Trong vài năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp tại Trung Đông sôi động không kém các thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu. Startup phát triển mạnh và nhanh chóng thu hút các ông lớn đổ tiền vào. Ví dụ như Amazon đã mua lại hãng bán lẻ trực tuyến Souq.com có trụ sở tại Dubai với số tiền gần 800 triệu USD. Hay công ty giao đồ ăn trực tuyến Delivery Hero (Đức) thâu tóm Talabat để mở rộng thị trường tại khu vực Kuwait.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu MAGNiTT, các công ty mới khởi nghiệp ở Trung Đông đã đón nhận hơn hơn 870 triệu USD vốn đầu tư vào năm ngoái, trung bình mỗi công ty được rót khoảng 500.000 USD. Thương mại điện tử đang là lĩnh vực quan trọng và ngày càng nhiều startup tập trung vào phân khúc này.
Nghiên cứu của BMI Research cho thấy Trung Đông là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trên thế giới. Dự kiến doanh số bán hàng trực tuyến của khu vực này từ 4,3 tỷ USD năm 2016 sẽ tăng lên 22,3 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó doanh thu khoảng 19,8 tỷ USD đến từ các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Hiện có tới 88% dân số của UAE sử dụng Internet và mức thâm nhập của điện thoại thông minh khá cao, lên đến 78%.
Tuy nhiên hãng Gartner lại đưa ra đánh giá thận trọng khi xem xét toàn cảnh thị trường Trung Đông vốn chỉ có 15% doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến và 90% sản phẩm nhập khẩu mua online từ bên ngoài khu vực này. Những số liệu thống kê này cho thấy thị trường thương mại điện tử ở Trung Đông vẫn còn nhiều tiềm năng cho các nhà bán lẻ trực tuyến, tuy nhiên kèm theo đó là không ít trở ngại dưới đây.
Hậu cần
Có nhiều rào cản thương mại trong khu vực khiến các nhà bán lẻ trực tuyến gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm. Quá trình khai báo hải quan khi vận chuyển hàng xuyên biên giới có thể trở thành cơn "ác mộng" với bất kỳ công ty nào, chưa kể về sự khác biệt về quy định biểu thuế, mức thuế cao, chênh lệch tỷ giá hối đoái... Tuy nhiên Amazon có lợi thế nhờ nền tảng Souq chuyên cung cấp các sản phẩm chủ yếu cho 6 quốc gia trong liên minh thuế quan Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nên hưởng nhiều ưu đãi.
Quy định về tài chính
Đa phần các công ty khởi nghiệp nếu thất bại sẽ phải đối mặt với rắc rối về pháp luật ở Trung Đông. Ví dụ ở Ai Cập không có luật về phá sản, điều đó có nghĩa là một doanh nhân có thể bị phạt tù nếu các khoản nợ không thanh toán đúng hạn.
Hay để đóng cửa một công ty nhằm thành lập doanh nghiệp mới cũng phải thực hiện hàng loạt thủ tục với lượng giấy tờ liên quan khổng lồ, thời gian hoàn tất có thể mất đến 5-10 năm. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khu vực Trung Đông chỉ đứng vị trí 117, thấp hơn nhiều so với xếp hạng của Mỹ và Anh.
Thu hút tài năng
Thông thường, các công ty mới thành lập thu hút nhân tài mới bằng cách tặng cổ phần. Điều này khá bình thường trên thế giới nhưng lại là một khái niệm xa lạ ở Trung Đông vì các doanh nghiệp buộc phải hoạt động với các hệ thống quy định và luật pháp đã lỗi thời.
Luật lao động đưa ra nhiều quy định bó hẹp quyền lợi của người lao động, nhất là những nhân sự nước ngoài. Bên cạnh đó hệ thống giáo dục hiện tại chưa cung cấp đủ nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nhân lực địa phương, nhất là chuyên môn kỹ thuật, công nghệ thông tin.
Sự xuất hiện của Amazon
Amazon thâm nhập thị trường Trung Đông là tín hiệu nguy hiểm cho các cửa hàng thương mại điện tử địa phương. Với hệ thống cơ sở hậu cần khổng lồ trên toàn cầu và việc mua lại Souq.com sẽ giúp tạo nền tảng vững chắc ở khu vực này.
Ông lớn thương mại điện tử Mỹ hoàn toàn ưu thế trước các nhà bán lẻ nội địa về sự đa dạng chủng loại cũng như thời gian giao hàng nhanh chóng. Amazon cũng sẽ đưa ra nhiều chiến dịch tiếp thị lớn nhằm thu hút người dân đăng ký chương trình khách hàng thành viên Prime để hưởng nhiều ưu đãi.
Giới chuyên gia cho rằng, để thương mại điện tử Trung Đông thật sự phát triển, ngoài sự nỗ lực từ những công ty tư nhân thì vai trò của các chính phủ trong khu vực hết sức quan trọng. Một trong những cách để tạo môi trường đầu tư thuận lợi là tăng cường quản trị chính phủ điện tử và tung ra nhiều dịch vụ số.
Các quốc gia cần tạo sự liên thông cho những dịch vụ quan trọng như chương trình thị thực, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ tiện ích, xây dựng nền tảng thúc đẩy cổng thanh toán trực tuyến, cung cấp dịch vụ hiệu quả cho người dân địa phương. Một trong những ví dụ điển hình là UAE đã thành lập trung tâm bán lẻ miễn thuế Matajircom hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mặc dù có nhiều trở ngại nhưng các doanh nghiệp địa phương cũng rất cố gắng và đạt thành quả bước đầu. Có thể kể đến công ty khởi nghiệp Wadi.com có mô hình hoạt động tương tư như Amazon đã thu về khoản đầu tư 67 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Wadi cung cấp sản phẩm từ nhiều nhà bán lẻ và người bán khác nhau (không có kho hàng) và hoạt động trực tuyến ở UAE và Ả-rập Xê-út.
Hay Mumzworld.com nhắm đến các bà mẹ và sản phẩm dành cho trẻ em, vốn hoạt động được đảm bảo từ nguồn đầu tư hàng triệu USD của Wamda Capital, twofour54 và Endeavor Catalyst.
Các chuyên gia dự báo tiến trình cải cách kinh tế, đa dạng hóa và cải thiện luật lao động cùng sự tăng trưởng liên tục của Internet sẽ thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Trung Đông lên tầm cao mới trong thập kỷ tới.
Minh Trí