Laptop đã trở thành công cụ quan trọng, hỗ trợ công việc và học tập trong thời đại số. Trong đó, dòng laptop có bản lề xoay gập 360 độ cùng màn hình OLED được ưa chuộng bởi nhiều ưu thế.
Tính linh hoạt
Công nghệ lật, xoay 360 độ đã xuất hiện trên nhiều dòng laptop hiện nay. Với bản lề linh hoạt, dòng laptop hai trong một này có thể được sử dụng ở nhiều tư thế, phù hợp với các không gian làm việc khác nhau.
Chỉ trong vài giây, laptop có thể chuyển thành máy tính bảng nhỏ gọn, tiện lợi với màn hình cảm ứng. Người dùng cũng có thể lật dọc ngang tùy thích, lật ngược để xem phim, gập 180 độ để chia sẻ thông tin cho người đối diện, hay gập dạng túp lều chắc chắn trên bề mặt phẳng.
Tính di động, linh hoạt chuyển đổi của laptop bản lề gập 360 độ không chỉ thu hút người dùng sáng tạo mà còn phù hợp với những người thường xuyên phải di chuyển trong lúc làm việc. Hiện các nhà sản xuất laptop gập xoay đã cố gắng thiết kế máy mỏng nhất có thể để sử dụng ở chế độ máy tính bảng, do đó đa số các dòng laptop hai trong một này thường nhẹ, không quá cồng kềnh, tạo sự thoải mái khi mang đi. Cùng với đó, bản lề máy còn được tối ưu để khi ở vị trí máy tính bảng, hai mặt của máy sẽ gập sát nhau, giảm tối đa kích thước, tạo cảm giác dễ cầm nắm, thanh lịch và tiện lợi.
Ngoài tính linh hoạt, dòng laptop 360 còn được nhà sản xuất chăm chút chất lượng màn hình. Công nghệ cảm ứng đa điểm cho các thao tác vuốt chạm tốt hơn. Đồng thời, màn hình laptop cũng lớn hơn so với máy tính bảng, tạo không gian làm việc rộng rãi. Nếu muốn soạn thảo văn bản hoặc thực hiện nhiều tác vụ, bạn có thể lật trở lại như bình thường với bàn phím, bàn di chuột và vẫn sử dụng được tính năng cảm ứng trên màn hình để thao tác nhanh.
Theo đại diện Asus, cấu hình trên các sản phẩm laptop cảm ứng xoay 360 độ trên thị trường hiện khá cao và ổn định. Một số dòng laptop còn được đầu tư cấu hình khủng, đánh vào phân khúc cao cấp, đáp ứng nhu cầu về đồ họa, thiết kế chuyên dụng, dựng video hay chơi game... - điều mà một chiếc máy tính bảng sẽ khó làm được.
Bên cạnh đó, do được thiết kế để gập thành máy tính bảng, các sản phẩm laptop gập xoay 360 độ thường trang bị kèm bút cảm ứng, giúp cho việc ghi chú và sử dụng chế độ máy tính bảng trở nên tiện ích hơn.
Màn hình OLED sống động
Laptop được trang bị màn hình OLED đầu tiên xuất hiện lần đầu năm 2016. Đến năm 2019, dòng laptop này trở nên phổ biến và được nhiều nhà sản xuất công nghệ chú trọng.
Màn hình OLED "nhỉnh hơn" LCD về màu sắc, độ sống động, tương phản vô cực, khả năng thể hiện màu đen tuyệt đối và không bị hiện tượng hở sáng, tốc độ phản hồi 0,2 ms cùng góc nhìn rộng.
Khác với các nhóm pixel như màn hình LCD, màn hình OLED có khả năng tạo ra hình ảnh chân thật nhờ công nghệ bật và tắt các pixel riêng lẻ. Điều này giúp OLED hiệu quả hơn vì không phát sáng thêm các điểm ảnh không cần thiết. Trên thực tế, OLED có thể tiết kiệm năng lượng ở "chế độ tối" vì không cần điện để hiển thị màu đen. Theo trang công nghệ CNet, màn hình OLED không sử dụng đèn nền, các điểm ảnh trên màn hình có thể tự phát sáng độc lập. Do đó, ánh sáng được phân tán đồng đều trên toàn bộ màn hình, dễ chịu hơn cho mắt.
Đồng thời, màn hình OLED còn có lợi thế về hiệu suất, tốc độ làm tươi tốt hơn và góc nhìn rộng hơn vì không cần bảng điều khiển đèn nền riêng, do đó không gặp vấn đề về độ trễ. Lược bỏ được bảng đèn nền bổ sung nên laptop trang bị màn hình OLED có thể mỏng và nhẹ hơn - là tiêu chí nhiều người dùng đang nhắm đến khi lựa chọn laptop.
Trong năm 2019, dù đã trở nên phổ biến, laptop OLED vẫn chưa đa dạng kích thước màn hình do ít nhà cung cấp tấm nền OLED. Tuy nhiên đến 2020, hạn chế này đã được khắc phục.
Đơn cử trong đó là bộ đôi laptop Zenbook Flip (ZenBook Flip S - UX371 và ZenBook Flip 13 - UX363) với màn hình gập xoay OLED của hãng máy tính Asus, ra mắt cuối năm 2020. Trong triển lãm công nghệ Tech Awards 2020, Asus cũng đã giới thiệu hai model này đến với người yêu công nghệ.
Điểm nổi bật của dòng ZenBook Flip chính là màn hình cảm ứng OLED 13,3 inch Full HD. Màn hình cảm ứng OLED của ZenBook Flip có độ chuẩn màu được Pantone chứng nhận, dải màu chuẩn điện ảnh 100% DCI-P3, chứng nhận VESA DisplayHDR 500 True Black cho màu đen sâu và độ tương phản đáng kinh ngạc. Màn hình của máy đồng thời đạt chứng nhận TUV Rheinland, giảm thiểu ánh sáng xanh bảo vệ mắt và hỗ trợ bút cảm ứng Asus Pen mới với 4.096 lực nhấn.
Hai phiên bản của ZenBook Flip đều có thiết kế mỏng nhẹ với trọng lượng 1,2 kg, điểm dày nhất trên máy đo được là 13,9 mm. Bản lề Ergolift 360 độ giúp nâng bàn phím lên một góc nhỏ nhằm phù hợp với thao tác gõ. Nhà sản xuất cho biết bản lề có thể đóng mở lên đến 20.000 lần, tương đương mức sử dụng bình thường trong vòng 10 năm. Với khả năng xoay gập 360 độ, Zenbook Flip S và Zenbook Flip 13 đều có khả năng chuyển đổi phù hợp theo các tình huống laptop, máy tính bảng, dựng máy đứng hoặc dạng lều để chia sẻ nội dung.
Với màn hình 13,3 inch, ZenBook Flip đáp ứng nhu cầu nhỏ gọn của người dùng laptop, song vẫn cho trải nghiệm thoải mái về giao diện màn hình khi gập thành máy tính bảng. Theo đại diện Asus, OLED cũng được xem là một tiêu chí công nghệ nổi bật nằm trong chiến lược của hãng trong năm 2021.
Theo xếp hạng của The Verge, Asus là thương hiệu laptop đứng vị trí thứ 7 trong danh sách các laptop đáng mua trong năm 2021. Hãng máy tính Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đây mới chỉ là khởi đầu. Trong tương lai, các dòng laptop phổ thông của thương hiệu này cũng sẽ có phiên bản màn hình OLED thay vì LCD như truyền thống.
Hà Thanh (Ảnh: Asus)