Hội nghị Trung ương thứ 9, khóa XII khai mạc trong tuần này sẽ xem xét tờ trình quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là công việc được thực hiện theo kế hoạch số 11 về xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.
Để triển khai nội dung trên, lần đầu tiên, Bộ Chính trị khóa XII thành lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban (Ban chỉ đạo).
Khác với trước đây, lần này không quy hoạch cho nhiều khóa mà chỉ tập trung cho khóa tới (2021-2026); việc quy hoạch lần này cũng không làm đồng thời các chức danh mà làm từng bước, quy hoạch xong Ban chấp hành Trung ương (tại Hội nghị Trung ương 9), sau đó đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng mới là các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước.
Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng khác với công tác nhân sự cụ thể. Theo đó, xây dựng quy hoạch nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng (dự kiến khai mạc trong quý I năm 2021).
"Nếu như quy hoạch chỉ gồm những người lần đầu được giới thiệu vào Trung ương, công tác nhân sự cụ thể còn có các Uỷ viên Trung ương tái cử", một lãnh đạo của Ban Tổ chức Trung ương cho hay.
Theo ông, quy hoạch được thực hiện bởi Ban chỉ đạo, còn công tác nhân sự do Tiểu ban nhân sự Đại hội phụ trách. Từ đây đến Đại hội XIII, Ban chỉ đạo phát hiện trường hợp nào có vấn đề sẽ đưa ra khỏi quy hoạch hoặc cũng có thể bổ sung vào quy hoạch.
Về tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp chiến lược, yêu cầu hàng đầu là nội dung như đã nêu trong quy định 90 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo đó, bên cạnh các tiêu chuẩn chung, Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn cụ thể. Đơn cử Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải đảm bảo đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành) hoặc trưởng ban các ban, bộ, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư công tác trong Quân đội thì phải kinh qua chủ trì cấp Quân khu.
Trong số các tiêu chuẩn chức danh Tổng bí thư, có yêu cầu "uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định)"...
Chủ tịch nước được quy định là người có "năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước; quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công...".
Ngoài ra, trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch còn coi trọng nhiều tiêu chuẩn khác, như: Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình; năng lực gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì sự phát triển của đất nước...
Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cũng khẳng định cơ quan chức năng có cơ chế kiểm tra, kiểm soát không để "lọt" những người có một trong các hạn chế, khuyết điểm sau vào quy hoạch cấp chiến lược, cụ thể: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền; tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước...