Chiều 2/4, nhiều tiểu thương tại trung tâm thương mại Thanh Trì (Hà Nội) ngồi "buôn chuyện" trong không gian vắng hoe. Đang ngả lưng trên chiếc giường xếp, thấy khách đi qua, một chủ quầy dép trên tầng 2 hất tung chiếc chăn dạ đắp trên mình, đứng dậy đon đả: "Hai em vào mua giày, dép chị để giá gốc cho”.
Chị Vân, chủ cửa hàng cho hay, mở cửa từ 8h sáng đến 2h chiều vẫn chưa có khách mở hàng. Hôm nào may mắn thì đón vài khách. Có khi lượng khách đến trung tâm thương mại ít hơn cả nhân viên bán hàng.
Chị Vân cho biết, khi mới xây dựng xong mọi người đều hào hứng tranh nhau đặt mua chỗ, vì giá khá rẻ chưa đầy 20 triệu một m2 cho 30 năm. Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh các chủ hàng cứ đóng cửa dần. Nhiều người đăng quảng cáo bán hoặc cho thuê lại ki ốt với giá chỉ bằng một nửa cũng không có người thuê.
Theo chị Vân, tình trạng ế ẩm là do người dân ngại vào các trung tâm thương mại để mua sắm. Họ cho rằng, hàng hóa ở đây không phù hợp với túi tiền của người lao động huyện ngoại thành. Một số chủ sạp đang rao bán và cho thuê lại với giá bèo.
Hàng loạt quầy hàng trong trung tâm thương mại Thanh Trì bỏ trống. Ảnh: T.A |
Trung tâm thương mại Thanh Trì có 9 tầng, khởi công từ năm 2000 do Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư. Số vốn đầu tư vào công trình gần 100 tỷ đồng.
Từ tầng trệt lên tầng 2 có diện tích gần 4.000 m2 là chợ dân sinh với nhiều mặt hàng giày, dép, quần, áo, rau, quả. Tầng 3 trở lên dành cho các công ty, siêu thị....
Tuy nhiên, theo ban quản lý chợ sau hơn hai năm đi vào hoạt động (từ 2006) hầu hết tiểu thương không mặn mà với địa điểm kinh doanh, dẫn đến hàng trăm quầy hàng bỏ trống. Trong số hơn 500 gian hàng đã đăng ký, nhưng chỉ có hơn 200 gian hoạt động.
Chợ Thượng Đình cũng không còn cảnh tấp nập sau khi xóa bỏ chợ cũ. Với 3 tầng khang trang sạch sẽ, lại nằm sát mặt đường Nguyễn Trãi luôn nhộn nhịp người qua lại nhưng chợ này chỉ có tầng 1 hoạt động. Hai tầng trên bỏ trống.
Bà Luân tiểu thương kinh doanh hàng quần áo tại đây cho biết: "Đường vào chợ không thuận tiện, lại mất tiền gửi xe. Tôi tiếc thời chưa xây dựng chợ, tấp nập cả ngày". Trái với cảnh vắng vẻ bên trong chợ Thượng Đình, chợ cóc cách không xa hoạt động rất náo nhiệt. Đủ mặt hàng tứ xứ đổ về.
Dừng xe trước vệ đường mua mớ rau cải, chị Thanh, Nhân Chính (Thanh Xuân) cho biết, chỉ khi cần mua những đồ đắt tiền tôi mới vào các trung tâm thương mại. Còn nếu mua rau, thức ăn tôi thường chọn các chợ cóc. "Vào trung tâm thương mại có thể cũng mua được những thứ như thế, nhưng rất lách cách. Mua mớ rau có khi chỉ mất 1.000 đồng nhưng lại mất thêm 2.000 đồng gửi xe. Như thế, vừa mất thời gian, lại mất tiền", chị Thanh nói.
Chợ Thượng Đình đi vào hoạt động 5 năm nhưng tầng 2 và 3 cũng bỏ trống. Ảnh: X.T |
Anh Lưu Minh Sơn, bảo vệ chợ Thượng Đình nói, cứ nghĩ đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ xây dựng chợ bà con sẽ rất vui và đổ xô vào kinh doanh, nhưng họ lại cứ chạy ra các chợ cóc. Cả trăm gian hàng chỉ có 20 hộ bán. "Chỉ cần tính với mức giá chung 20 triệu một gian hàng cho 5 năm, mỗi năm cũng thất thu hàng tỷ đồng".
Theo anh Sơn, không riêng gì chợ Thượng Đình hiện nay, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 4 chợ mới được đầu tư xây dựng: Thanh Xuân Bắc, Kim Giang, Khương Đình và Thượng Đình đều vắng khách.
Theo chủ trương của thành phố, từ nay đến năm 2010, nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội sẽ thành trung tâm thương mại. Lãnh đạo một số quận, huyện cho rằng, đây là biện pháp tốt nhất để "gom" người bán hàng ở những khu vực này về một mối.
Tuy nhiên, nhiều tiểu thương lo lắng khi trung tâm thương mại mọc lên đồng nghĩa với việc kinh doanh ế ẩm. Điển hình là đợt nghỉ bán hàng của các tiểu thương chợ Nghĩa Tân vừa qua khi biết tin sẽ xây dựng trung tâm thương mại. Họ cho rằng, không phải địa điểm nào khi xây dựng trung tâm thương mại cũng hút khách.
"Những khu vực dân có thu nhập thấp vẫn cần những chợ dân sinh, quy mô nhỏ, bình dân. Khách hàng rất ngại gửi xe, leo lên tầng 2 chợ chỉ để ăn bát bún, mua chiếc chậu nhựa hay bánh xà bông", một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho biết.
Ông Trần Ánh Dương, Trưởng phòng Tổ chức lao động công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội kiêm phụ trách Ban quản lý trung tâm thương mại Thanh Trì chia sẻ, để hoạt động có hiệu quả, chủ đầu tư cần tách biệt rõ chợ và trung tâm thương mại.
"Hàng hóa bày bán ở trung tâm thương mại Thanh Trì hiện nay không khác chợ cóc, chỉ có chỗ ngồi khang trang hơn. Tuy nhiên nghe đến tên trung tâm thương mại nhiều bà nội trợ lại có tâm lý e dè", ông Dương bày tỏ.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cho biết, Trung tâm thương mại Thanh Trì là trung tâm đầu tiên đơn vị này đứng ra làm chủ đầu tư. Ban đầu, khi mới đầu tư xây dựng, lãnh đạo công ty và huyện Thanh Trì đề ra chủ trương sẽ gom hết tất cả các hàng rong, chợ cóc vào trong trung tâm. Mục tiêu đó đến nay dần đặt được, tuy nhiên không mấy hiệu quả vì khách ngại đến với trung tâm.
Theo vị cán bộ này, sau khi thí điểm xong Trung tậm thương mại Thanh trì, thành phố cũng giao tiếp tục làm thí điểm nhiều trung tâm thương mại khác nhưng đơn vị này chưa dám nhận vì sợ không hiệu quả.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND quận Cầy Giấy, cho rằng, khi “biến” chợ thành trung tâm thương mại, lãnh đạo quận, huyện và chủ đầu tư cần khảo sát kĩ đời sống người dân ở khu vực đó, những mặt hàng sẽ buôn bán. Đồng thời, phải lấy được ý kiến của các tiểu thương đang kinh doanh tại đó để sắp xếp phù hợp.
Tuấn Anh - Xuân Tùng