Về nhà, Ngọc sợ hãi nói với bố mẹ việc mình mang thai. Thông tin khiến cả gia đình bị sốc, bố mẹ đổ lỗi cho nhau và liên tục mắng con gái. Trước đó, Ngọc đã báo tin cho bạn trai, bị đe dọa nên em càng hoảng loạn, quyết định tự đi phá thai. Do thai lớn, bác sĩ yêu cầu có bố mẹ bảo lãnh, lúc này Ngọc mới báo cho gia đình. Quá tuyệt vọng, em có ý định tự sát, may mắn được mẹ ngăn cản kịp thời.
Ngày 26/1, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khám ghi nhận nhận thai 19 tuần khỏe mạnh. Bệnh nhân có tâm lý hoảng loạn, không biết vì sao có thai. Trường hợp này, bác sĩ đề nghị gia đình quan tâm chăm sóc để em ổn định tinh thần và khám thai định kỳ.
Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ vị thành niên "bất đắc dĩ" có thai nhưng giấu gia đình, tự tìm cách giải quyết dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Bác sĩ Thành kể trường hợp khác 16 tuổi, mang thai 16 tuần, bị thủng tử cung, máu tràn ổ bụng sau khi nạo phá thai ở một phòng khám tư nhân. Thiếu nữ được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nếu không được xử trí kịp thời có thể phải cắt tử cung và không còn cơ hội mang thai sau này.
Trước đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận trường hợp sản phụ 13 tuổi chuyển dạ. Chia sẻ với bác sĩ, gia đình cho biết phát hiện con mang thai khi thai lớn, không thể bỏ. Bé không thăm khám thai định kỳ, không xác định được thai nhi bao nhiêu tuần. May mắn, sản phụ chuyển dạ thuận lợi, sinh thường bé gái nặng 2,7 kg. Sau sinh, bác sĩ khuyên gia đình cần theo dõi chặt chẽ tâm lý, ổn định tinh thần cho người mẹ, tránh nguy cơ trầm cảm, hoảng loạn do sinh con ở tuổi còn quá nhỏ.
Tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với thập niên trước, nhiều em chỉ mới 12 tuổi, phá khi thai đã to, theo thông tin từ Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023, hồi tháng 8 năm ngoái. Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội đã nghiên cứu, phát hiện trong hơn 4.700 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong năm 2022, có 51 trường hợp là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1%. 27 em trong số này bỏ thai dưới ba tháng tuổi (53%), còn lại phá thai to trên 12 tuần.
Độ tuổi trung bình của các em trong nghiên cứu là 15,7; nhỏ nhất là 12 tuổi, lớn nhất là gần 18. Chỉ ba trẻ vị thành niên (6%) sử dụng biện pháp tránh thai, cho thấy các em thiếu kiến thức tránh thai nghiêm trọng, trích dẫn từ nghiên cứu.
Theo báo cáo công bố cuối năm 2022 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chiếm 2,5-3% tổng số phụ nữ mang thai. Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập. Thực tế có thể cao hơn rất nhiều do hơn 40% ca phá thai ở Việt Nam được thực hiện ở cơ sở tư nhân.
Các bác sĩ cho biết tỷ lệ phá thai to trên 12 tuần vẫn ở mức cao, phản ánh việc trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, phát hiện có thai muộn hoặc do tâm lý lo sợ nên phân vân, chần chừ với quyết định nên bỏ hay giữ. Phá ở tuổi thai muộn làm tăng nguy cơ thất bại và các tai biến của thủ thuật, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, thậm chí tính mạng.
Cụ thể, mẹ có nguy cơ tử vong cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Các em dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sảy thai... Trường hợp may mắn "mẹ tròn con vuông", em bé có nguy cơ nhẹ cân, dị tật cao hơn. Làm mẹ ở tuổi vị thành niên khiến trẻ bị gián đoạn học tập, ảnh hưởng tương lai.
Nạo phá thai tuổi này dễ dẫn đến vô sinh, hiếm muộn về sau do sẹo ở tử cung hoặc tử cung bị biến dạng, thậm chí tàn phá hệ thống sinh sản như vòi trứng, cổ tử cung gây tắc vòi trứng, viêm dính..., tình huống xấu nhất là tử vong.
Ngoài ra, bỏ thai ở tuổi này còn gây bất ổn tâm lý. "Trẻ dễ rơi vào trầm cảm, bởi không thể chia sẻ được với ai. Thanh thiếu niên mang thai cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao hơn ở tuổi trưởng thành bất kể kết quả (do phá thai hoặc sinh con) của thai kỳ", bác sĩ Hà Duy Tiến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nói.
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyên không nên quan hệ tình dục trước tuổi 20 đối với nam và trước 18 tuổi đối với nữ. Đây cũng là độ tuổi được pháp luật cho phép kết hôn. Lúc này, cơ thể đã hoàn chỉnh và trẻ đã có chuẩn bị về thể chất, tâm lý, kiến thức sinh sản để bảo vệ bản thân và đối tác.
Trẻ cần gần gũi, quan tâm giáo dục giới tính để bảo vệ mình. Gia đình nên chuẩn bị sẵn tình huống con có bạn trai, con có quan hệ tình dục, thậm chí là con mang thai ở tuổi học trò để có cách ứng xử phù hợp.
*Tên nhân vật được thay đổi
Thùy An