Cựu tổng thống Donald Trump hiện là ứng viên dẫn đầu cuộc đua tranh đề cử đảng Cộng hòa. Ông đã có 3 chiến thắng sơ bộ đầu tiên ở bang Iowa, New Hampshire và Nevada, giành được ủng hộ của tổng cộng 60 đại biểu.
Ông Trump được dự đoán đánh bại đối thủ cuối cùng Nikki Haley, cựu thống đốc bang Nam Carolina, để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa. Nếu kịch bản này thành hiện thực, ông sẽ có màn tái đấu cùng Tổng thống Joe Biden.
Nhiều người thậm chí đã nghĩ tới kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng và lãnh đạo Mỹ trong 4 năm tới. Tuy nhiên, Jennifer Rubin, nhà bình luận của Washington Post, nhận định đã có những dấu hiệu cho thấy những điểm yếu của Trump và đảng Cộng hòa xuất hiện ngày càng rõ ràng hơn trên đường đua.
Đầu tiên là chiến thắng thuyết phục của đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu đặc biệt chọn người thay thế nghị sĩ George Santos của khu vực bầu cử số 3 bang New York. Cựu nghị sĩ Dân chủ Tom Suozzi đã vượt qua nhà lập pháp Cộng hòa Mazi Pilip với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 53,9% và 46,1%.
Thay vì theo đuổi chủ đề tranh luận về kinh tế, Suozzi tập trung vào các vấn đề nhập cư và phá thai. Ông đã lật ngược tình thế trước Pilip bằng cách chỉ trích việc cô phản đối dự luật biên giới lưỡng đảng mà Thượng viện ủng hộ.
Chiến thắng của đảng Dân chủ tại khu vực vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát là lời cảnh báo đối với đảng của cựu tổng thống Trump, theo Rubin.
Với chiến thắng của Suozzi, đảng Cộng hòa hiện kiểm soát 219 ghế và đảng Dân chủ nắm giữ 213 ghế trong Hạ viện. Điều đó khiến đảng Cộng hòa chỉ được phép để mất 2 phiếu trong các cuộc bỏ phiếu thông qua các dự luật.
Việc Thượng viện Mỹ duyệt gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine bất chấp những lời kêu gọi phản đối từ ông Trump cũng nhấn mạnh sức ảnh hưởng của cựu tổng thống với đảng Cộng hòa suy giảm.
"Đừng ngu ngốc! Chúng ta cần một đạo luật về nhập cư và biên giới riêng biệt. Không nên để dự luật đó bị ràng buộc với viện trợ cho nước ngoài dù dưới bất cứ hình thức nào!", cựu tổng thống Trump nhắn nhủ các đảng viên Cộng hòa ngày 5/2.
Ông Trump đề cập tới dự luật ngân sách 118 tỷ USD được Thượng viện Mỹ xây dựng, trong đó dành 20,23 tỷ USD để thắt chặt an ninh biên giới, 60 tỷ USD viện trợ Ukraine, 14,1 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Israel, cùng các khoản viện trợ khác.
Dù phải cắt gọt quy mô gói viện trợ, các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 13/2 vẫn thông qua gói trị giá hơn 95 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD hỗ trợ quân sự và nhu cầu khác của Ukraine, với 70 phiếu thuận và 29 phiếu chống. 22 thành viên phe Cộng hòa và hầu hết phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ ủng hộ.
"Cuộc bỏ phiếu đã chứng minh rằng nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ quay lưng với ông Trump trong một số vấn đề", Rubin cho hay.
Nếu đảng Cộng hòa bắt tay cùng Dân chủ để thông qua dự luật ở Hạ viện, tầm kiểm soát của ông Trump sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa, theo giới quan sát.
Trong trường hợp Trump vẫn có thể cản trở dự luật về nhập cư được thông qua, ông phải chấp nhận giá đắt là làm bẽ mặt các nhà đàm phán an ninh biên giới của đảng Cộng hòa, gây tổn hại cho các ứng viên như Pilip và trao cho ông Biden cơ hội chỉ trích mình, theo giới quan sát.
"Đảng Dân chủ sẽ rất vui nếu có thể xem đây như minh chứng khác cho cáo buộc ông Trump đặt lợi ích bản thân trên nhu cầu đất nước", Rubin cảnh báo.
Quyết định của Thượng viện được đưa ra khi cựu tổng thống vấp chỉ trích gay gắt vì lời đe dọa NATO. Trong cuộc vận động tranh cử tại bang Nam Carolina hôm 10/2, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ nội dung cuộc gặp với "lãnh đạo một quốc gia lớn" tại hội nghị của NATO khi ông còn tại chức.
"Tôi sẽ không bảo vệ các vị. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ thứ gì mà họ muốn. Các vị phải trả tiền trước", ông Trump cho biết câu trả lời khi được hỏi rằng Mỹ có bảo vệ nước này nếu họ không đóng góp đủ ngân sách cho liên minh và bị Nga tấn công hay không.
Lời đe dọa bỏ rơi đồng minh NATO của ông Trump lập tức vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden và lãnh đạo NATO. "Điều đó thật ngu ngốc, đáng xấu hổ và nguy hiểm. Làm sao có thể tưởng tượng một cựu tổng thống Mỹ nói ra điều như thế? Cả thế giới đã nghe thấy. Điều tệ nhất là ông ấy có ý định như vậy", ông Biden nói ngày 13/2.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden đang nỗ lực phác họa ông Trump như "mối đe dọa với nền dân chủ".
Một mối đe dọa khác với Trump và đảng Cộng hòa là nhiều nghị sĩ định rời khỏi Hạ viện khi tuyên bố không tái tranh cử. Ước tính không dưới 21 nghị sĩ sẽ rời đi, cho thấy một số thành viên của đảng Cộng hòa không háo hức với kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Ngoài ra, các phiên tòa xét xử ông Trump dường như khó có thể diễn ra sau cuộc bầu cử tháng 11. Thẩm phán New York ngày 15/2 bác đề nghị hủy truy tố vụ chi tiền ém thông tin của ông Trump, ấn định ngày 25/3 bắt đầu xét xử cựu tổng thống.
Todd Blanche, luật sư đại diện ông Trump, cho rằng ấn định ngày xét xử như vậy là "rất bất công" và là hành động "can thiệp bầu cử" do có nhiều cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra vào tháng 3.
Chi tiền ém thông tin trong bầu cử năm 2016 là một trong 4 vụ truy tố mà ông Trump phải đối mặt. Cựu tổng thống còn bị cáo buộc can thiệp bầu cử bang Georgia, giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng và âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn tại Đồi Capitol năm 2021.
Ông Trump ngày 12/2 kháng cáo lên Tòa án Tối cao sau khi tòa phúc thẩm liên bang Washington phán quyết cựu tổng thống không được hưởng quyền miễn truy tố trong vụ lật kèo bầu cử năm 2020.
Nếu Tòa án Tối cao từ chối yêu cầu của ông Trump, cựu tổng thống có thể phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng nhất, gồm tấn công nền dân chủ, trước ngày bầu cử quan trọng vào tháng 11.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, CNN, Reuters, AFP)