Thứ bảy, 21/12/2024
Thứ hai, 2/6/2014, 03:06 (GMT+7)

Những thủy lộ La Mã sót lại ở châu Âu

Sự tài hoa của các kỹ sư từ thời La Mã cổ đại khi xây dựng những con đường dẫn nước đồ sộ mà không hề dùng đến vữa khiến du khách không khỏi kinh ngạc.

Thủy lộ Segovia – Tây Ban Nha

Thủy lộ Segovia là một trong những kiến trúc cổ đại nổi bật và được bảo tồn tốt nhất trên bán đảo Iberian, Tây Ban Nha. Kiến trúc này được xây dựng vào khoảng những năm 50 TCN, nhằm mang nước từ sông Fuente Fria về thành phố Segovia cách đó tới 17 km. Thủy lộ Segovia cũng là một công trình không dùng tới vữa mà chỉ là hơn 24.000 phiến đá granite cắt gọt vừa khít chồng lên nhau. Phần trên mặt đất của thủy lộ dài tới 728m và bao gồm 167 mái vòm có chiều cao 9m. 
 

Pont du Gard – Pháp

Pont du Gard có nghĩa cây cầu bắc qua con sông Gardon ở Remoulins - miền Nam nước Pháp, là một thủy lộ được xây dựng từ thế kỳ 1 TCN. Thủy lộ cao nhất La Mã này được xây dựng hoàn toàn không sử dụng vữa mà chỉ có những phiến đá lớn được cắt gọt và đặt sao cho vừa khít với nhau. Vậy mà thủy lộ này cao tới 48,8 mét và chỉ bị sụt lún 2,5 cm. Toàn bộ thủy lộ dài 50 km này cho tới nay cũng chỉ bị sụt lún có 17 mét, thể hiện sự tính toán chính xác của các kỹ sư La Mã cổ đại xưa. 

Thủy lộ Milagros – Tây Ban Nha

Thủy lộ Milagros hay thủy lộ của Phép màu là một trong 3 công trình được đế chế La Mã cổ đại xây dựng tại Merida, Tây Ban Nha ngày nay. Thủy lộ này cao 25 m, dài tới 830 m và bao gồm 38 cột mái vòm sừng sững. Công trình này được xây dựng từ thế kỳ 1 TCN và tầng 2 được tu sửa vào những năm 300 TCN. Thủy lộ này là một trong những Di sản thế giới do UNESCO bầu chọn.

Công viên Thủy lộ - Rome, Italy

Công viên của những thủy lộ là một công trình đồ sộ nằm ở Rome. Đây là một hệ thống thủy lộ dài tới 415 km. Hệ thống gồm 7 thủy lộ cổ đại: Marcio, Anio Novus, Tepula, Mariana, Claudio, Iulia và Felice này đã giúp mang nước về cho thành phố La Mã từ khoảng cách 92 km. Trong số này, thủy lộ Claudio là nổi tiếng nhất với chiều cao 28 mét và được xây dựng từ khoảng năm 32 TCN. Tuy nhiên, hầu hết những thủy lộ này đều đã bị phá hủy dần theo thời gian.

Thủy lộ Les Ferreres – Tây Ban Nha

Thủy lộ Les Ferreres còn có tên gọi là Pond del Diable và có nghĩa là Cây cầu của quỷ dữ. Thủy lộ này được xây dựng nhằm đưa nước từ sông Francoli về thành phố Taragona của Tây Ban Nha cách đó tới 15 km. Công trình này được xây dựng từ thế kỷ 1 TCN với chiều cao 27 m và dài 249 m. Công trình này bao gồm 25 mái vòm trên cao và 11 mái vòm ở bên dưới. 

Thủy lộ Moria – Lesvos Hy Lạp

Thủy lộ Moria được xây dựng từ khoảng thế kỷ 3 TCN, với chiều dài 170 km, cao 17 m và có 17 mái vòm đồ sộ. Cho tới ngày nay, 12 cột mái vòm vẫn còn được bảo tồn, nằm giữa các cột này là 7 mái vòm lớn và còn sót lại duy nhất một mái vòm ở tầng thấp nhất. Công trình này đã từng luân chuyển lưu lượng nước từ nguồn nước cách thành phố tới 26 km. 

Thủy lộ Valens, Thổ Nhĩ Kỳ

Thủy lộ vĩ đại này được xây dựng vào cuối thế kỷ 4 TCN thuộc một hệ thống kênh đào với chiều dài 250 km kéo suốt từ miền quê đồi Thrace tới thủ đô. Cá nhân thủy lộ này dài gần 1km, với chiều cao 29 m và độ dốc có tỉ lệ hoàn hảo 1:1000. Thủy lộ này đứng sừng sững tại thủ đô Istanbul cho tới ngày nay với chiều dài còn lại chỉ là 921 m.

Thủy lộ Caesarea - Israel

Caesarea là một thành phố cảng quan trọng được xây dựng bởi Vua Herod vĩ đại vào khoảng năm 23-13 TCN. Thủy lộ Caesarea được xây dựng nhằm đưa nước ngọt từ các sông hồ vào cách thành phố 10 km, sau đó được mở rộng vào thế kỷ 2 TCN nhằm tăng gấp đôi lưu lượng nước. Công trình này đã cung cấp nước trong khoảng 1200 năm. 

Thủy lộ Gier – Pháp

Thủy lộ Gier được xây dựng vào khoảng thế kỷ 1 TCN để cung cấp nước sinh hoạt cho vùng Lugdunum của miền Tây nước Pháp (Lyon) từ triền núi Pilat cách thành phố tới 42 km. Đây là một trong những công trình dài nhất và được bảo tồn tốt nhất tại Pháp. Thủy lộ này được xây dựng với chiều dài 85 km, đi qua 11 mương dẫn nước trong lòng đất và cao 15 m. Thời kỳ xưa, công trình này có tới hơn 30 mái vòm, hiện nay người ta chỉ còn bảo tồn lại được 10 trong số đó.

Diệp Thảo

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net