Một nghiên cứu gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Astute Analytica dự báo rằng Nhật Bản sẽ đạt giá trị 4.224,15 triệu USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 12,26% từ mức 1.491,81 triệu USD của năm 2024. Dự báo lạc quan này phản ánh cam kết của Nhật Bản đối với các giải pháp tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi, các gián đoạn toàn cầu, và nhu cầu về mạng lưới logistics linh hoạt và thân thiện môi trường.
Nhu cầu từ nhiều ngành
Sự tăng trưởng của thị trường SCM Nhật Bản được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Các ngành công nghiệp ôtô và chăm sóc sức khỏe đặc biệt tích cực trong việc áp dụng tích hợp phần cứng tiên tiến và các dịch vụ dựa trên đám mây để nâng cao hợp tác và giảm thiểu rủi ro từ các sự kiện toàn cầu khó lường.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản báo cáo rằng hơn 2.300 nhà cung cấp phụ tùng ôtô đang tìm cách tăng cường nền tảng SCM để tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho. Tương tự, hơn 4.000 công ty điện tử đang đầu tư vào các giải pháp logistics dựa trên phần mềm.
Các nỗ lực hợp tác ngày càng trở thành yếu tố trung tâm trong việc tối ưu hóa hiệu quả chuỗi cung ứng tại Nhật Bản. Các công ty phân phối thực phẩm hàng đầu như Yamato Transport đang hợp tác với các siêu thị lớn để chia sẻ dữ liệu đơn hàng hàng ngày, giảm thiểu lãng phí và tăng tốc giao hàng.
"Bằng cách kết hợp chuyên môn sản xuất quy mô lớn với các doanh nghiệp khởi nghiệp linh hoạt, Nhật Bản tạo ra một môi trường giàu tiềm năng hỗ trợ cho những nỗ lực đổi mới SCM", báo cáo của Astute Analytica nhận định.
Trung tâm Hợp tác Công nghiệp Nhật Bản ước tính rằng khoảng 4.500 quan hệ đối tác liên ngành đã được thành lập trong năm qua để tích hợp các hệ thống kho bãi tiên tiến và robot vào hoạt động của họ. Hơn nữa, hơn 2.700 nhà sản xuất thiết bị y tế địa phương đã áp dụng các nền tảng đám mây để theo dõi theo thời gian thực và kiểm soát nhiệt độ, theo Hội đồng Chiến lược Phát triển của Nhật Bản.
Thương mại điện tử thúc đẩy đổi mới chuỗi cung ứng
Thương mại điện tử là một động lực quan trọng khác trong sự phát triển của SCM tại Nhật Bản. Phòng Thương mại Tokyo cho biết hơn 700 nền tảng bán lẻ trực tuyến đã giới thiệu dịch vụ giao hàng trong ngày để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng. Các chương trình thí điểm của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản sử dụng máy bay không người lái nhỏ để giao hàng tại các khu vực nông thôn cho thấy cam kết khám phá các giải pháp đổi mới nhằm giải quyết thách thức logistics.
Công nghệ tiên tiến
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang nhanh chóng tích hợp công nghệ tiên tiến để nâng cao khả năng hiển thị, hiệu quả và mở rộng quy mô hoạt động. Diễn đàn Tự động hóa báo cáo rằng 1.200 nhà máy ở khu vực Kansai đã áp dụng công cụ lấy hàng hỗ trợ bằng giọng nói để giảm thiểu sai sót thủ công. Các hệ thống quản lý kho dựa trên đám mây đã được triển khai tại 400 địa điểm phân phối, cải thiện đáng kể thông lượng. Cơ quan quản lý cảng Yokohama thử nghiệm máy bay không người lái chở hàng tự động cho giao hàng "chặng cuối" tại các khu vực ven biển xa xôi, minh chứng cho cách tiếp cận tầm nhìn xa của ngành.
Sự hội tụ của các tiến bộ công nghệ, cam kết với tính bền vững và một hệ sinh thái hợp tác đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường SCM Nhật Bản. Khi đất nước này đối mặt với những thách thức toàn cầu phức tạp, trọng tâm vào sự linh hoạt, hiệu quả và khả năng chống chịu đang định vị Nhật Bản cho sự thành công bền vững trong những năm tới.
Thế Đan (Theo EE Times)