Khi nhắc đến Nguyên Hồng, nhiều người không nghĩ ông là nhà văn viết cho thiếu nhi, bởi cuốn tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ (1938) đã đưa ông đứng vào hàng những nhà văn hiện thực xuất sắc như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... Thực tế, ông đã có những đóng góp rất ấn tượng với văn học cho trẻ em Việt Nam. Đó là cuốn sách Những ngày thơ ấu (1940), những truyện ngắn trong bộ sách "Truyện hay viết cho thiếu nhi" vừa được NXB Kim Đồng phát hành.
Một trong những truyện để lại dư âm mãi trong lòng người đọc là Chuyện cái xóm tha hương ở cửa rừng Suối Cát và con hùm con mồ côi. Câu chuyện đưa người đọc về với những mảnh đời cơ cực, nghèo đến tận cùng, đến phải tha hương ngụ cư ở một xóm cửa rừng. Ở nơi rú ngàn heo hút này tình người càng nhân hậu và sự độc ác lại càng hoang dã. Mối tình thân giữa một chú hổ con với bà mẹ nghèo khổ được nhà văn miêu tả bằng một giọng văn dào dạt cảm xúc, với những nét miêu tả dữ dằn. Lối kể chuyện đầy kịch tính khiến người đọc càng yêu con người hiền từ nhân hậu bao nhiêu lại càng phẫn nộ căm ghét con người độc ác, tham tàn bấy nhiêu. Người đọc như một lần được thanh lọc lại tâm hồn để thấy phần ác trong mỗi con người thật tàn nhẫn dã man, để càng biết gìn giữ phần thiện lung linh trong cõi sâu của lòng mình.
Văn của Nguyên Hồng có sức lôi cuốn là vậy, một lối văn nồng nàn truyền cảm, thiết tha yêu thương cảm thông với sự thống khổ của con trẻ thơ ngây. Những truyện ngắn Giọt máu, Hai nhà nghề, Mợ Du, Những giọt sữa, Con chó vàng... đều là những bức tranh miêu tả đạt đến độ chân thực sâu sắc mà hình như không thể "lỗi thời".
Một nhà văn khác vẫn được coi như nhà tiểu thuyết đó là Ma Văn Kháng. Vốn là một thầy giáo, ông đã dành nhiều tâm sức viết cho thiếu nhi.
Ma Văn Kháng tâm sự: "Viết cho thiếu nhi quan trọng không chỉ là viết cái gì mà là viết như thế nào. Viết thế nào lại quan hệ đến tâm hồn người viết. Tôi ước ao, ngoài cái duyên với chữ nghĩa và con trẻ ra, tâm hồn mình lúc nào cũng tươi mát, sáng trong và dạt dào tình yêu với cuộc đời, với con người".
Với tâm sự như thế, Ma Văn Kháng đã có những truyện ngắn đặc sắc mà người lớn hay trẻ con điều tìm ra được những "thú" (thích thú) và "vị" (ý vị) riêng. Những truyện ngắn như Khu vườn tuổi thơ, Ông Pồn và chú hổ con, Ông nội cổ giả và quê mùa, Kiểm - chú bé - con người, Bà ngồi ở góc nhà... vừa mang phong cách truyện ngắn Ma Văn Kháng lại vừa là những khám phá đáng kể về tâm lý trẻ em, về cách nhìn "từ mắt tuổi thơ" vào đời sống xã hội.
Nguyễn Kiên là một trong những nhà văn đến với NXB Kim Đồng trong những năm tháng đầu tiên. Ông cũng là người mở rộng được trí tượng tưởng cho bạn đọc ngay từ những sáng tác đầu tiên xây nền đắp móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam phát triển sau này. Truyện đồng thoại Chú đất nung, với hình tượng chú bé làm bằng đất được tôi luyện qua lửa nóng trở nên rắn chắc hơn những cô cậu làm bằng bột ở trong lọ thủy tinh, đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn cả một thế hệ thiếu nhi kháng chiến "mang mũ rơm đi học đường dài" (thơ Tố Hữu).
Không dừng lại ở đó, nhà văn tiếp tục cho ra đời hàng chục truyện ngắn vui vẻ nhẹ nhàng dễ đến với trẻ thơ, nhưng khi đọc rồi ý nghĩa của câu chuyện lại đi theo người đọc rất lâu. Nhà văn đã tâm sự: "Thế giới của loài vật và đồ vật vốn rất quen thuộc với trẻ em và cả những ai ưa thích tưởng tượng. Mong sao mỗi câu chuyện của tôi kể trong tập sách này khêu gợi được một chút gì vẫn còn nằm yên trong lòng bạn đọc, rồi bạn đọc sẽ tưởng tượng ra những câu chuyện khác, cho riêng mình".
Một trong những nhà văn viết truyện đồng thoại hay của Việt Nam là Vũ Tú Nam. Truyện đồng thoại Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công của ông có sức sống xanh tươi hàng chục năm qua. Câu chuyện hóm hỉnh khôi hài về một anh chàng Ngan dở dở uơng ương, một tính cách rất gần với tâm lý chưa hoàn thiện của trẻ nhỏ đã đem lại tiếng cười sảng khoái để người đọc bỗng tỉnh ra, nhận ra thói hư tật xấu đang ẩn nấp trong mình.
Sau thành công đó, nhà văn Vũ Tú Nam tiếp tục viết về thiên nhiên làng quê, những con vật nhỏ trong đời sống cây cối vườn làng. Với tài quan sát tinh tế và một giọng văn nhân hậu, ông có hàng chục truyện ngắn xinh xắn như một bộ sưu tập sinh động góp phần lưu giữ "hồn quê" đất Việt trong đời sống tinh thần của các lớp bạn đọc nối tiếp sau này.
Là một tác giả xuất hiện trong thời kỳ đổi mới văn học, bên cạnh những thành công trong văn xuôi nói chung, với những sáng tác liên tiếp nhận được giải thưởng cao, nhà văn Trần Đức Tiến đã trở thành một tên tuổi sáng giá trong văn học thiếu nhi những năm gần đây. Truyện thiếu nhi của nhà văn đã nhẹ nhàng mở ra một thế giới tưởng tượng linh diệu cho trẻ em. Ở truyện của ông, "con người tác giả" và "nhân vật tuổi thơ" dường như đã hòa đồng. Đọc truyện, khán giả gặp "nhân vật tuổi thơ" nhưng vẫn thấy chiều sâu tâm hồn tác giả lấp lánh bên trong. Với những truyện ngắn như Thiên thần nhỏ áo xanh, Chiếc tầu thủy đồ chơi, Dế mùa thu, Trăng vùi trong cỏ, Thằng Cúp, Vương quốc lụi tàn... Trần Đức Tiến đã ghi nhận những bước đi mới mẻ của văn học thiếu nhi Việt Nam hôm nay.
Nhà văn Lê Phương Liên