Theo Live Science, những thí nghiệm được thực hiện trên cơ thể người được đánh giá là đáng sợ, phi đạo đức, điên rồ, gây ra những hậu quả nặng nề cho nạn nhân và cả nhân loại.
Chất độc da cam
Từ năm 1965 đến 1966, bác sĩ da liễu Albert Kligman, Mỹ đã thử nghiệm chất da cam, một loại chất dùng để diệt cỏ, lên những tù nhân ở nhà tù Holmesburg. Ông đã thử nghiệm một lượng thuốc lớn hơn 468 lần mức con người có thể chịu được. Những nạn nhân sau đó phải chịu đựng nhiều cơn đau kéo dài, lở loét khắp cơ thể, kể cả vùng kín.
Không chỉ dừng lại ở những nạn nhân ban đầu, gia đình có bố hoặc mẹ bị nhiễm chất độc da cam sinh ra những đứa con với nhiều dị tật bẩm sinh.
Nghiên cứu "quái vật" của Wendell Johnson
Đây là một thử nghiệm liên quan đến trẻ em trong một trại trẻ mồ côi Iowa, Mỹ. Năm 1939, giảng viên Wendell Johnson cùng học viên của mình, Mary Tudor, tiến hành thử nghiệm với 22 trẻ em mồ côi.
Phương pháp được thực hiện dưới dạng các cuộc phỏng vấn trực tiếp với mục đích tìm kiếm mối liên kết giữa sang chấn tâm lý và sự hình thành những khuyết tật ở não, dẫn đến khiếm khuyết trong cách nói.
Ở nhóm thứ nhất, Wendell cho tập nói và khuyến khích các bé. Nhóm thứ hai, ông chuyển sang thái độ chỉ trích, chửi rủa và khinh miệt với các bé nói lắp bắp. Những đứa trẻ này lớn lên trong nỗi sợ hãi, hình thành những khiếm khuyết về giọng nói và phát âm. Từ những đứa trẻ được phát triển bình thường, thí nghiệm gây khuyết tật cho chúng suốt phần đời còn lại.
Kết quả thử nghiệm thất bại này bị che giấu cho đến năm 2001, một phóng viên của San Jose Mercury-News đã điều tra vụ việc và phơi bày sự thật với công chúng.
Đơn vị tử thần 731 của Shiro Ishii
Từ năm 1930 và 1940, quân đội Nhật Bản tiến hành chiến tranh sinh học và thử nghiệm y tế đối với người dân, chủ yếu ở Trung Quốc. Số người chết của các thí nghiệm này vẫn chưa được thống kê chính xác. Theo báo cáo của New York Times, 200.000 người có thể đã chết.
Các tù nhân bị nhiễm virus các bệnh nguy hiểm như dịch hạch, tả, than và các bệnh lây qua đường tình dục. Họ diễu hành trong thời tiết băng giá và sau đó thử nghiệm để xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh tê cóng. Các cựu thành viên của đơn vị cho biết tù nhân được tiêm khí độc, đặt trong buồng áp lực cho đến khi mắt họ bật ra. Nhiều cuộc giải phẫu cấy ghép, cắt cụt bộ phận cơ thể được thực hiện thường xuyên mà không gây mê.
Khi kết thúc chiến tranh, Shiro Ishii và các nhân viên không phải chịu trách nhiệm vì những tội ác khủng khiếp mà họ đã gây ra. Họ đã cung cấp kết quả nghiên cứu sinh học cho chính phủ Mỹ và được thoát tội.
Thí nghiệm y học của Đức Quốc xã
Thế chiến 2, Đức Quốc xã thực hiện thí nghiệm đóng băng trên cơ thể người nhằm mô phỏng các điều kiện mà quân đội Đức phải đối diện. Họ thả những binh sĩ Nga hoặc người Do Thái khỏe mạnh vào một thùng nước lạnh. Đa số nạn nhân mất ý thức và tử vong khi nhiệt độ cơ thể ở 25 độ C hoặc thấp hơn. Đối với người còn sống, các bác sĩ tiếp tục dội nước sôi vào bàng quang, ruột và dạ dày.
Để nghiên cứu về quá trình tái sinh của cơ thể, các bác sĩ chọn những người khỏe mạnh rồi gỡ bỏ xương vai, cánh tay, hông của nạn nhân và ghép vào một cơ thể khác. Một số bác sĩ chịu trách nhiệm cho những tội ác tàn bạo này sau đó đã bị xét xử như tội phạm chiến tranh.
Thử nghiệm giang mai ở Tuskeegee, Mỹ
Vụ thử nghiệm được thực hiện từ năm 1932 đến 1972 bởi Dịch vụ Y Tế cộng đồng Mỹ. Mục đích để theo dõi những hậu quả mà bệnh giang mai để lại nếu không được chữa trị. Nạn nhân là 622 thanh niên đến từ Tuskeegee, 431 người trong số họ đã mắc bệnh giang mai từ trước.
Những người này bị lừa rằng việc thử nghiệm kéo dài 6 tháng, trong khi thật ra lâu đến 40 năm. Họ được chăm sóc miễn phí, bảo hiểm mạng sống và nhiều lợi ích khác khi tham gia. Sau khi số người bị giang mai tăng lên, những dịch vụ y tế cung cấp cho họ dừng lại.
Năm 1972, thông tin thử nghiệm bị lộ, Mỹ dừng lại nhưng lúc đó đã quá muộn. 1/3 số đàn ông tham gia đã chết vì giang mai, 40 người vợ của họ cũng mắc bệnh giang mai và 19 đứa trẻ sinh ra bị giang mai bẩm sinh.