Ngoài 11 tỷ phú trên, còn có 3 người tuy tài sản chỉ đáng giá trăm triệu USD, nhưng vẫn chi nhiều hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ cộng đồng và giúp đỡ những người kém may mắn. Do đó, họ cũng được liệt kê vào danh sách tỷ phú từ thiện của thế giới.
Hầu như tất cả 14 tỷ phú này đều làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình, chỉ trừ một người có tài sản nhờ thừa kế. Trong đó, Thị trưởng New York Michael Bloomberg và người giàu nhất Hong Kong Li Ka-shing từng bỏ học từ năm 15 tuổi. Năm trong số 14 người tạo lập thành công trong lĩnh vực công nghệ.
Bill Gates, tổng số tiền từ thiện: 28 tỷ USD. Ảnh: propertyinvesting.net |
Ngay cả những người hào phóng nhất cũng phải bớt hào phóng hơn trong suy thoái. Điều này chứng minh một sự thật rằng phần lớn số tiền từ thiện trích ra từ thị trường chứng khoán, vốn mất khá nhiều giá trị khi kinh tế lao đao. Một thống kê của Mỹ cho thấy tổng số tiền làm công tác nhân đạo đã giảm 2% trong suy thoái. Ngay cả tỷ phú nổi tiếng nhân từ Warren Buffet, người mỗi năm một lần trích cổ phiếu làm từ thiện, cũng chỉ đóng góp 1,25 tỷ USD hồi tháng 7 vừa rồi, ít hơn năm ngoái 500 triệu USD và giảm 350 triệu USD so với 2006.
Một điểm đáng chú ý nữa trong danh sách là số lượng người Mỹ chiếm áp đảo với 10 trên tổng số 14 nhân vật. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số 45% tỷ phú thế giới hiện sống ở Mỹ. Nhiều người Mỹ khác cũng từng nổi tiếng với lòng nhân từ như Andrew Carnegie và David Rockefeller. "Một trong những lợi thế của nước Mỹ là lòng bác ái. Những nơi khác như Mỹ Latinh không hề có các tổ chức chuyên đi làm công tác nhân đạo", Peter Fuchs, người đứng đầu quỹ Viva Trust nói.
Trong khi đó, tỷ phú Li Ka-shing, đại diện duy nhất của châu Á, từng phát biểu: "Giá trị truyền thống của châu Á khuyến khích, thậm chí đòi hỏi người giàu phải giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Ngay cả khi các chính phủ không có chủ ý xây dựng nền văn hóa cho tặng, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm trong tim về trách nhiệm đóng góp cho xã hội và chăm sóc trẻ em".
Để lập danh sách và tính toán các con số, Forbes phải liên hệ nhiều quỹ phi lợi nhuận, chuyên gia, tổ chức, các nhà kinh tế và hỏi chính nhà hảo tâm. Chỉ có tiền đã được chi một cách công khai mới được tính. Tỷ phú William Barron Hilton từng cam kết sẽ dành 1 tỷ USD làm từ thiện. Nhưng ông không được liệt kê vì số tiền này sẽ chỉ được hiến tặng sau khi ông chết. Tỷ phú Mexico Carlos Slim Helú thành lập Quỹ Carlos Slim và đóng góp tới 4,5 tỷ USD vào đó. Tuy nhiên, ông cũng không được đưa vào danh sách do quỹ này nhất quyết không tiết lộ thông tin.
Thanh Bình