Thứ ba, 21/1/2025
Thứ tư, 13/11/2013, 09:39 (GMT+7)

Những trạm tàu điện ngầm đẹp nhất thế giới

Không chỉ tiết kiệm thời gian, lựa chọn tàu điện ngầm còn mang đến cho bạn cơ hội thảnh thơi nhìn ngắm những nhà ga đẹp mắt được các kiến trúc sư, nghệ sĩ thổi hồn.

Naples, Italy

Những công dân Italy sẽ nhanh chóng gật đầu đồng tình khi có ý kiến cho rằng Naples có những ga tàu điện đẹp nhất đất nước. Những nhà ga mang đậm chất nghệ thuật là nơi du khách có thể bị cuốn hút bởi các bức tranh tường do nghệ sĩ và nhà thiết kế hàng đầu như Anish Kappor, Karim Rashid thực hiện.

Nhà ga nổi tiếng nhất là Toledo Metro Station với hình vẽ thể hiện sự kết hợp nước và ánh sáng, do nghệ sĩ Oscar Tusquet Blanca thể hiện. 

Moscow, Nga

Những trạm tàu điện ngầm ở thủ đô Moscow là nơi tuyệt nhất để khám phá nghệ thuật truyền thống nước Nga. Rất nhiều ga tàu gây ấn tượng với du khách bởi những cột trụ hình tròn, tranh tường và phù điêu gắn khắp trần nhà, được chiếu sáng bởi hệ thống đèn chùm đẹp như cung điện.

Bạn hãy ghé thăm nhà ga Komsomolskaya do Dmitry Chechulin thiết kế và trang trí lộng lẫy ở quận Krasnoselsky. 

Stockholm, Thụy Điển

Người Thụy Điển nổi tiếng với con mắt nghệ thuật trong thiết kế và họ cũng áp dụng triệt để vào những nhà ga tàu điện.

Từ các bức bích hoạ đến những nét vẽ bằng sơn đơn giản mà tinh tế, ga tàu điện ở Stockholm với đường hầm “Tunnelbana” thường được xem là lối đi triển lãm dài nhất thế giới.

Trạm Kungstradgarden luôn khiến mọi người phải đảo mắt nhìn từ chân tường đến trần nhà để chiêm ngưỡng trọn vẹn những gì các nghệ sĩ thể hiện.  

Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên

Hệ thống tàu điệm ngầm ở Bắc Triều Tiên chứa đầy dấu ấn lịch sử. Nó được xây để nối những căn cứ quân sự ngầm dưới lòng đất (người ta còn cho rằng có những tuyến chỉ dành riêng cho các nhân vật trọng yếu trong bộ máy nhà nước di chuyển hiện vẫn tồn tại).

Ngày nay, tàu điện ngầm là một phần quan trọng của giao thông công cộng ở đất nước còn nhiều điều bí ẩn này. Bên trong một nhà ga thường có không gian thoáng đãng với mái vòm cong, tranh tường với nội dung cổ động tinh thần yêu nước.

Berlin, Đức

Berlin là trung tâm nghệ thuật của nước Đức và khi đi xuống lòng đất, du khách có thể nhìn thấy những “phòng tranh” mở cửa suốt ngày.

Ga Heidelberger Platz do kiến trúc sư bản địa Wilhelm Leitgebel thiết kế, là một trong những công trình nhà ga tiêu biểu, với mái vòm cao và hệ thống chiếu sáng đèn vàng mang lại cảm giác ấm cúng. 

Dubai, các tiểu Vương quốc Ảrập

Dubai đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu ở Trung Đông và mọi thứ ở đây đều toát lên vẻ xa hoa, trong đó có hệ thống Metro.

Nhà ga Khalid Bin Al Waleed bóng bẩy được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với lối trang trí theo 4 yếu tố của tự nhiên (nước, không khí, đất và lửa) trong đó ngọn đèn treo có hình dáng con sứa khổng lồ rất ấn tượng.

London, Anh

Trong khi bạn đang chìm đắm trong thủ đô của xứ sở sương mù với các công trình kiến trúc nhuốm màu cổ kính, hãy ghé qua nhà ga Westminster thuộc hệ thống tàu điện ngầm Tube nổi tiếng tại London, để nhìn thấy chút gì đó khác biệt. Được thiết kế bởi Michael Hopkins, đây là một trong những nhà ga hiện đại nhất, mang không khí của nền công nghiệp với trần cực cao, khối xà rầm bê tông mạnh mẽ lộ ra ngoài, ống thép và thang cuốn đều làm cỡ rộng. 

Santiago, Chile

Tại nhà ga Universidad de Chile ở Santiago, bất cứ du khách nào cũng bị bất ngờ bởi toàn bộ những khoảng trống trên tường được lấp đầy bởi bức tranh Memoria Visual de una Nacion của họa sĩ nổi tiếng Mario Toral. Nội dung của bức họa thể hiện những chiến thắng và bị kịch đã diễn ra dọc theo chiều dài lịch sử, chính trị và tôn giáo của đất nước Chile.

Barcelona, Tây Ban Nha

Nhà ga Drassanes ở quận Ciutat Vella, Barcelona, không hoa mỹ như những khối kiến trúc khác trong thành phố, mà được hai nhà thiết kế Eduardo Gutierrez Munne và Jordi Fernadez Rio chọn phong cách đơn giản nhưng không kém phần tao nhã. Sân ga có lớp ốp tường bê tông màu trắng, sàn và trần cũng cùng tông (tone), pha những đường kẻ màu xanh lá nền nã.  

New York, Mỹ

Hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố New York vốn đã rất nổi tiếng với vẻ cổ kính, kích thước lớn và số lượng hàng triệu lượt người đi lại mỗi ngày. Những cư dân của thành phố vẫn tranh luận về nhà ga nào đẹp nhất tại “quả táo lớn” (nickname của New York). Nhà ga ở City Hall hay Grand Central?

Vậy hãy đến thăm cả hai và thêm cả Astor Place Station. Tại nhà ga này, những du khách và cư dân thành phố luôn dành thời gian thưởng thức những bức tranh tường của Milton Glaser (người đã thiết kế biểu tượng “I hear NY” nay đã lan rộng toàn cầu và được in trên rất nhiều chiếc áo thun).

Thượng Hải, Trung Quốc

Một trong những điểm đến kỳ lạ nhưng cũng thu hút du khách khi đến Thượng Hải là Shanghai Sightseeing Tunnel, đường hầm chạy dưới dòng sông Huangpu. Từng được nằm trong kế hoạch xây dựng lối đi giao thông qua lại từ Bund đến Pudong, nhưng với những ánh sáng kỳ ảo như trong bộ phim viễn tưởng đã hấp dẫn du khách và cuối cùng Shanghai Sightseeing Tunnel trở thành điểm du lịch. 

Cao Hùng, Đài Loan

Được thiết kế bởi nghệ sĩ nổi tiếng Narcissus Quagliata, mái vòm lấp lánh ánh sáng tại nhà ga Cao Hùng (Kaohsiung), Đài Loan là công trình nghệ thuật ghép từ kính màu lớn nhất thế giới được đặt ở một nơi công cộng. Du khách sẽ cảm nhận mình như đang đi dưới một tán cây dù khổng lồ đầy màu sắc. 

Munich, Đức

Thành phố Munich luôn sôi động, rực rỡ và những ga tàu điện ngầm cũng vậy. Trạm ga Westfriedhof được nhà thiết kế Ingo Mauer thổi hồn với những sắc vàng và xanh tỏa ra từ hệ thống 11 bóng đèn hình bán cầu bằng nhôm, cho du khách cảm nhận được chiều sâu của sân ga.  

Chicago, Illinois, Mỹ

Nhà ga Monroe/State Red Line của tuyến tàu điện ngầm Chicago như đưa mọi người trở về quá khứ. Đây là hình mẫu nghệ thuật kiến trúc của những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ trước. Trạm tàu này vẫn có những tấm vé theo kiểu cũ được bán tại quầy và trang trí không khác lắm so với 70 năm về trước. 

Lisbon, Bồ Đào Nha

Nhiều màu sắc giàu tính thẩm mỹ, Olaias Metro Station ở Lisbon nổi tiếng là một trong những trạm tàu điện đẹp nhất ở “lục địa già”. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Tomas Taveira, sân ga có những cột trụ lớn sơn màu vàng và cam cùng các bức bích họa trên tường khá trừu tượng. 

St. Petersburg, Nga

Lộng lẫy và xa xỉ, các trạm tàu điện ở St. Peterburg là một trong những điểm nhấn mạnh mẽ của kiến trúc thành phố nhờ bàn tay của rất nhiều kiến trúc sư.

Trạm tàu điện Avtovo dễ khiến du khách nhầm tưởng đang lạc vào cung điện dưới lòng đất với hàng cột có thân điêu khắc cầu kỳ, đèn chùm treo dọc lối đi và những trang trí mang phong cách của thời kỳ Xô Viết. 

Brussels, Bỉ

Hãy ghé mua vài phong chocolate nổi tiếng của nước Bỉ và dành thời gian để khám phá hệ thống tàu điện ngầm thủ đô, vốn thường xuyên được trang trí sinh động như những phòng trưng bày hay bảo tàng công cộng.

Bạn nhớ đừng bỏ qua nhà ga Comte de Flandre, nơi những hình nhân đang bay lơ lửng ngay phía trên đường ray, một tác phẩm của nghệ sĩ Van Hoeydonck. 

Paris, Pháp

Hệ thống trạm tàu điện ngầm ở Paris cũng lấp lánh không kém bản thân thành phố thủ đô nước Pháp. Chỉ cần đứng ngay lối vào bạn đã cảm nhận được không khí nghệ thuật lan tỏa khắp nơi từ bóng đèn, tay vịn cầu thang, tranh tường…

Auber là một trong số những nhà ga đáng đến thăm nhất khi được ví như công viên dưới lòng đất, bởi những cây xanh được trồng ngay chính giữa khu vực sân ga. 

Frankfurt, Đức

Chưa cần bước vào bên trong nhà ga Bockenheimer Warter ở Frankfurt du khách không thể không dừng lại để chụp một tấm ảnh. Cổng vào dưới sân ga được xây hình toa tàu cổ đang nhô lên khỏi mặt đất. Kiến trúc sư Zbigniew Peter Pininski đã lấy cảm hứng từ trường phái siêu hiện thực của nghệ sĩ Rene Magritte khi thiết kế nên lối vào độc đáo này. 

Bilbao, Tây Ban Nha

Nhà thiết kế lừng danh Norman Foster đã biến ga tàu điện ngầm Guggenheim thành “bảo tàng nghệ thuật đương đại” ngay bên cạnh bảo tàng Guggenhiem thật sự ở phía trên. Sân ga rộng lớn, thoáng đãng, sáng sủa. Lối vào nhà ga có hình như một ống thủy tinh và khi những con tàu lướt qua để lại một không gian chứa đầy cảm giác tự do, bất tận. 

Hoài Nam

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net