Suốt sự nghiệp 50 năm sáng tác, hòa âm, Quốc Dũng là một trong những nhạc sĩ nổi bật của tân nhạc Việt với gần 100 ca khúc nhiều thể loại. Nhiều ca sĩ từng thể hiện nhạc Quốc Dũng, trong đó Bảo Yến - vợ ông - để lại dấu ấn với nhiều bản hit.
Nhạc sĩ qua đời tại nhà riêng, thọ 72 tuổi. Theo đại diện gia đình, ông được hỏa táng sáng 25/9 tại Bình Hưng Hòa, TP HCM.
Em đã thấy mùa xuân chưa
Quốc Dũng viết ca khúc đầu tay năm 11 tuổi, chứng minh nét tài hoa của nhạc sĩ giai đoạn mới vào nghề. Khi ấy, ông chỉ thảo giai điệu, viết ra phần nhạc không lời. Đến năm 17 tuổi, những rụng động đầu đời giúp nhạc sĩ bồi đắp thêm ca từ giàu chất rung cảm: "Vì mình xa nhau, nên em chưa biết xuân về đấy thôi/ Ngày xuân vẫn trôi, rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai".
Sau khi hoàn chỉnh, nhạc phẩm được ca sĩ Dạ Hương thu âm trong băng của hãng Shotguns, lập tức trở thành hiện tượng. Với chất nhạc lãng đãng, ca từ buồn mênh mang, ca khúc ghi dấu như một trong những bài hát về mùa xuân hay nhất, được nhiều ca sĩ thu âm, như Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Cẩm Vân, Quang Dũng.
Mai
Ca khúc nổi tiếng qua giọng hát Elvis Phương vào đầu thập niên 1970, từng được trao giải Kim Khánh cho nhạc phẩm hay nhất năm. Nội dung là lời tâm sự sầu não của chàng trai khi mối tình tan vỡ: "Mai! Anh biết em trong một ngày/ Anh đã yêu trong một ngày/ Cho sầu đau đến bao ngày".
Trong một chương trình phát sóng năm 2017, Bảo Yến cho biết từng hỏi ông xã có phải bài hát ông viết riêng cho Thanh Mai - một giọng ca ông từng gặp. Nhạc sĩ trả lời vợ rằng Thanh Mai là nhân vật chính, ngoài ra còn có ba, bốn cô Mai khác được thêm thắt vào. "Ngày xưa, tôi buồn vì anh ấy yêu nhiều quá. Cuối cùng ngẫm lại, nhờ anh ấy yêu nhiều, mới có nhiều tác phẩm hay để lại", ca sĩ nói.
Bài ca Tết cho em
Ra đời năm 1982, bài hát đánh dấu cột mốc tình cảm Quốc Dũng dành cho Bảo Yến ngay từ những ngày đầu gặp gỡ. Lúc ấy, Bảo Yến là ca sĩ kiêm thư ký cho đài truyền hình TP HCM, còn Quốc Dũng làm trưởng ban nhạc của đài, phụ trách hòa âm phối khí cho các show trên màn ảnh nhỏ.
Nhạc sĩ cố gắng tiếp cận bằng cách mời chị em ca sĩ Bảo Yến - Nhã Phương đi ăn bò bía. Đêm về, nhớ lại những cuộc hẹn, Quốc Dũng viết tặng Bảo Yến nhạc phẩm Bài ca Tết cho em. Sáng hôm sau, gặp nhau ở đài, nhạc sĩ khẽ dúi bản nhạc vào tay Bảo Yến.
"Tết này anh không thèm kẹo mứt
Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng
Tết nay anh không thèm đi chơi
Cine hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu"
Sau 40 năm, bài hát được nhiều ca sĩ thu âm, trong đó một số bản thu của Quang Lê, Đàm Vĩnh Hưng, Khưu Huy Vũ gây tiếng vang. Dù vậy, đông đảo khán giả nhiều thế hệ ghi nhớ bản đầu tiên do Bảo Yến thể hiện.
Đường xưa
Ca khúc được Quốc Dũng dựa trên bài thơ của bạn thân - thi sĩ Nguyễn Đức Cường, tác giả ông hay phổ nhạc. Bài hát là nỗi lòng của chàng trai khi nhớ đến người cũ cùng "bao hẹn thề xưa êm ấm". Bảo Yến từng cho biết Quốc Dũng viết về người bạn thân từng yêu một cô gái, song cô đột ngột qua đời. Ngoài ra, ông lấy cảm hứng từ một bóng hồng ở Đà Lạt.
Chuyện hợp tan
Nhạc phẩm được Quốc Dũng viết cho hai người bạn của ông trước khi chia tay, sang Mỹ. Theo Bảo Yến, nhạc sĩ sáng tác để nói về chuyện ly hợp thường tình của cuộc đời. Ca từ là dòng tâm trạng vấn vương của đôi nhân vật trong buổi chia tay: "Mai tôi rời bước quê nhà hành trang mang nặng niềm thương/ Nhớ khi mình cùng thức trắng đêm sương/ Nhớ điệu hò tha thiết bao sầu thương". Từng được nhiều giọng ca, trong đó có Như Quỳnh thu âm, ca khúc để lại nhiều ấn tượng qua giọng hát bàng bạc nỗi buồn của Bảo Yến.
Lối thu xưa
Nhạc phẩm viết về mối tình tinh khôi thời hoa mộng, để lại dòng cảm xúc luyến tiếc cho nhân vật. Ca khúc được viết vào những năm đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến. Bấy giờ, Quốc Dũng cùng các đàn anh như Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà góp công trẻ hóa nhạc Việt bằng những giai điệu hiện đại. Bài hát ban đầu có tên Anh không dám nói yêu em, được Chế Linh thu âm. Sau này, tác giả chọn tên Lối thu xưa để gợi cảm giác thi vị hơn.
Mắt Huế xưa
Trong nhiều nhạc phẩm viết về xứ Huế của Quốc Dũng, Mắt Huế xưa là sáng tác nổi bật. Ca khúc do Quốc Dũng viết cùng nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca. Nỗi buồn nhân vật được nhạc sĩ ví như đôi mắt của thiếu nữ áo tím: "Màu mắt Huế buồn rưng rưng, khiến cho anh suốt đời không quên/ Ôi mắt thơ đẹp ai oán, mà phong ba vẫn luôn đón chờ".
Điệp khúc mùa xuân
Được viết từ đầu thập niên 1970, ca khúc nhanh chóng phổ biến, trở thành bản hit nhạc xuân mỗi dịp Tết Nguyên đán. Tiết tấu sôi động, bài hát ca ngợi ngày Tết quê hương, gợi không khí vui tươi, tràn ngập phấn khởi. Tâm hồn con người như thêm trong trẻo trước cảnh sắc thiên nhiên dịp xuân về: "Này gió hãy cuốn từng lá rơi/ Và nắng hãy chiếu màu thắm tươi/ Cùng những tiếng hát điệu nhạc dâng chơi vơi/ Để hồn ta say trong tiếng cười".
Mai Nhật