Phản ứng dị ứng gây ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân từ môi trường sống. Mọi thứ không thuộc cơ thể con người đều có thể gây dị ứng. Bên cạnh những tác nhân gây dị ứng thường gặp như thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, lông chó lông mèo…, các biểu hiện này còn có thể đến từ những nguyên nhân khó ngờ như nước, ánh nắng, tinh dịch…
Dị ứng với quai dép
Người bị dị ứng do quai dép thường xuất hiện các đám ban đỏ ngứa và mụn nước nhỏ tại vùng da tiếp xúc với quai dép sau khi thay dép mới một vài ngày, thể dị ứng này thuộc loại viêm da dị ứng tiếp xúc. Nguyên nhân thường là các loại hóa chất có trong nhựa hoặc da dùng để chế tạo quai dép.
Không khó để phát hiện các trường hợp dị ứng với quai dép, do vùng tổn thương thường có ranh giới khá rõ và chỉ khu trú tại nơi tiếp xúc với quai dép. Giải pháp cho các trường hợp này là thay một loại dép mới có quai dép làm bằng một chất liệu khác hoặc mang tất mỗi khi đi dép. Sau khi thay dép, các biểu hiện ban đỏ và ngứa thường giảm dần và biến mất sau vài ngày.
Dị ứng với nước
Nước cần cho tất cả mọi người, nhưng có một số người lại thường bị ngứa nhiều, nổi ban đỏ, mày đay (sẩn phù) mỗi khi tiếp xúc với nước. Mày đay do dị ứng với nước rất hiếm gặp, cơ chế gây bệnh còn chưa được hiểu rõ. Sau khi ngưng tiếp xúc với nước, các biểu hiện ngứa và sẩn phù thường biến mất trong vòng 15-30 phút, nếu triệu chứng kéo dài có thể dùng các thuốc kháng histamine như diphenhydramine để giảm nhanh triệu chứng.
Dị ứng với tinh dịch
Là dạng dị ứng không quá hiếm gặp ở phụ nữ nhưng lại ít được ghi nhận. Theo thống kê ở Mỹ có khoảng 40.000 phụ nữ gặp phải dạng dị ứng này. Biểu hiện hay gặp là ngứa và sưng nề bộ phận sinh dục sau mỗi lần quan hệ. Thử test trên da với các protein trong tinh dịch là phương pháp chẩn đoán quan trọng nhất. Phương pháp điều trị tối ưu là sử dụng bao cao su hoặc điều trị giảm mẫn cảm với tinh dịch cho những phụ nữ có ý định mang thai.
Dị ứng do gắng sức
Dạng dị ứng này bắt đầu được ghi nhận trong y văn từ những năm 1970. Những trường hợp nhẹ thường có biểu hiện nổi ban đỏ, mày đay, những trường hợp nặng hơn có thể có sốc phản vệ với các triệu chứng như khó thở, thở rít, tụt huyết áp…
Có 2 dạng dị ứng do vận động, dạng thứ nhất xảy ra khi vận động trong vòng 2 giờ sau bữa ăn, dạng còn lại không liên quan đến thức ăn. Với cả 2 dạng dị ứng này, ngay khi có biểu hiện dị ứng cần ngừng vận động và dùng các thuốc chống dị ứng. Có thể dự phòng thể dị ứng do vận động liên quan đến thức ăn bằng cách hạn chế ăn trước khi vận động.
Dị ứng do ánh nắng
Dị ứng do ánh nắng có 2 dạng chính là nổi mày đay hoặc viêm da sau tiếp xúc với ánh nắng. Dạng thứ nhất tương đối hiếm gặp, biểu hiện với các đám ban sẩn, ngứa hoặc cảm giác kiến bò, xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Mày đay do ánh nắng thường giảm dần và biến mất trong vòng vài phút sau khi ngừng tiếp xúc với ánh nắng. Một số ít trường hợp triệu chứng kéo dài cần được điều trị bằng các thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamine, tuy nhiên, các thuốc này không có tác dụng dự phòng triệu chứng. Ngoài mày đay, ánh nắng còn có thể gây viêm da với các biểu hiện nổi ban đỏ, nóng rát hoặc cảm giác kim châm. Thành phần tia cực tím trong ánh nắng được cho là nguyên nhân trực tiếp gây ra các biểu hiện dị ứng.
Dị ứng với niken
Niken là một kim loại được dùng phổ biến để chế tạo nhiều vật dụng như tiền xu, đồ trang sức, bật lửa, gọng kính… Một số người có thể bị các biểu hiện viêm da dị ứng như nổi mụn nước, ban đỏ ngứa, bong tróc da tại nơi tiếp xúc với những vật dụng có chứa kim loại này.
Thông thường, các triệu chứng dị ứng xuất hiện khá muộn, 2-3 ngày sau tiếp xúc với niken. Cũng như với các trường hợp viêm da dị ứng tiếp xúc khác, biện pháp điều trị tốt nhất cho viêm da do niken là ngừng ngay việc tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa và corticoid bôi tại chỗ, nơi có ban đỏ.
Dị ứng do cọ xát
Cọ xát có thể gây ra một dạng dị ứng khá thường gặp gọi là chứng vẽ nổi da, ghi nhận được ở khoảng 3 - 4% dân số thế giới. Những người bị chứng dị ứng này có thể dùng móng tay cào nhẹ trên da và tạo ra các nốt sẩn ngứa theo đúng đường cào của mình. Không chỉ do gãi, các nốt mày đay còn có thể xuất hiện do mặc quần áo chật hoặc kỳ cọ bằng khăn tắm. Ban đỏ thường tự biến mất trong vòng 30 phút.
Dị ứng do lạnh
Nổi mày đay đơn thuần chỉ do lạnh là dạng dị ứng khá hiếm gặp, nhưng có thể rất nặng. Người bị thể dị ứng này thường có nổi mày đay, phù mắt môi, khó thở khi đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh như khi gặp gió lạnh hoặc vào bể nước lạnh. Người bệnh có thể dự phòng bằng cách tránh để một diện rộng của cơ thể tiếp xúc với lạnh và không bao giờ đi bơi một mình.
Dị ứng do bia rượu
Không chỉ làm nặng hoặc kích phát các bệnh dị ứng có từ trước, bản thân bia rượu cũng có thể gây ra các triệu chứng như nổi ban đỏ, ngứa, đau quặn bụng, khó thở… Nguyên nhân gây dị ứng có thể đến từ các loại men, các protein trong ngũ cốc hoặc cây hoa bia dùng để nấu bia rượu, các chất bảo quản chứa gốc sulfite, phenol, các chất tạo hương vị.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường
Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai