Chia sẻ tại tọa đàm "Quản lý rủi ro trong du lịch, chiến lược phục hồi giai đoạn mới", đại diện Đại học Hoa Sen cho biết những mục tiêu đào tạo trên nhằm nâng cao chất lượng nhân sự cho ngành du lịch trước tình hình hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, nguồn nhân lực ngành du lịch giảm mạnh do Covi-19. Đây cũng là mục đích trường cùng Sở Du lịch TP HCM phối hợp tổ chức tọa đàm này.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của bốn diễn giả, gồm: ông Lê Trương Hiền Hoà - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel Holdings, PGS. TS Võ Thị Ngọc Thuý - Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen (HSU) và TS. Phan Thanh Long - Giám đốc Khách sạn Rex Saigon.
Thấu hiểu tâm lý khách hàng
Khách hàng là "lõi" của dịch vụ du lịch. Nếu biết nắm bắt tâm lý khách hàng, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp để phục hồi nền du lịch và doanh thu. Đặc biệt, khi Covid-19 bùng phát, tâm lý du lịch của người dân cũng thay đổi. Thay vì quan tâm đến giá cả, ưu tiên, tính hấp dẫn, họ ưu tiên yếu tố an toàn hàng đầu.
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen cho biết, nếu không hiểu rõ hành vi của du khách, người làm du lịch sẽ không thể tạo ra một sản phẩm phù hợp và hiệu quả ở thời điểm hiện tại. Sai lầm của doanh nghiệp là giảm giá quá thấp vì nghĩ khách hàng chỉ quan tâm về giá, dẫn đến chất lượng dịch vụ đi xuống.
"Theo thống kê, có 72,8% du khách ưu tiên yếu tố sức khỏe, an toàn cho các chuyến đi. Do đó, giá không còn là yếu tố quyết định hoàn toàn, chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng" bà khẳng định.
Kỹ năng số
Khi hiểu nhu cầu của du khách là an toàn, doanh nghiệp và các cơ sở du lịch cần chú trọng yếu tố "sạch", đồng thời, kết hợp số hóa thông qua các ứng dụng để tạo ra trải nghiệm "du lịch không chạm". Để số hóa các dịch vụ du lịch, nhân sự ngành cần thành thạo công nghệ, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội.
Chia sẻ về giải pháp nâng cao khả năng số hóa của nguồn nhân lực, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietravel Holdings cho biết, nếu nhân sự không giỏi công nghệ, thứ nhất, doanh nghiệp cần đánh giá lại môi trường làm việc đã thực sự số hóa chưa. Thứ hai là khi số hóa, họ có gì để làm không.
"Nếu hai vấn đề đó đã đảm bảo, doanh nghiệp cần đào tạo cho nhân sự theo nhiều cách. Có thể đào tạo ngay từ khi tuyển dụng, đào tạo định hướng cho từng vị trí, nhiệm vụ, hoặc đào tạo nâng cao chuyên sâu", ông nói thêm.
Thiết lập cơ cấu tổ chức "dẻo"
Theo các diễn giả, dịch bệnh đã khiến nhiều người lao động trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc, chi phí dành cho nguồn nhân lực cũng hạn hẹp. Từ những thách thức này, doanh nghiệp cần linh hoạt, chuyển mình để biến "bình thường mới" thành một cơ hội để "dậy thì lần hai".
Doanh nghiệp có thể xây dựng cơ cấu tổ chức "dẻo" để linh động, dễ dàng biến đổi khi xảy ra rủi ro. Quản trị tinh gọn với những nhân sự đa năng, một người có thể kiêm nhiệm nhiều công việc và mang lại năng suất cao. Hơn hết, đào tạo lao động trẻ, năng động, giỏi thực hành là nhiệm vụ cốt lõi của doanh nghiệp và các trường đại học.
Bên cạnh trang bị các kỹ năng đáp ứng các tiêu chí trên, Đại học Hoa Sen còn hướng tới phát huy triệt để thế mạnh về đào tạo các ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng. Trường có chương trình đào tạo chuyên sâu - Vatel của Pháp, đề án do sinh viên thực hiện như The Future Chef, cuộc thi The Guiding Star... Đây là những sân chơi để các bạn trẻ rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ về du lịch. Từ đó, sinh viên có thể sẵn sàng thích ứng với môi trường luôn biến động và xử lý rủi ro trong du lịch.
Ngoài ra, thông qua tọa đàm, Đại học Hoa Sen thể hiện tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đưa ra những giải pháp, gợi ý để gỡ rối trong đào tạo nhân lực và đưa ngành du lịch trở lại thời kỳ bình thường mới.
Thiên Minh