Oscar là giải thưởng được trao hằng năm, do các thành viên của Viện hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ bầu chọn. Sự kiện này luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân trên toàn thế giới và năm nay được truyền hình trực tiếp tới 226 quốc gia.
Mùa trao giải Oscar cũng là một ngành kinh doanh khổng lồ, với rất nhiều hoạt động, từ thu hút những người tham gia bầu chọn đến thuê thảm đỏ, làm dạ tiệc, bán quảng cáo. Theo Guardian, dưới đây là những con số ấn tượng của sự kiện này.
1. Chiến dịch quảng bá của các hãng phim (5 - 8 triệu USD)
Cuộc đua giành giải Oscar luôn là chặng đường khó khăn nhất với tất cả các bộ phim. Và sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt. Để tác phẩm của mình nổi bật trước hàng núi phim khác, hãy thuê một chuyên gia làm chiến dịch Oscar. Họ là những người hiểu rõ luật chơi, có chiến lược và các mối quan hệ để tiếp cận những người có nhiệm vụ bầu chọn trong Viện Hàn lâm Mỹ. "Có cả một nền văn hóa thu hút sự chú ý của Viện Hàn lâm ấy chứ", Bumble Ward - chuyên gia marketing kỳ cựu cho biết.
Toàn bộ chi phí quảng bá này thuộc về hãng phân phối, chứ không phải hãng sản xuất. Chiến dịch tìm đường đến Oscar nằm trong kế hoạch marketing và PR, diễn ra ngay khi bộ phim được chiếu rộng rãi. Ward cho biết chìa khóa của chiến dịch này là "sự bền vững", vì "khiến một bộ phim có vẻ luôn mới mẻ, hấp dẫn trong nhiều tháng, hoặc thậm chí cả năm là điều rất khó".
Một số chi phí ước tính của chiến dịch này là:
Thuê cố vấn PR: 10.000 - 15.000 USD
Quảng cáo: 1 triệu USD trước đề cử, 800.000 USD sau đó
Quảng cáo trên truyền hình: 1,5 triệu USD
Thuê người tham gia sự kiện: 900.000 USD - cho người nổi tiếng tham gia các sự kiện hoặc buổi chiếu phim
Chiếu phim: 160.000 USD
Phát hành DVD và nội dung trực tuyến: 300.000 USD
Chi phí cho các giải thưởng khác: 500.000 USD, cho chiến dịch giành Quả cầu Vàng chẳng hạn. Đây cũng được coi là một phần chiến dịch tới Oscar.
2. Tổ chức lễ trao giải Oscar (44 triệu USD)
Báo cáo của Viện Hàn lâm năm 2016 cho thấy họ đã chi 44 triệu USD cho các giải thưởng và hoạt động liên quan. Con số này đã bao gồm chi phí cho lễ trao giải và các sự kiện bên lề, như tiệc trưa (260.000 USD), Governors Awards (giải thành tựu trọn đời: 865.000 USD), Governors Ball (tiệc chính thức sau Oscar: 1,8 triệu USD). Riêng lễ trao giải tổ chức vào tối Chủ Nhật có chi phí khoảng 21 - 22 triệu USD.
Dưới đây là ước tính các chi phí chủ chốt:
Sản xuất chương trình: 100.000 USD mỗi người, cho Michael De Luca và Jennifer Todd.
Người dẫn chương trình: 15.000 USD
Thuê địa điểm - Dolby Theater: chưa rõ
Tượng Oscar: 900 USD một chiếc
An ninh: 250.000 USD
Thảm đỏ: 24.700 USD
Phục vụ ăn uống: chưa rõ tổng. Đầu bếp Wolfgang Puck được cho là đã chi 20.000 USD cho chocolate, 25.000 USD cho thịt nướng trong bữa tiệc sau lễ trao giải.
Năm ngoái, Viện Hàn lâm thu về 113,1 triệu USD, với lợi nhuận 69,1 triệu USD. Nguồn thu lớn nhất đến từ Disney. Công ty này trả khoảng 75 triệu USD hằng năm để phát sóng show này trên kênh truyền hình của mình - ABC. Mục tiêu của họ là bán quảng cáo. Năm ngoái, mỗi suất quảng cáo 30 giây trong lễ trao giải Oscar giúp kênh này thu về 2 triệu USD. Năm 2015, ABC kiếm được 110 triệu USD tiền quảng cáo.
Viện Hàn lâm dĩ nhiên cũng bán vé tham dự buổi lễ nữa. Giá của nó vào khoảng 150 - 750 USD cho hội trường 3.400 chỗ ngồi.
3. Hiệu ứng doanh thu sau Oscar
Những bộ phim được giải Oscar sẽ hưởng lợi rất lớn về danh tiếng. Những người tham gia cũng thường có bước ngoặt về sự nghiệp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Oscar lên doanh thu phòng vé của các phim này khá nhỏ. Theo nghiên cứu, những bộ phim giành giải Oscar chỉ thu về thêm khoảng 3 triệu USD. Trong khi đó, con số này với phim được Quả cầu Vàng lên tới 14,1 triệu USD.
American Sniper có doanh thu phòng vé tăng tới 90% sau khi được đề cử tại Oscar. Tuy nhiên, thành tích này được cho là dựa vào một chiến dịch marketing của họ hơn là Oscar. Trong số các phim giành giải Phim xuất sắc nhất, mức tăng doanh thu ấn tượng nhất thuộc về Million Dollar Baby, với 56% sau khi chiến thắng năm 2005.
Hà Thu (theo Guardian/CNBC)