16 năm sau cái chết của bà Lê Thị Bông (ngụ xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), hung thủ Huỳnh Văn Nén đã thụ án chung thân, thì vụ án được đề nghị đưa trở lại điểm khởi phát. Kháng nghị của VKSND Tối cao đánh giá vụ án có hàng loạt thiếu sót và vi phạm tố tụng mà cấp sơ thẩm đã phạm phải.
Theo Viện, đây là vụ án không phạm tội quả tang nhưng quá trình điều tra cơ quan chức năng không thu được chiếc nhẫn vàng của bà Bông, một trong những vật chứng quan trọng, cùng với ổ khóa mà nghi phạm khai đã lấy trong nhà nạn nhân và làm rớt trên đường chạy trốn.
Sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra, theo VKSND Tối cao, không liên quan đến sợi dây hung thủ dùng để siết cổ bà Bông. Theo lời khai của Nén, gây án xong ông này cầm sợi dây bỏ trên đường mòn. Trong khi đó, lúc thu hồi tang vật, sợi dây siết cổ bà Bông lại nằm trên bãi cỏ, cách xa đường mòn hơn 100 m.
Kết quả khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra thu được hai dấu chân. Cụ thể: Phía hiên nhà chính hướng Tây Nam phát hiện một dấu bàn chân không dép in hằn dưới cát. Dấu chân này do bàn chân phải để lại có kích thước 23 x 9 cm, gót rộng 4,5 cm. Phía trong nhà phát hiện trên mặt ghế salon bọc da có 3 dấu chân không dép in đất lên mặt ghế kích thước 22 x 8,5 cm, gót rộng 4 cm.
Khoảng 2 năm sau thời điểm xảy ra vụ án, cơ quan điều tra mang chiếc ghế này vào trại giam cho ông Nén đứng lên để so sánh. Kết quả dấu chân của Nén thu được là 22,5 x 8,5cm, gót rộng 4 cm. Tuy nhiên, lý giải về sự không trùng khớp này, cơ quan điều tra cho rằng "có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch".
Về vấn đề này, VKSND Tối cao nhận định, cấp sơ thẩm căn cứ vào các dấu chân để lại hiện trường, kết quả so sánh kích thước dấu chân nhưng không xác định được sự đồng nhất giữa vết bàn chân để lại hiện trường và dấu vết bàn chân của Nén như: so sánh khoảng cách và chiều dài các ngón chân, so sánh về khoảng cách các mu bàn chân, các vân trong lòng bàn chân... Đồng thời, căn cứ vào cách giải thích nói trên để xác định đó là dấu chân của Huỳnh Văn Nén là không có cơ sở khoa học.
Tiếp đó, Viện cũng chỉ ra rằng, lời khai nhận tội ban đầu của Nén không phù hợp với hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai nhận tội sau thì mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của chị Phạm Thị Hồng (con bà Bông) và một số nhân chứng.
Về cách thức thực hiện hành vi phạm tội, ban đầu, Nén khai dùng tay bóp cổ nhưng về sau lại khai vòng dây từ phía sau siết cổ. Có khi lại cho rằng vòng dây qua cổ bà Bông rồi giật mạnh làm bà ngã ngửa, sau đó mới dùng dây siết.
Về vị trí giết bà Bông, các lời khai cũng không đồng nhất. Ban đầu, Nén khai giết nạn nhân ở nhà trên nhưng nhiều lời khai sau đó lại xác định giết ở nhà dưới. Bị cáo khai sau khi gây án không lục tìm tài sản, không tắt đèn nhà bà Bông nhưng chị Hồng khẳng định thời điểm về nhà thấy đèn tắt, đồ đạc trong nhà bị xáo trộn, nệm giường bị kéo xệch, cửa tủ giường ngủ bị mở.
Thêm vào đó, khoảng thời gian sau khi nạn nhân bị giết, Nén đi đâu, làm gì còn chưa được làm rõ. Cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ cơ chế hình thành vết bầm xuất huyết hình chữ V trên ngực trái của nạn nhân trong khi Nén chỉ khai dùng dây siết cổ nạn nhân.
"Từ những tình tiết nêu trên thấy rằng tòa cấp sơ thẩm kết án Huỳnh Văn Nén về tội Giết người, Cướp tài sản là chưa đủ căn cứ vững chắc", VKSND Tối cao nhận định.
Ngoài ra, theo Viện, việc xét xử Nén còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi VKSND đã thay thế cáo trạng ngày 27/7/2000 bằng cáo trạng ngày 16/8/2000. Nhưng bản án sơ thẩm ngày của TAND tỉnh Bình Thuận lại căn cứ vào bản cáo trạng cũ để xét xử và cáo trạng này không có trong hồ sơ.
Về tình tiết mới phát sinh - lá đơn tố giác tội phạm của anh Nguyễn Phúc Thành cho rằng Nguyễn và Hồ mới là hung thủ thật của vụ án, VKS tối cao cho rằng, cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ.
Trao đổi với VnExpress, ông Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận - người trực tiếp chỉ đạo chuyên án trên - thừa nhận quá trình điều tra còn thiếu sót, sơ sài, chủ quan và chưa làm rõ được các vấn đề.
Về đơn tố giác của anh Thành, ông Đáp cho hay, thời điểm đó, các trinh sát của ông báo cáo rằng Nguyễn đã đi khỏi nơi cư trú trước khi vụ án xảy ra khoảng một tháng. Từ đó, cơ quan điều tra cho rằng đơn của anh Thành không có cơ sở xem xét. Do vậy, đơn vị này cũng không tiếp tục xác minh các nội dung khác trong đơn tố cáo của anh Thành, chẳng hạn, tình tiết Nguyễn mang chiếc nhẫn đến bán tiệm vàng tại Đồng Nai... Trong khi đó, công an xã Tân Minh lại có báo cáo nêu, thời điểm xảy ra vụ án, Nguyễn và Hồ có mặt tại địa phương và sau đó mới bỏ trốn. Lý giải điều này, ông Đáp nói: "lúc đó, tôi tin các trinh sát của mình".
Theo ông Đáp, bản thân ông cũng chưa nhìn thấy sợi dây tang vật thu thập được như thế nào. Về sự sai lệch dấu chân, ông cho rằng do ghế salông làm bằng mút, khi bàn chân dẫm lên thì nó sẽ lún rồi nở ra nên rất khó xác định. Tuy nhiên, ông khẳng định nếu căn cứ vào chi tiết này để xác minh tội phạm thì không thuyết phục.
Trong khi đó, ông Vũ Hồ Thành, đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử Huỳnh Văn Nén 14 năm trước, tại thời điểm xét xử, tất cả các chứng cứ đều ổn. Tại tòa ông Nén nhận tội hết, không kêu oan. Ông Thành khẳng định, khi đưa ra xét xử không nhận được thông tin nào về việc có đơn tố giác tội phạm của anh Thành.
Là một trong ba hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa xét xử bị cáo Nén, ông Phan Tấn Khế cũng cho biết, diễn biến phiên tòa hôm đó diễn ra bình thường. Ông Nén hoàn toàn khỏe mạnh và không có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy bị oan.
"Trước khi xét xử tòa cũng hỏi bị cáo nội dung cáo trạng có đúng với diễn biến vụ việc không thì bị cáo nói 'có'. Quá trình khai cũng trơn tru không thấy dấu hiệu gì bất thường hay kêu oan", ông Khế nói.
Năm 2000, Huỳnh Văn Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án chung thân vì được cho là giết bà Bông để cướp chiếc nhẫn vàng. Cũng trong thời gian này, tại trại giam Sông Cái (Ninh Thuận), phạm nhân Nguyễn Phúc Thành làm đơn tố giác hai người bạn của mình mới là hung thủ vì chính họ đã kể cho anh nghe về quá trình giết bà Bông. Mới đây, VKSND Tối cao đã kháng nghị bản án của TAND tỉnh Bình Thuận theo hướng hủy tội danh và hình phạt về tội Giết người, Cướp tài sản đối với Huỳnh Văn Nén để điều tra, xét xử lại. Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối caoNguyễn Hòa Bình cho biết việc kháng nghị vụ án là để xem xét lại những chi tiết chưa được làm rõ chứ không có nghĩa là khẳng định ông Nén không phạm tội. |
Hải Duyên - Phước Tuấn