Vào năm 1999, tại Đồng Nai và địa bàn lân cận như TP HCM, Bình Dương xuất hiện nhiều tên tội phạm rất liều lĩnh, hoạt động vào ban đêm. Chúng đột nhập nhà dân, quán ăn, vào cả trụ sở cơ quan nhà nước để cướp, chặn ôtô cướp tài sản. Sự lộng hành của nhưng tên cướp “bóng đêm” khiên người dân mất ăn mất ngủ.
Hầu hết nạn nhân đều không thể nhận dạng được thủ phạm, tất cả chỉ là nhớ “mang máng”. Từ những lời khai ít ỏi này, Công an tỉnh Đồng Nai mời họa sĩ Võ Tấn Thành (trú tại Đồng Nai) vào cuộc phác họa chân dung thủ phạm.
Sau nhiều ngày đi gặp gỡ các nhân chứng, dù các chi tiết hết sức rời rạc nhưng họa sĩ Thành dựng được chân dung kẻ cầm đầu. Từ tấm hình phác họa, Công an tỉnh Đồng Nai xác định tên này chính là Phó Văn Chính, từng có tiền án tiền sự về tội trộm cắp.
Từ cuối năm 1999 đến đầu năm 2001, băng cướp có trang bị vũ khí của Dũng “Chim xanh” hoành hành trên quốc lộ 1A (qua địa phận Đồng Nai, TP HCM...). Bộ Công an mời họa sĩ Thành phác họa chân dung tướng cướp này. Dù băng cướp Dũng “Chim xanh” luôn gây án vào ban đêm, nạn nhân không thấy rõ mặt hắn nhưng qua khắc họa của ông Thành, chân dung Dũng “hiện hình” gần giống thật. Từ bức phác họa này, nhóm Dũng “Chim xanh” sa lưới.
Sau đó gần 10 năm, tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) xảy ra vụ cướp tiệm vàng hết sức táo tợn. Nhóm cướp có vũ khí xông vào tiệm lấy đi 100 cây vàng. Camera của cửa hàng ghi lại được hình thủ phạm nhưng rất mờ, không thể nhận dạng. Họa sĩ Thành lại được mời tham gia. Qua nhiều ngày lặn lội tiếp xúc với nạn nhân, ông Thành đã phác thảo ra khuôn mặt của thủ phạm.
Trong lúc cơ quan công an đang truy lùng nhóm tên này thì 2 tháng sau tại huyện Tịnh Biên (An Giang) tiếp tục xảy ra vụ cướp tiệm vàng. Nhóm côn đồ có 6 người đều bịt mặt, có súng và cướp đi 300 cây vàng.
Cơ quan công an nhận định, nhóm cướp này rất có thể là người nước ngoài nên đã phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Campuchia truy bắt. Nghi vấn nhóm cướp này từng cướp tiệm vàng thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) được đặt ra. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, các nghi can đã phủ nhận. Chỉ đến khi các điều tra viên đưa ra bức phác họa khuôn mặt thủ phạm cướp tiệm vàng Lan Anh, chúng mới nhận tội.
Mới đây, ngày 13/1, nghi can Lê Thị Bích Trâm (trú quận Bình Chánh, TP HCM) ra đầu thú tại cơ quan Công an quận 7, giao nộp cháu bé bị cô ta bắt cóc trước đó tại Bệnh viện quận 7. Trước đó, phác họa về khuôn mặt của Trâm đã được dựng lên qua nét vẽ của họa sĩ Phan Vũ Linh (Giảng viên ĐH Mỹ thuật TP HCM). Khi Trâm bị bắt, khuôn mặt thật cô ta với bức vẽ của anh Linh gần như khớp nhau.
Theo họa sĩ Linh, phác hoạ chân dung thủ phạm được thực hiện từ lời kể của 3 nhân chứng đã trực tiếp giáp mặt với nghi can nhiều lần. Việc phác thảo từ nét vẽ đầu tiên cho tới khi hoàn thành chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 20 phút. Mỗi người kể một chi tiết nên bản vẽ khá chính xác.
Sau khi bản phác thảo bằng bút chì đã được cả ba nhân chứng xác nhận là rất giống với nghi can, ngay trong đêm đó họa sĩ Linh đã scan bức phác họa lên máy tính và tô màu bản vẽ bằng chì. Sáng hôm sau, anh tiếp tục mời bố cháu bé đến tận nhà ngồi cùng để chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh.
Việc phác hoạ chân dung tội phạm qua lời kể nhân chứng ở nước ngoài rất thường xuyên sử dụng, đặc biệt là tại Mỹ. Tuy nhiên tại các nước này họ luôn có sẵn bộ thư viện hình ảnh, hoạ sĩ gắn từng bộ phận vào một khuôn mặt sao cho giống nhất, nhưng hiện nay ở Việt Nam hình thức này vẫn còn khá mới mẻ.
Theo trung tá Lê Việt Dũng (Phòng PC 54, Công an Hà Nội) xác nhận, phương pháp này chưa thực sự phổ biến trong phá án tại Việt Nam. Ông Dũng cho rằng khó khăn nhất không chỉ là trí nhó và sự miêu tả chính xác của nhân chứng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào họa sỹ vẽ “có hồn” hay không.
Theo Gia đình & Xã hội