Zhuang Yanfang, 56 tuổi, hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư thục ở Kim Hoa, Chiết Giang, chưa từng nghĩ sẽ có ngày bà phải làm quản ca cho các cụ già bát tuần, hát những giai điệu xưa cũ tại chính nơi bà từng hát những ca khúc thiếu nhi cùng những em bé mới chập chững biết đi.
Năm 2023, Zhuang buộc phải đóng cửa trường mẫu giáo sau 25 năm hoạt động, cải tạo thành viện dưỡng lão, sau thời gian dài vật lộn lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh. Khu nhà và sân chơi từng nhộn nhịp trẻ nhỏ chạy nhảy giờ là nơi sinh hoạt của những người cao tuổi.
Khi Trung Quốc tập trung cải thiện hệ thống trường mẫu giáo công lập những năm gần đây, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất của các trường công đã trở nên vượt trội so với trường tư.
"Các trường tư ra đời khi các trường công không đủ năng lực. Giờ tôi thấy trường tư đã hoàn thành sứ mệnh của mình, nên quyết định cải tạo trường thành viện dưỡng lão", hiệu trưởng Zhuang nói.
Trường của bà Zhuang ở Chiết Giang không phải ví dụ duy nhất. Nhiều trường mẫu giáo ở hàng loạt thành phố cũng đang thử nghiệm mô hình này để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho cư dân cao tuổi ở địa phương, trong đó có Thâm Quyến, Thái Nguyên, Tế Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia nhân khẩu học, xã hội học, cách tiếp cận này có thể giúp kích thích nền kinh tế bạc đang phát triển mạnh ở Trung Quốc.
Trước khi quyết định đóng cửa trường, mở viện dưỡng lão, bà Zhuang đã đi thăm các viện dưỡng lão khắp Chiết Giang và Thượng Hải.
Công việc cải tạo trường bắt đầu ngay sau khi lứa trẻ mẫu giáo cuối cùng tốt nghiệp, biến các phòng học thành phòng ngủ, sửa phòng tắm, lắp tay vịn, thang máy và hệ thống báo động.
Viện bắt đầu hoạt động thử nghiệm từ tháng 12/2023, hiện chăm sóc 10 cư dân trên 80 tuổi, chi phí dao động 390-840 USD một tháng. Một trong số các cư dân là cụ Ye Hong, ngoài 90 tuổi, chuyển vào hồi tháng 4.
"Chúng tôi đến khoảng 5 viện dưỡng lão trên khắp thành phố, nhưng các cơ sở đó đều đông đúc, thiếu không gian sinh hoạt chung. Cuối cùng chúng tôi tìm thấy viện của bà Zhuang. Cơ sở này rộng rãi, sáng sủa, bố tôi cũng có vẻ hài lòng hơn", Ye Min, con gái cụ Ye Hong, nói.
Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 8 kêu gọi hỗ trợ phát triển nền kinh tế bạc, cải thiện các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Viện của bà Zhuang từ đó cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ giới chức địa phương, các tổ chức xã hội và các công ty khác.
Một công ty xây dựng nhà nước đã hỗ trợ 1/2 chi phí cải tạo cơ sở. Bệnh viện công địa phương cũng chỉ định bác sĩ lão khoa đến viện khám miễn phí mỗi thứ 4. "Các tình nguyện viên từ các trường đại học, doanh nghiệp cũng thường xuyên ghé thăm, trò chuyện cùng người cao tuổi", Zhuang cho biết. "Đây là nỗ lực chung của tất cả các bên".
Bà Zhuang còn cung cấp một số khóa học như hội họa truyền thống, giúp người cao tuổi trong viện cảm thấy "có cuộc sống thứ hai". Những nhân sự kỳ cựu như bà Zhuang cho biết chăm sóc người cao tuổi và trẻ em khá giống nhau. Trường mẫu giáo của bà trước đây cũng có các khóa học hội họa, trò chơi trí tuệ, thể chất.
Zhang, cựu giáo viên mẫu giáo hiện làm việc tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Thiểm Tây, nhấn mạnh cần dành nhiều tình cảm khi chăm sóc người cao tuổi.
"Chúng tôi động viên họ như động viên trẻ nhỏ, thường xuyên khen ngợi họ", Zhang nói. "Chẳng hạn như tôi sẽ nói nếu ông, bà ăn hết bát cơm này, hoặc nếu tập thể dục tốt hôm nay, tôi sẽ tặng ông, bà một miếng chocolate".
Tương tự, một trường mẫu giáo ở Quảng Đông gần đây chuyển đổi thành cơ sở như "trường đại học" cho người cao tuổi, chào đón hơn 10 "học viên" thử nghiệm trên 50 tuổi, tạo cơ hội cho họ giao lưu và học một số kỹ năng mới.
Ngoài chuyển đổi trực tiếp thành viện dưỡng lão, một số trường mẫu giáo tư và các trung tâm dịch vụ cộng đồng trên khắp Trung Quốc cũng đang tìm cách tiếp cận mới để chăm sóc cả trẻ em lẫn người già, cung cấp giải pháp hiệu quả cho hai thách thức lớn nhất của các cặp vợ chồng bận rộn với công việc.
Tại một công viên ở Thâm Quyến, Quảng Đông, một số người cao tuổi và trẻ em cùng xếp hàng, nhún nhảy theo nhịp điệu. "Ông nhảy không đúng rồi, ông phải nhấc chân trái trước chứ", lời sửa lỗi của một cậu bé khiến nhóm cao tuổi bật cười sảng khoái.
Còn tại Hồ Châu, Chiết Giang, giới chức mở trung tâm cộng đồng rộng 1.800 m2, phối hợp với các tổ chức, bệnh viện, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi chuyên nghiệp, thường xuyên tổ chức các hoạt động dành cho cha mẹ, ông bà và con cái.
"Tôi đến trung tâm hầu như hàng tuần với cháu trai", Chen, người cao tuổi ở địa phương, cho biết. "Khi thằng bé chơi đồ hàng, tôi chơi cờ vua, trò chuyện với các bạn đồng niên".
Khu vực sinh hoạt của người cao tuổi và trẻ em ở trung tâm khá độc lập, nhưng có không gian chung ngoài trời. Khi hai nhóm gặp nhau ở không gian này, nhiều điều thú vị thường xảy ra, tạo những tiếng cười ấm áp, chất xúc tác làm hài hòa hai thế hệ.
"Mô hình này rất tiến bộ và hiện đại, có thể tối ưu hóa các nguồn lực từ dịch vụ xã hội hiện có đối với trẻ em và người cao tuổi", Zhou Haiwang, phó giám đốc Viện Dân số và Phát triển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận xét.
Đức Trung (Theo Global Times, CNA, Xinhua)