Milan cuối thập niên 1980, vẫn được xem là nhà cải cách bóng đá cuối cùng tại đất nước hình chiếc ủng. Và những hiệu ứng mà ông tạo ra bên ngoài Italy thậm chí còn sâu rộng hơn trong lòng quốc gia này. Là người Italy, nhưng Sacchi chưa bao giờ là một sản phẩm thực thụ của Calcio. Ông chưa từng chơi bóng chuyên nghiệp, càng không bị ảnh hưởng bởi lối huấn luyện của những HLV Italy truyền thống. Thay vào đó, ông theo đuổi thứ bóng đá tấn công và hệ thống vận hành chiến thuật của Ajax Amsterdam.
Bóng đá Italy có những đặc điểm thâm canh: phòng ngự, tầm nhìn ngắn hạn và thực dụng. Sacchi ghét tất cả đặc điểm ấy. Ông mê Tổng lực (total voetbal) hơn Đổ bê tông (catenaccio), và đã phát triển lối chơi kiểu Hà Lan tại AC Milan, với bộ ba Hà Lan Bay ở những vị trí trọng yếu.
Bóng đá Italy luôn chuộng kèm người và sử dụng thêm một trung vệ thòng, thiết lập một hàng phòng ngự lùi sâu, giao trọng trách sáng tạo cho một cầu thủ được gọi là trequartista. Sacchi vứt vị trí hậu vệ thòng vào sọt rác, xây một hàng thủ bốn người dàn ngang, đưa đội hình lên cao và cài bẫy việt vị. Khi mất bóng, tất cả cùng dâng lên pressing, thế nên không có chỗ cho trequartista. Phong cách của Sacchi đã chia đôi bóng đá Italy, tạo ra một cuộc "nội chiến" thực sự, nhất là trong thời gian ông dẫn dắt đội tuyển quốc gia (1991-1996). Một số người muốn dẹp hết lịch sử để đi theo con đường cải cách của Sacchi. Nhưng rất nhiều người - nổi bật là Giovanni Trapattoni - muốn duy trì lối đá đã tạo nên nhân dạng, thương hiệu của bóng đá Italy.
Ở bất kỳ HLV Italy nào ngày nay, người hâm mộ cũng thấy dấu vết của cuộc nội chiến Sacchi - Trapattoni. Sacchi như Tony Stark, cải cách và ngông cuồng. Trapattoni như Captain America, truyền thống và bảo thủ, trong loạt phim bom tấn của Hollywood, Biệt đội Avengers. Conte nghiêng về phe Trapattoni, Sarri nghiêng về Sacchi, còn Ancelotti thì gần như trung lập. Cuộc so tài về triết lý bóng đá, cùng với sự hiện diện của Ronaldo, có thể làm hồi sinh sức hút của bóng đá Italy.
Conte trẻ hơn Sarri và Ancelotti gần chục tuổi, nhưng lại là người theo truyền thống nhất trong số những HLV Italy tài danh đương thời. Inter bổ nhiệm Conte vì ông trọng kỷ luật, đặt kết quả lên hàng đầu. Họ cần kết quả, vì đã quá ngán các trường phái bóng đá rồi. Conte từng đá dưới trướng của Sacchi tại đội tuyển quốc gia, cũng từng là học trò của Ancelotti tại Juventus, nhưng nguồn cảm hứng huấn luyện lớn nhất của ông lại là hai cái tên tôn sùng Catenaccio: Trapattoni và Marcello Lippi. Conte gọi Trappatoni là "người cha thứ hai" và tri ân Lippi vì đã cấy vào đầu ông tư duy "phải thắng bằng mọi giá".
Thành tựu của Conte trên ghế huấn luyện Juventus (ba scudetto liên tiếp) và Chelsea (vô địch Ngoại hạng Anh và Cup FA) là đáng ngưỡng mộ. Thời gian ông cầm đội tuyển quốc gia, Italy cũng được đánh giá rất cao, khi Conte truyền được cá tính mạnh mẽ vào một tập thể vốn bị xem là yếu nhất nhì lịch sử.
Trong giai đoạn tập huấn đầu mùa, Conte cho Inter chơi 3-5-2, hệ thống mà ông từng thành công ở cả Juventus, Chelsea lẫn tuyển Italy. Đấy cũng là hệ thống "cài then" của Catenaccio ngày trước. Với Diego Godin, Inter đang có trung vệ phòng ngự trong vòng cấm thuộc hàng hay nhất thế giới, một hậu vệ đúng chuẩn kiểu Italy, một chiến binh rất ít khi phạm sai sót. Dù đã 33 tuổi và không còn nhanh nhẹn, khả năng đọc tình huống vẫn sẽ giúp Godin trở thành nhân vật trọng yếu trong hàng thủ lùi sâu của Conte.
Sự xuất hiện của những tài năng trẻ như Nicolo Barella và Stefano Sensi sẽ tăng chất kỹ thuật cho tuyến giữa, cạnh một dàn những tiền vệ công nhân đa năng chạy không biết mệt mà Inter đã có trước đó. Trên tuyến đầu, Inter sẽ phụ thuộc vào Romelu Lukaku, mẫu tiền đạo truyền thống mà Conte luôn thích. Mauro Icardi vẫn ở đó, Alexis Sanchez có thể sẽ đến trong vài ngày nữa. Nhưng với mẫu HLV truyền thống như Conte, không có ngôi sao nào được phép lớn hơn ông. Ông đã mang Juventus rồi Chelsea đến ngôi vô địch, khi hai đội này chỉ về lần lượt thứ bảy và thứ 10 mùa kế trước đó. Mùa vừa qua, Inter về thứ tư, nhiệm vụ của Conte có vẻ đỡ bất vả hơn. Nhưng điều quan trọng là CLB này cần một sự thay đổi về thái độ. Ít năm gần đây, Inter vẫn bị xem là vô kỷ luật, dễ mất tập trung và không có nhân dạng rõ rệt.
Conte sẽ kéo tất cả về nguồn. Và dù Internazionale có nghĩa là quốc tế, đội bóng này sẽ... đậm chất Italy nhất trong nhóm các ứng viên vô địch.
Trong ba HLV ở ba đội ứng viên hàng đầu, chỉ có Ancelotti làm việc tại Serie A mùa trước, khi dẫn dắt Napoli về nhì. Nhưng năm nay, mục tiêu phải là vô địch. Đấy là điều mà Ancelotti vẫn phải chứng minh. Bởi vì dù rất thành công tại châu Âu lẫn khi làm việc tại nước ngoài, Ancelotti mới một lần đoạt Scudetto trong 10 mùa bóng cầm quân cho các đội mạnh ở Italy (Parma, Juventus, AC Milan và Napoli).
Khi ông khởi nghiệp cầm quân vào giữa thập niên 1990 - Conte hãy còn chơi cho Juve, Sarri thì làm nhân viên... ngân hàng), Ancelotti là môn đồ thân cận nhất của Sacchi. Ông từng thi đấu dưới trướng Sacchi, rồi làm trợ lý cho HLV này tại tuyển Italy. Ban đầu, Ancelotti đi theo con đường của Sacchi, tức là triệt tiêu vai trò của trequartista. Ở Parma, Ancelotti thẳng tay bán Gianfranco Zola, mạnh dạn khước từ Roberto Baggio vì sơ đồ của ông không có chỗ cho "số 10".
Nhưng Ancelotti đã thay đổi. Ông rất mềm mỏng với các siêu sao. Đấy là bài học ông rút ra khi làm việc cùng với Zinedine Zidane tại Juventus. Ancelotti nhận ra để Zidane chơi được như Zidane, ông phải để Zidane đá ở vị trí của... Zidane. Sau này, chính Zidane đã mang phong cách làm việc mềm mỏng ấy theo trên hành trình chinh phục sự vĩ đại của riêng ông tại Real Madrid.
Ở Milan, có lúc Ancelotti dùng tới bốn tiền vệ làm bóng. Ở Chelsea, Paris Saint-Germain, Real Madrid và Bayern Munich, chưa bao giờ ông cự cãi gì với các ngôi sao. Ở Bayern, các ngôi sao không hề ghét Ancelotti, họ chỉ bị sốc bởi lối huấn luyện quá... thư giãn của ông. Ancelotti không có sự kỷ luật sắt đá như các HLV Italy khác. Sacchi từng nói: "Phong cách của Ancelotti dựa trên niềm tin và lòng tin cậy. Ông không có sự ám ảnh với chiến thuật như những HLV khác, Pep Guardiola chẳng hạn".
Mùa trước, Napoli rất linh hoạt trong các sơ đồ chiến thuật. Ban đầu, Ancelotti duy trì 4-3-3 của Sarri, nhưng thỉnh thoảng chuyển sang 4-4-2 và có khi là 4-2-3-1. Arek Milik, Dries Mertens và Lorenzo Insigne đều ghi từ 10 bàn trở lên mùa trước. Hệ thống chiến thuật của Ancelotti rõ ràng đã phát huy rất tốt vai trò của cá nhân. Năm nay, sự xuất hiện của tiền vệ giàu tốc độ Hirving Lozano có thể sẽ giúp Napoli tấn công chất lượng hơn, trong khi Kostas Manolas sẽ phối hợp với Kalidou Koulibaly tạo nên cặp trung vệ vững vàng nhất Serie A trên lý thuyết.
Khả năng vô địch của Inter và Napoli tất nhiên cũng đã được đánh giá cao hơn đáng kể cùng với sự xuất hiện của Sarri ở Juve. Sarri là nguồn cảm hứng lớn cho những HLV vô danh, không có nền tảng cầu thủ chuyên nghiệp. Thời gian ở Napoli, ông tạo ra thứ mà sau này người Anh gọi là "Sarri-ball", với thứ bóng đá thiên về kiểm soát bóng và luân chuyển quả bóng thật nhanh. Ở Chelsea, ông giúp CLB giành Europa League và về thứ ba tại Ngoại hạng Anh, nhưng CĐV Chelsea không thích điều đó, và họ không thấy nhớ nhưng gì khi ông ra đi.
Bây giờ, Sarri sẽ thích nghi với Juventus, hay Juventus sẽ phải thích nghi với Sarri? Phong cách của Max Allegri và trước đó là Conte khác xa chiến thuật phóng khoáng của Sarri. Juventus xưa nay vẫn chuộng sự giản đơn, đặt kết quả lên hàng đầu, họ không có nhu cầu phải đá đẹp hay khiến người khác trầm trồ về những cách tân chiến thuật. Vậy Sarri sẽ sống thế nào trong cái văn hóa chiến thắng đậm đặc ở đây?
Sarri là HLV có tư tưởng tấn công rõ rệt nhất tại Juventus kể từ... 1990, khi họ thuê Gigi Maifredi sau ba mùa thành công tại Bologna. Nhưng Juventus thất bại thảm hại cùng Maifredi, dù phá kỷ lục chuyển nhượng cho Roberto Baggio. Họ chỉ về thứ bảy, thành tích tồi tệ nhất trong vòng ba thập kỷ. Kể từ đó, họ cạch luôn thứ tấn công, cho đến... mùa này!
Sarri vẫn sẽ duy trì 4-3-3, với Cristiano Ronaldo sẽ là trung phong nhưng được cổ vũ lùi xuống tham gia kiến tạo lối chơi thay vì chỉ rình rập trong vòng cấm. Cách chơi này có thể sẽ phát huy tối đá tài nghệ của Federico Bernardeschi và Paulo Dybala, có thể sẽ là một Lorenzo Insigne mới của Sarri.
Hàng tiền vệ của Juventus đã được tăng cường thêm Aaron Ramsey, một cầu thủ có xu hướng xộc thẳng vào hàng thủ đối phương và Adrien Rabiot, một tiền vệ lùi sâu. Nhưng hợp đồng đáng giá nhất với Juventus trong hè vừa qua là Matthijs de Ligt, trung vệ chỉ vừa bước sang tuổi 20, và hứa hẹn sẽ là biểu tượng mới của đội. Anh giàu kỹ thuật và rất hợp với lối chơi kiểm soát bóng mà Sarri theo đuổi.
Mục tiêu của Sarri chỉ có một: vô địch. Họ đã đạt thành quả này tám mùa liên tiếp và các nhà cái vẫn để tên họ lên hàng đầu cho mùa giải này. Nhưng đây là mùa giải mà phong cách chơi lẫn khả năng thành công của Juventus sẽ được trộn thành... bốn khả năng.
Nếu đội vô địch với phong cách tấn công, Sarri sẽ được tán dương. Juventus vô địch mà Sarri thay đổi, chẳng ai thèm quan tâm. Nếu Juventus không vô địch dù Sarri đã thay đổi, ông sẽ bị sa thải. Nhưng còn khả năng thứ tư và được xem là thú vị nhất: Juventus chơi đẹp đúng kiểu Sarri nhưng không vô địch thì sao?
CĐV sẽ đón nhận phong cách mới không? Cầu thủ có cổ vũ HLV của đội không? Ban lãnh đạo có chấp nhận hy sinh một mùa để Sarri xây kế hoạch dài hơi?
Nếu Sarri được giữ lại một mùa ngay cả khi Juventus không vô địch, đó sẽ là đại thành công của Sarri. Vì ông sẽ thay đổi cách nhìn của CLB vốn được xem là bảo thủ nhất, trọng kết quả nhất châu Âu.
Dẫu sao đi nữa, Serie A mùa này cũng thật hấp dẫn và đáng chờ đợi!
Hoài Thương
Truyền hình FPT hân hạnh gửi tới khán giả Việt Nam trọn vẹn 380 trận đấu của Serie A mùa giải 2019/2020. |