![]() |
Chuột nhân bản bị béo phì (phải) và "người anh em" ra đời nhờ thụ tinh thông thường. |
Các nhà khoa học thừa nhận rằng gần như lần nhân bản nào cũng gặp các vấn đề về gene. Động vật được nhân bản thường mắc những chứng bệnh nghiêm trọng như chậm phát triển, suy yếu hệ thống miễn dịch, bệnh về tim và phổi. Chẳng hạn, có một số con chuột nhân bản đang khỏe mạnh, đột nhiên béo ra rất nhanh, thậm chí phát phì, mặc dù khẩu phần của chúng hệt như chuột thường.
Tiến sĩ Ryuzo Yanagimachi, Đại học Hawaii, người đầu tiên nhân bản chuột, cho biết: “Sản phẩm” của ông chỉ sống bình thường đến một thời điểm tương ứng với độ tuổi 30 ở người. Như vậy, cứ giả sử khoa học sẽ nhân bản người thành công, ai mà biết được người đó đến năm 30 tuổi có gặp tai biến gì không? Đó là chưa kể chuột nhân bản cũng có xu hướng phát triển chậm hơn chuột thường.
Bò nhân bản thường có tim, phổi to và hoạt động không tốt. Ngay cả con cừu Dolly nổi tiếng, bề ngoài thì có vẻ khoẻ mạnh, nhưng đã béo ra nhiều. Người ta vừa phải cách ly nó khỏi những con cừu khác để cho Dolly ăn kiêng.
Tiến sĩ Mark E. Westhusin, Đại học Texas A&M, cho biết 100 lần nhân bản bò mới cho ra đời duy nhất một con. Nhân bản chuột hiệu quả hơn, nhưng xác suất thành công cũng chỉ đạt 2-3 %.
Nguyên nhân rủi ro?
Việc nhân bản có thể đã gây ra nhiều sai sót trong gene, đưa đến những vấn đề nghiêm trọng không thể biết trước.
Về nguyên tắc, khi tiến hành nhân bản vô tính, các nhà khoa học đưa một tế bào của động vật trưởng thành vào trứng (vật liệu di truyền của trứng đã được xóa sạch). Sau đó, trứng sẽ “tái lập trình” các gene của tế bào đó để chúng kiểm soát sự phát triển của phôi. Phôi ấy sẽ trở thành động vật mới giống như con đã cho tế bào.
Theo các nhà khoa học, giai đoạn trứng tái lập trình gene quá ngắn có thể chính là nguồn gốc của mọi rủi ro. Trứng phải làm nhiệm vụ này trong một khoảng thời gian tính theo phút, giờ, trong khi thông thường quá trình đó phải mất nhiều tháng, thậm chí năm và phải được thực hiện hoàn hảo, nếu không, gene có thể bị sai sót bất kỳ lúc nào. ADN của động vật có thể bị hỏng, dẫn đến biến đổi gene, làm động vật chết ngay trong quá trình bào thai hoặc sau khi sinh, nếu không chết thì cũng mắc các bệnh nguy hiểm về sau này.
Nhân bản người rất khó thực hiện
Không nói đến việc bị đả kích nặng nề, nhân bản người nhìn chung không khả thi do các khó khăn về mặt kỹ thuật. Một số nhà khoa học đã “rùng mình” khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra khi tiến hành nhân bản người bằng các công nghệ như hiện nay. Tiến sĩ Rudolph Jaenisch, Viện Công nghệ Massachusetts, đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì khi nhân bản vô tính cho ra những con người chỉ có nửa quả thận hay thiếu hẳn hệ miễn dịch?”.
Nhưng tất cả còn ở phía trước. Thứ tư này, ở Mỹ sẽ có một phiên điều trần lớn xoay quanh việc nhân bản vô tính người, với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học và nhà đạo đức học.
Đoan Trang (theo New York Times, 26/3)