Thứ sáu, 29/11/2024
Thứ sáu, 25/2/2022, 11:16 (GMT+7)

Những thói quen xấu nhưng có lợi cho sức khỏe

Không phải tất cả thói quen không phù hợp đều thực sự tồi tệ. Khi biết lợi ích dưới đây của chúng, có lẽ bạn sẽ bớt khắt khe với chính mình.

Đi tiểu khi tắm

Gần 75% trong số 1.000 người tham gia nghiên cứu, năm 2009, đi tiểu khi tắm ít nhất một lần trong đời.

Một lợi ích lớn khi làm chuyện có vẻ xấu hổ này là axit uric và amoniac trong nước tiểu có thể giúp ngăn ngừa nấm ngón chân.

Khạc nhổ

Khạc nhổ trông có vẻ kém văn minh, đặc biệt ở nơi công cộng. Tuy nhiên, khi đang tập thể dục, khạc nhổ giúp bạn thở dễ hơn.

Bình thường, chúng ta thở bằng mũi, giúp làm ấm và ẩm không khí, cho phép cơ thể hấp thụ oxy hiệu quả hơn. Nhưng khi tập thể dục, chúng ta thưởng thở bằng miệng, khiến cơ thể tiết nhiều nước bọt, gây khó khăn khi thở.

Vì vậy, loại bỏ chất nhờn tiết ra sau chạy bộ bằng cách khạc ra là bình thường. Điều quan trọng là chúng ta nên khạc nhổ đúng nơi quy định, tránh mất vệ sinh và khiến người xung quanh khó chịu.

Nhai kẹo cao su

Kẹo cao su không có bất kỳ lợi ích dinh dưỡng nào. Tuy nhiên, một nhóm các nhà tâm lý học tại ĐH St. Lawrence, Canada đã phát hiện nhai kẹo cao su giúp bạn tập trung, tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng và cân bằng nội tiết tố, bằng cách tăng cortisol (hormone chống stress).

Các nhà khoa học tại ĐH Coventry, Anh cũng phát hiện ra nhai kẹo cao su bạc hà làm giảm đáng kể cảm giác buồn ngủ và mệt mỏi.

Xì hơi

Xì hơi (trung tiện) giúp cơ thể giải phóng khí khoảng 14 lần trong ngày và khoảng 3-5 lần trong khi ngủ. Theo quy luật, đường tiêu hóa của con người sản xuất CO2 và CH4 (methane) khoảng 6 giờ sau khi ăn. Trung tiện giúp cơ thể loại bỏ những khí độc hại này. Nếu gắng kìm hãm, bạn dễ bị đau bụng hoặc đầy hơi.

Ợ hơi

Sau khi ăn xong, ợ hơi thực sự tốt cho dạ dày vì giúp giải tỏa không khí bên trong hệ tiêu hóa. Nhưng nếu ợ quá nhiều trong ngày, bạn nên đi khám, vì đó có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược axit dạ dày.

Cắn móng tay

Lúc cắn móng tay, bạn đã tiêu thụ một số vi khuẩn, khiến hệ miễn dịch sản xuất tế bào bạch cầu, chống vi khuẩn. Cơ thể cũng điền tên vi khuẩn trong ngân hàng ký ức của nó. Vì vậy, nếu gặp loại vi khuẩn này lần hai, các tế bào bạch huyết có khả năng đánh bại.

Một nghiên cứu với 1.000 trẻ em, do các chuyên gia thuộc ĐH Otagao, New Zealand tiến hành, cho thấy, những đứa trẻ hay đưa ngón tay vào miệng ít bị dị ứng với những thứ vụn vặt như mạt bụi, cỏ, vật nuôi và nấm trong không khí khi trưởng thành.

Nhật Minh (theo Brightside)