Chị Hoàng Thị Họa, 33 tuổi, ở Bắc Giang, nằm trên giường nói vọng lên: "Con là Tết rồi bác ơi". Chồng chị, anh Ngô Văn Độ, 38 tuổi, ngồi kế bên động viên vợ "năm nay yên tâm ăn Tết bệnh viện nhé".
Thấy các chỉ số của thai phụ ổn định, bác sĩ Đạo thở phào, bởi đây là ca khó, phải theo dõi chặt mới giữ được thai. Ngày cuối năm, khoa Sản Bệnh A4 vẫn đông nghịt người, thậm chí tất bật hơn ngày thường. Lượng bệnh nhân trong khoa tăng, trung bình từ 80 đến 100 thai phụ. Dự kiến, trong đêm giao thừa, số thai phụ nhập viện sẽ tăng thêm, đa số chuyển dạ bất ngờ hoặc cấp cứu nguy kịch.
Chị Họa và anh Độ kết hôn năm 2009 nhưng không có con. Năm 2017, hai vợ chồng làm thụ tinh nhân tạo, đậu hai thai, song không giữ được. Năm 2019, chị chuyển phôi lần hai, đậu một thai, sinh non ở tuần 23. Cạn kiệt tinh thần lẫn kinh tế, hai vợ chồng quyết định ngừng ba năm.
Ngày 26/7/2022, chị chuyển phôi lần ba, đậu hai thai. Lần này, chị nghén nặng hơn, không ăn được, thường xuyên đau, phải khâu vòng tử cung ở tuần 15. Đến tuần 17, cơn đau nhiều, nguy cơ sảy thai, chị chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội theo dõi. Bác sĩ Đạo khâu vòng tử cung lần hai, sức khỏe tạm thời ổn định. Chị và chồng thuê phòng trọ ở gần viện để tiện theo dõi. Ở tuần 20, chị nhập viện theo dõi thai, xác định ăn Tết ở viện.
"Hơn 10 năm làm dâu, lần đầu tiên không ăn Tết ở nhà, không phụ bố mẹ mâm cơm cúng, rồi thấy mọi người hối hả mua sắm nên cũng chạnh lòng", chị Họa kể. Động viên vợ, anh Độ nói: "Nằm viện cực nhưng con được an toàn, chứ về nhà mà nơm nớp lo lắng thì cũng chẳng ăn Tết nổi".
Mỗi ngày, chị phải tiêm truyền giảm cơn co, giảm đau, từ 9h đến 19h, hạn chế đi lại, khi cần đi vệ sinh thì đẩy xe lăn. Thỉnh thoảng, chị gọi điện về nhà, dặn dò bố mẹ sắm sửa, nhờ thắp hương gia tiên vì không thể về. Biết mình không khỏe mạnh như mọi người, chị cũng không dám than vãn, chỉ biết tâm sự với những chị em khác trong phòng. Kế bên chị, có sản phụ con không phát triển, có người nhau tiền đạo nguy cơ băng huyết, có người cổ tử cung ngắn dễ sẩy thai.
"Ai mà chẳng muốn được sum họp đoàn viên, nhưng ở đây các con được khỏe mạnh, chỉ cần qua Tết là con cũng cứng cáp hơn. Người hiếm muộn như tôi e là ăn Tết cũng không yên với họ hàng", chị nói.
Theo bác sĩ Đạo, ăn Tết ở viện là thiệt thòi của các thai phụ, song với những người có bệnh lý, nguy cơ sinh non thì nên ở lại viện để theo dõi. Nhiều cặp vợ chồng đề xuất ở viện để được bác sĩ chăm sóc, phòng ngừa tai biến. Số khác do ở xa, đi lại tốn kém, hoặc do lý do cá nhân.
Cũng ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương chờ sinh, chị Hảo, 34 tuổi, nói chuỗi ngày giữ thai là dài và mệt mỏi nhất. Hiện, chị và chồng có hai bé trai. Trước đó, chị sinh non một bé ở tuần 28 và không giữ được. Lần mang thai thứ tư, thai bám vết mổ cũ, nhau cài răng lược, chị nhập viện hội chẩn.
Ban đầu, bác sĩ tư vấn gia đình cân nhắc, bởi mổ lần thứ 4, nguy cơ cắt tử cung, mất máu, đe dọa sức khỏe của mẹ. Sau khi suy nghĩ, hai vợ chồng quyết định nhập viện để giữ thai từ tuần 20, "không để vỡ ối ngoại viện rồi mất con như lần trước".
Những ngày nằm viện, chị phải liên tục nghe tim thai, xem cơn gò để sinh, không cần dùng thuốc. Nhưng xung quanh là 11 sản phụ có bệnh lý cần dưỡng thai khiến chị áp lực. Giờ này những năm trước, chị đang tất bật chuẩn bị Tết với đại gia đình chồng. Còn năm nay, chị phải nằm trên giường, hạn chế đi lại, ăn tại giường, cần hỗ trợ thì có y tá, ngồi xe lăn đi xét nghiệm.
"Tôi đã xác định là đón giao thừa ở bệnh viện rồi", chị Hảo nói. Chồng chị đang về nhà để chuẩn bị Tết và chăm sóc hai con trai, sau đó sẽ quay lại cùng vợ chờ con chào đời. Thỉnh thoảng, chị gọi điện hoặc lấy ảnh gia đình ra xem để bớt nhớ nhà.
Bác sĩ Phan Chí Thành, khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, cho biết em bé trong bụng chị vẫn ổn, động viên thai phụ kiên trì. Ngoài chị, khoa Sản bệnh còn có nhiều thai phụ khác cũng phải ăn Tết bệnh viện, nhất là bệnh lý nhau cài răng lược. Đây là bệnh lý nguy hiểm, thai phụ có nguy cơ gây mất máu, thậm chí hàng lít máu trong vài phút, nếu không xử lý kịp còn nguy hiểm cả mẹ.
"Tuy nhiên, các mẹ ở Tết cũng không hẳn buồn", bác sĩ nói, bởi những người phụ nữ hiếm muộn rất yêu thương và chia sẻ với nhau. Trong thời khắc thiêng liêng của năm, các y bác sĩ cũng dành chút thời gian rảnh chúc Tết, "xem như thêm một lần thăm bệnh dù ai cũng có việc của riêng mình". Bệnh viện trang trí đèn lồng, cây đào, quất để có không khí năm mới hơn.
"Chỉ cần con an toàn, chút tủi thân, nhớ nhà trong ngày Tết cũng không phải là nỗi phiền muộn gì lớn", bác sĩ nói.
Để bớt nhớ nhà, anh Độ tính mua thêm ít bánh mứt, hướng dương để đón giao thừa. Các ông bố trong phòng Sản bệnh cũng rủ nhau đêm 30 đẩy xe lăn đưa vợ lên tầng thượng ngắm pháo hoa.
"Tết ở bệnh viện dĩ nhiên trăm thứ thiếu thốn, nhưng việc đó cần cho con nên tất cả cùng nhau cố gắng. Dù lo lắng, tôi hạnh phúc vì đứa con đầu lòng sắp ra đời", chị Họa nói.
Còn chị Hảo dự định đón giao thừa cùng chồng và hai con trai qua màn hình điện thoại. Với chị, chỉ cần cả nhà mạnh khỏe thì mới là Tết bình an.
Dù vậy, với các bác sĩ, Tết lại là dịp vất vả hơn khi bệnh nhân dồn từ nhiều nơi về, nhiều ca nặng. Có những năm giao thừa vừa đỡ đẻ xong, bác sĩ Thành, bác sĩ Độ lại tất bật chạy sang phòng mổ vì có sản phụ nguy kịch. Tuy nhiên, họ tâm niệm, "đã là bác sĩ thì vất vả, khó khăn là không tránh khỏi".
Để động viên mình, họ lấy sự bình yên của bệnh nhân làm món quà trong những ngày đầu năm mới.
Minh An