Một ngày hồi tháng 8 năm ngoái, Thao Vo đang lái xe máy đến ngân hàng thì bất ngờ một người đàn ông trờ tới trên một chiếc xe ôtô đa dụng cỡ lớn màu đen, chặn anh giữa đường. Vừa bước ra khỏi xe, người đàn ông đó cho biết ông ta là một đặc vụ liên bang, được lệnh bắt Thao về trung tâm giam giữ người nhập cư ở thành phố St. Albans, hạt Frankin, bang Vermont, theo Seven Days.
Ngày hôm đó đánh dấu thời điểm bắt đầu quãng thời gian 6 tháng sống sau song sắt của một thanh niên Việt Nam sống hợp pháp ở Mỹ kể từ năm 1999. Dù chưa nhập quốc tịch, chàng thanh niên 25 tuổi có thẻ xanh thường trú ở Mỹ. Được trả tự do hồi tháng ba nhưng vẫn phải chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, Thao được yêu cầu đeo một thiết bị định vị ở cổ chân cho đến ngày bị trục xuất về Việt Nam, theo dự kiến, vào tháng hai tới.
Theo các nhóm hoạt động xã hội và nhiều nguồn tin, đại diện chính quyền Mỹ và Việt Nam đã gặp nhau hôm 10/12 để bàn bạc về việc sửa đổi thỏa thuận ký kết năm 2008. Theo thỏa thuận đã ký giữa Washington và Hà Nội, những người nhập cư gốc Việt đến Mỹ trước ngày 12/7/1995, thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ, sẽ không bị gửi trả về quê nhà kể cả những trường hợp từng phạm tội trên đất Mỹ. Nếu Mỹ thay đổi thỏa thuận cũ, khoảng 9.000 người nhập cư gốc Việt sẽ có nguy cơ bị trục xuất vào đầu năm 2019. Thao từng bị kết án sở hữu cần sa trái phép hồi năm 2016.
Trước viễn cảnh bị trục xuất đang đến gần, Thao cùng bạn bè mở chiến dịch gây quỹ và kêu gọi sự ủng hộ của công chúng trong cuộc tranh đấu chống lại quyết định của chính phủ. "Tất cả người thân của tôi đều ở đây. Tất cả", Thao nói. "Tôi đã sống ở đây 20 năm. Tôi đã mắc sai lầm và tôi không oán giận ai vì những sai lầm của bản thân".
Thao cho biết anh từng hai lần bị kết tội sở hữu cần sa trái phép. Lần thứ nhất, vào năm 2013, anh và một người bạn bị bắt quả tang cùng 6 pounds (2,7 kg) cần sa trên xe ôtô tại Illinois. Lần thứ hai tại Vermont vào năm 2016, Thao bị bắt với một lượng nhỏ khoảng 1-2 ounce (60 gram) cần sa. Thao lãnh án tù 22 tháng ở Illinois và đóng 600 USD tiền phạt cho lần vi phạm thứ hai.
Theo hồ sơ lưu trữ tại tòa án hạt Chittenden, bang Vermont, vào năm 2012, Thao bị bắt hai lần, một lần do có liên quan đến hành hung và cướp của và một lần vì lái xe khi trong người có chất cồn. Cả hai vụ, cơ quan công tố đều không khởi tố Thao ra tòa.
Người phát ngôn của Cơ quan Di trú và Nhập cư ICE John Mohan xác nhận trường hợp của Thao Vo cũng như các mốc thời gian vi phạm pháp luật của anh nhưng từ chối xác nhận khi nào chàng thanh niên Việt Nam này sẽ bị trục xuất.
"Tôi không phải là loại cặn bã, tôi không phải là một kẻ trộm cắp", Thao phân trần. "Tôi là người đáng tin cậy".
Thao từng làm việc cho một hiệu giặt khô, là hơi. "Người chủ ban đầu cho tôi cơ hội làm công việc đánh bóng giày và tôi cần mẫn tiến dần lên từ vị trí đó". Melissa Gonyon, chủ của cừa hàng giặt khô Gadue’s Dry Cleaning, nói Thao là người có thể tin tưởng hoàn toàn. "Cậu ấy là một người chăm chỉ, chẳng qua đã phạm một vài sai lầm ngu ngốc", bà Melissa nói. "Tôi tin tưởng cậu ấy 100% nếu không, tôi đâu dám cử cậu ấy vào nhà của khách hàng, mà nhiều khi không có ai ở nhà".
Vì đang trong quá trình chờ trục xuất, hiện Thao không thể đi làm mà ở nhà giúp bạn gái chăm sóc hai con nhỏ. Tuy nhiên bà Melissa vẫn giữ chỗ làm chờ ngày Thao quay về. Thậm chí bà còn giúp chàng nhân viên Việt Nam quyên tiền trên mạng để trang trải các chi phí pháp lý.
"Cậu ấy không đáng bị trục xuất về nước và mất tất cả chỉ vì vài cáo buộc sở hữu cần sa", Melissa, người tự nhận mình là cử tri trung thành của đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump, bức xúc nói. Bà thậm chí viết thư gửi thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders để trình bày về trường hợp của Thao.
"Chắc chắn mọi người cảm thấy kỳ quặc khi thấy tôi (một cử tri Cộng hòa) lại đi tranh đấu vì một lý do nghe rất Dân chủ. Nhưng tôi đang làm điều đó thật và tôi làm vì cậu Thao", Melissa cho rằng trường hợp của Thao không giống những người nhập cư đang sống và làm việc bất hợp pháp ở Mỹ. Thao có thẻ xanh nhưng chưa bao giờ nộp đơn xin nhập quốc tịch vì lo sợ không thi qua bài kiểm tra đọc và viết.
Thao chỉ nói chút ít tiếng Việt và chưa từng quay trở lại quê nhà kể từ khi cùng gia đình sang Mỹ 20 năm trước. "Tôi biết tôi là người nhập cư. Tôi có thẻ xanh. Tôi đã nhấn mạnh điều đó nhiều lần", Thao nhắc lại lần bị kết tội sở hữu cần sa hồi năm 2016, lúc đó luật sư đã không nói cho cậu biết rằng nếu ký vào biên bản với bên công tố, Thao sẽ tự tuyên bố nhận tội.
"Tôi chỉ nghĩ là ai mà chẳng hút cần, có gì to tát cơ chứ?", Thao nói. "Nhưng giờ đây nó đã trở thành điều to tát khi ảnh hưởng đến vấn đề đi hay ở của tôi".
An Hồng