Hà Nội những ngày đầu tháng Chạp thật lạ, khiến lòng người rơi vào trạng thái lưng chừng giữa hối hả, vội vã và chầm chậm, nhẹ nhàng. Mùa đông cũng sắp trôi qua, thành phố sắp thay áo mới mang hương vị ấm áp và ngọt lành của mùa xuân. Những ngày cuối năm, cảm xúc lẫn lộn chẳng gọi thành tên. Có người cố gắng hoàn thành xong công việc để kịp về ăn bữa cơm cuối năm bên cạnh người thân. Có người ngoái đầu nhìn lại một chặng đường đã đi qua với bao điều ý nghĩa, gói ghém những điều buồn và trân trọng những thành công gặt hái được.
Thành phố đang sắp vào xuân mẹ ạ, hay là lòng con đang ngập tràn ngày xuân, thèm cảm giác tận hưởng vị Tết cổ truyền. Thời gian này mỗi đêm con chẳng thể chợp mắt nổi trước 0h, vì nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ tất thảy mọi thứ thuộc về nơi đó.
Chiều nay, khi đứng dưới mái chờ xe bus, một bà cụ chầm chậm lê từng bước chân mệt mỏi về phía con và run run: "Mua giúp bà một phong kẹo đi con, hôm nay bà chưa bán được phong nào".
Mẹ à, nhìn đôi mắt cụ, trái tim con ngạt thở khi nhớ đến nội. Chững lại một lát con mua một phong kẹo và đưa bà cụ tờ 50 nghìn đồng. Cụ cảm ơn rồi lấy vội cái túi đựng tiền tự khâu bằng vải nâu xỉn màu và lẩm nhẩm đếm đủ 40 nghìn đồng là những tờ tiền lẻ 2 nghìn, 1 nghìn đã cũ, nhàu nát. Con cầm lấy những đồng tiền lẻ, chăm chăm nhìn vào dáng người bà cụ cho tới khi cụ đi khuất. Những tờ tiền lẻ cuối năm, những tờ tiền lẻ mà cụ đã vất vả kiếm được, những tờ tiền lẻ gợi nhắc con nhớ về những mùa Tết năm xưa bên mẹ.
Ngày đó, quê mình còn nghèo lắm, nhà mình cũng không khá khẩm gì, cha mẹ làm ăn quần quật quanh năm suốt tháng nuôi chúng con khôn lớn. Thời gian đã lấy đi hết tuổi trẻ và cả những niềm vui nhỏ nhoi đó bằng mồ hôi và nước mắt. Những đứa trẻ ngày đó cứ háo hức mong chờ Tết đến để được đi chơi, mua quần áo mới, được lì xì nhưng đâu có hiểu rằng có những nỗi lo nhuộm buồn đôi mắt mẹ và nhọc nhằn đè nặng vai cha. Ngày giáp Tết, mẹ chăm chăm nhìn vào đàn gà mái tơ vừa kịp lớn và chép miệng, nén tiếng thở dài với cha: “Bán ngày tết may ra được thêm mấy chục, còn có tiền mà mừng tuổi mấy đứa cho bằng con nhà người ta”.
Có những đêm lạnh, trời trở gió vội con vẫn thấy mẹ ngồi chong đèn khâu lại chiếc túi đựng tiền buộc bằng dây chun. Chiếc túi đã cũ nhưng mẹ không chịu may cái mới. Mẹ bảo hết một năm mẹ sẽ khâu cái mới với hy vọng có thêm nhiều tiền trong đó hơn. Nhưng những gì con thấy thường ngày là mấy tờ tiền lẻ gấp vội mẹ kiếm được từ việc bán cua đồng, còn vương mùi bùn cũ chưa bay hơi.
Con nhớ lại năm ấy, đã rất lâu rồi phải không mẹ. Gần Tết, người người tất bật mua đào, mua quất, đèn nháy trang trí căn nhà thêm lung linhh nhưng nhà mình không có, vì mẹ bảo những thứ đó mẹ không đủ tiền mua, còn nhiều thứ cần thiết hơn. Con buồn, rồi vùng vằng giận dỗi bảo rằng mẹ keo kiệt, có mấy ngày tết cũng không chịu mua. Con làm mẹ buồn lắm. Mẹ lẳng lặng đi vào nhà trong, lấy chiếc túi đựng tiền vẫn thường mang bên mình, lẩm nhẩm đếm những tờ tiền lẻ: “Còn chừng này tiền làm sao đủ mua một cây đào, mua đào cũng phải mấy trăm, còn tiền để mua gia vị, thức ăn ngày Tết nữa…”. Tiếng thở dài của mẹ khiến con thấy mình thật tệ.
Chiều 30 Tết năm đó, con ngồi trông nồi bánh chưng nghi ngút khói, thơm lừng mùi nếp mới thì thấy mẹ gọi: “Mấy đứa ơi, xem cây quất mẹ mua có đẹp không, ra nhanh đỡ hộ mẹ nào?”. Lũ chúng con tíu tít chạy quanh cấy quất mẹ mua. Mẹ cười viên mãn, nụ cười thật hiền hằn vết chân chim ở khóe mắt. Con biết mẹ đã phải cắn răng bán hai con gà mái tơ để mua nó. Tết đến, mẹ mừng tuổi cho mỗi đứa 20 nghìn đồng. Vẫn là những tờ tiền lẻ đó, mẹ bảo mẹ không mừng một tờ, mẹ mừng nhiều tờ vì con nít thích nhiều hơn một.
Tết đó con giữ khư khư những tờ tiền mẹ mừng tuổi, rưng rưng nước mắt, hít thật nhiều mùi hương còn vương lại trên đó, mùi mồ hôi, mùi bùn đất nơi xứ Nghệ quê nghèo, mùi nhọc nhằn mẹ vất vả có được. Đối với người khác con biết nó chẳng có giá trị gì nhưng với con đó là tài sản lớn nhất, tình thương sâu nhất mà mẹ dành cho chúng con.
Hà Nội những ngày này bớt lạnh rồi mẹ ạ, nắng tràn hanh hao từng góc phố, vị Tết len lỏi vào từng ánh mắt háo hức của những người xa quê mong giây phút đoàn tụ. Năm nay Tết gần chạm ngõ rồi mẹ ạ, con sẽ đổi thật nhiều tiền lẻ về cho mẹ mừng tuổi chúng con mẹ nhé!
Nguyễn Thị Nghĩa
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |