Thứ năm, 16/5/2024
Thứ sáu, 19/8/2022, 15:16 (GMT+7)

Những thiết bị chữa cháy hiện đại trưng bày ở TP HCM

Máy bay không người lái, dàn phóng đạn cứu hỏa, mô hình tập luyện có thể tạo lửa... trưng bày ở triển lãm phương tiện phòng chữa cháy tại quận 7.

Triển lãm quốc tế về kỹ thuật, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an toàn, bảo vệ, tòa nhà thông minh diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7), từ 18 đến 20/8. Triển lãm thu hút 250 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khuôn viên triển lãm trưng bày một số phương tiện cứu hỏa, xe thang, mô hình huấn luyện đa năng của cảnh sát cứu hỏa...

Nổi bật là mô hình huấn luyện đa năng do Mỹ sản xuất, phục vụ việc tập luyện của lính cứu hỏa. Mô hình cao 8 m, làm bằng sắt thép, được thiết kế như một ngôi nhà di động, có bánh xe để dễ dàng di chuyển.

Trong mô hình bài trí nội thất như căn nhà với đủ phòng khách, bếp, cửa ra vào, bàn ghế, cầu thang... đều làm bằng sắt.

"Bên trong có hệ thống khí gas sẽ kích hoạt ra lửa để lính cứu hỏa tập các bài tập ứng phó với trường hợp nhà, căn hộ, văn phòng... bị cháy. Vì thế mô hình với thiết kế như vậy sẽ rất thiết thực trong tập luyện cứu hộ, cứu nạn", anh Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ TP HCM) cho biết.

Cạnh đó là xe cứu hỏa cỡ lớn, bồn chứa khoảng 25 m3 nước (gấp 3-4 lần xe chữa cháy bình thường), vòi phun đưa nước lên độ cao khoảng 80 m.

Một tàu trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hỏa, cứu đắm, cứu sinh; có thể chở tối đa 12 người. Tàu hoạt động trên cửa sông, vịnh, ở vùng nước có chiều cao sóng lớn nhất 2 m.

Một gian hàng khác trưng bày môtô tuần tra và chữa cháy. Đây là đề tài nghiên cứu ứng dụng và triển khai của Đại học Phòng cháy chữa cháy.

"Phía sau xe lắp hệ thống tích hợp được cả máy bơm nước, máy phát điện, vòi chữa cháy, bình cứu hỏa, hai tủ đựng nhiều đồ cứu hộ... Xe này thích hợp cho những đám cháy nhỏ trong hẻm, sập nhà, sạt lở...", nhân viên gian hàng Lê Minh Khang giới thiệu cho khách tham quan.

Máy bay không người lái để mang đạn chữa cháy (màu đỏ góc trái) đến hiện trường, giá thành khoảng 700 triệu đồng. Phía trước trang bị camera và cảm biến đo khoảng cách để phóng đạn đến đúng mục tiêu.

Thiết bị tải được vật nặng tối đa 20 kg, thường dùng dập lửa ở nhà cao tầng, rừng, vách núi cao khó tiếp cận. Sản phẩm do nhà máy Z113 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sản xuất.

Một thiết bị khác của nhà máy Z113 sản xuất là dàn phóng chữa cháy để lắp trên xe tải, bán tải, với 20 ống phóng đạn cùng camera và cảm biến đo khoảng cách. Người điểu khiển dàn phóng cách đám cháy tối đa 200 m, hệ thống sẽ tự điều chỉnh dàn phóng đến mục tiêu cần dập tắt.

Thiết bị có tính cơ động cao, thích hợp để dập tắt các đám cháy rừng, cây xăng, nhà kho ở vị trí khó tiếp cận, cách xa nguồn nước. Giá bán trên thị trường khoảng 1,5 tỷ đồng.

Các khối chữa cháy sử dụng để dập tắt đám cháy vừa và nhỏ của nhà máy Z113. Khi nhiệt độ khu vực lắp đặt khối chữa cháy vượt quá 60 độ C, khối này sẽ tự nổ, tung ra bột chữa cháy, có tác dụng kìm hãm và cách ly lửa với không khí, hạn chế lan sang khu vực khác.

Bộ thiết bị thở dùng giải cứu công nhân hầm lò, cung cấp dưỡng khí đến 4 tiếng, do Đức sản xuất. Cạnh đó là chiếc phòng hộ cấp cao nhất, bên trong có bình thở, giúp bảo vệ người mặc trước sự cố thiên tai, hỏa hoạn, rò rỉ hóa chất...

Nhũng cụm bơm chữa cháy của nhiều đơn vị trong và ngoài nước với công suất lớn được lặp đặt trong các tòa nhà, đảm bảo cung cấp lượng nước cần thiết, đủ để dập tắt đám cháy trong khu vực có diện tích nhỏ.

Không gian triển lãm với 320 gian hàng, ngoài trưng bày các phương tiện, thiết bị chữa cháy còn giới thiệu đồ cứu hộ, phòng chống thiên tai, bảo hộ lao động, các sản phẩm kiểm soát an ninh...

Quỳnh Trần