Forbes Fab 40 là danh sách tập hợp những thương hiệu thể thao đắt giá nhất thế giới ở bốn lĩnh vực: doanh nghiệp, sự kiện, vận động viên và đội tuyển. Giá trị của những cái tên này đều được tính toán dựa trên hai yếu tố quy mô và lợi nhuận. Dưới đây là danh sách 10 doanh nghiệp kinh doanh thể thao có giá trị cao nhất toàn cầu.
1. Nike (Mỹ)
Giá trị thương hiệu: 15,9 tỷ USD
Trong vòng 5 năm, doanh thu của hãng sản xuất quần áo thể thao lớn nhất thế giới đã tăng từ 16 tỷ USD lên 24 tỷ USD. Cổ phiếu Nike cũng tăng 14% - 19% trong cùng thời kỳ. Hãng này cũng đang lên kế hoạch mở rộng hiện diện ra thị trường bóng đá toàn cầu.
2. ESPN (Mỹ)
Giá trị thương hiệu: 11,5 tỷ USD
Kênh truyền hình ESPN hiện thu phí 5,06 USD một thuê bao mỗi tháng. Đây là mức cao nhất đối với các nhà cung cấp dịch vụ này và gấp 5 lần so với NFL Network, kênh truyền hình đứng ở vị trí thứ hai. Lợi nhuận trước thuế của ESPN được dự đoán vượt 3,2 tỷ USD năm 2012.
3. Adidas (Đức)
Giá trị thương hiệu: 6,8 tỷ USD
Adidas là đối tác cung cấp trang phục chính thức cho London Olympic Games 2012 và UEFA Euro 2012. Doanh thu của hãng đã tăng 13% năm 2011 lên 12,9 tỷ USD và dự kiến tiếp tục tăng với tốc độ hai chữ số năm nay.
4. Sky Sports (Anh)
Giá trị thương hiệu: 4 tỷ USD
Có mặt tại hơn 10,6 triệu hộ gia đình, kênh truyền hình Sky Sports của British Sky Broadcasting có bốn kênh thể thao quốc tế cao cấp, tập trung vào bóng đá (Giải ngoại hạng Anh), đua ôtô (Giải đua công thức 1), golf (Giải vô địch PGA Mỹ và Ryder Cup) và cricket. Sky Sports News là kênh tin tức hàng ngày. Còn Sky Go, mới ra mắt năm ngoái, lại cho phép khách hàng xem TV trực tuyến từ các thiết bị như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng và smartphone.
5. Under Armour (Mỹ)
Giá trị thương hiệu: 3,5 tỷ USD
Doanh thu dự kiến năm 2012 của Armour là 1,8 tỷ USD, tăng 12% so với năm ngoái, nhờ ra mắt nhiều mẫu mã mới. Đó là giày đá bóng siêu nhẹ Highlight giá 130 USD, giày chạy siêu nhẹ Spine giá 100 USD và đồ lót thể thao Armour Bra 58 USD.
6. Reebok (Đức)
Giá trị thương hiệu: 1,2 tỷ USD
Reebok đã mất quyền tài trợ trang phục thể thao cho giải NFL (Giải vô địch bóng bầu dục Mỹ) vào tay Nike từ tháng 4/2012, sau 10 năm chiếm giữ vị trí này. Doanh thu Reebok chỉ tăng 3% năm 2011.
7. YES (Mỹ)
Giá trị thương hiệu: 600 triệu USD
YES là kênh thể thao địa phương được xem nhiều nhất ở Mỹ. Kênh này hiện thuộc sở hữu của đội bóng bầu dục Mỹ New York Yankees, Goldman Sachs và trước đây là cả câu lạc bộ bóng rổ Brooklyn Nets.
8. IMG (Mỹ)
Giá trị thương hiệu: 520 triệu USD
Năm 2012, các ngành kinh doanh liên quan đến thể thao của IMG được dự báo tạo ra khoảng 170 triệu USD lợi nhuận trước thuế. IMG College, nhãn hàng tiên phong trong việc marketing, nhượng quyền và truyền thông cho sinh viên, đang tăng trưởng mạnh và dự kiến chiếm khoảng một nửa lợi nhuận của công ty.
9. NESN
Giá trị thương hiệu: 500 triệu USD
Kênh thể thao địa phương này có phí thuê bao tháng là 3,56 USD một người, cao thứ ba trong tất cả các công ty cung cấp dịch vụ này, theo hãng nghiên cứu SNL Kagan. Có tỷ suất xem đài trung bình 7,4% trong cả mùa giải năm 2012, đây là kênh bóng chày chất lượng tốt thứ 4 trong các kênh thể thao địa phương trên thế giới.
10. MLBAM (Mỹ)
Giá trị thương hiệu: 420 triệu USD
Doanh thu của MLBAM (Major League Baseball Advanced Media) được dự báo đạt khoảng 620 triệu USD năm 2012. Hãng này cũng sử dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng hiện đại tương đương ESPN và CBS Sports trong việc truyền tải video trực tuyến.
Thùy Linh (theo Forbes)