Sáng 23/12, nhóm công nhân, kỹ sư đang thi công trên phần chân tháp kẽm, cách mặt đất gần 34 m. Để lên được đây, họ dùng hệ thống thang máy cao 29 tầng của giàn giáo được lắp đặt quanh nhà thờ. Từng công nhân tỉ mỉ lắp các bu lông, ốc vít gia cố những khung thép xung quanh. Bên ngoài tháp được quây bạt để tránh nắng nóng, nước mưa chảy xuống ảnh hưởng tòa nhà cổ đang được tu bổ.
Khởi công từ năm 2017, Nhà thờ Đức Bà ban đầu dự định được cải tạo trong 2-3 năm, song vì công trình hư hỏng nhiều, Covid-19 bùng phát, chiến tranh làm nguồn cung vật liệu gián đoạn, tăng giá nên dự kiến kéo dài đến năm 2027. Kinh phí trùng tu sẽ nhiều hơn mức 140 tỷ đồng dự kiến trước đây. Hiện nhà thờ được cải tạo bốn hạng mục chính, gồm tháp kẽm, tháp chuông, mái ngói và tường gạch trang trí trong đó, tháp kẽm là hạng mục khó khăn nhất.
Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Trưởng ban trùng tu nhà thờ, kể khi lần đầu tiên lên đến tháp kẽm thấy mọi thứ "gần như tan nát". Qua 120 năm, phần mái lợp kẽm hư hỏng, nứt gãy, nhiều chỗ bị gió thổi bay tạo khoảng trống khi mưa nước đọng tại các góc chân tháp làm tổn hại nặng nề kết cấu. Nước chảy đã bào mòn nhiều khu vực trang trí bằng đá vôi Pierre de Paris. Các thanh thép bị gỉ sét, có chỗ mục, yếu do đó khi đứng trên bệ đỡ tháp này có cảm giác bị rung lắc.
Thiết kế của nhà thờ từ trên cao xuống được chia làm 5 tầng, gồm đỉnh cao nhất là tháp kẽm hơn 26 m có gắn hai thánh giá bằng thép, tầng tháp chuông cao gần 9 m, tầng cửa sổ hoa hồng - đồng hồ, tầng lửng và dưới cùng là giáo đường.
Theo quy trình, việc trùng tu thực hiện từ trên cao xuống dưới nên phần tháp kẽm được làm đầu tiên. Tháp này đặt trên gối đỡ bằng các khối đá Pierre de Paris và bệ đỡ xi măng có lõi thép bên trong. Qua thời gian hai bộ phận này đã hư hỏng, phần xi măng có chỗ bị mục và xô lệch, nhiều đường nứt kéo dài.
Để trùng tu, thay thế các khối đá Pierre de Masangis, các chuyên gia, công nhân phải tháo dỡ, đem xuống mặt đất các khối đá Pierre de Paris hiện hữu. Có những khối đá ở góc nặng hơn 2 tấn, phải đục lớp vữa xây, ron liên kết cũ. Toàn bộ vật liệu nhập khẩu từ châu Âu.
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, đá vôi Pierre de Massangis nhập từ Pháp, gia công, chế tác thủ công tại Tập đoàn Monument ở Bỉ - đơn vị chịu trách nhiệm trùng tu nhà thờ. Loại đá này màu sắc tương đồng nhưng độ cứng cao hơn đá Pierre de Paris hiện hữu. Tổng khối lượng đá nhập về dùng để gia cố và điêu khắc trang trí là gần 90 tấn, trong đó có khối nặng hơn một tấn. Các khối đá cũ sau khi gỡ xuống sẽ được tái sử dụng cho hạng mục khác.
Kế đến, các nhân công phải gia cố các hệ thống 16 trụ thép chịu lực của hai tháp kẽm. Hệ thống này chịu được khối lượng 72 tấn - gần gấp 3 lần tổng trọng lượng tháp kẽm. Các trụ thép được nối với 16 thanh neo sắt hướng tâm, tỏa ra nhiều phía bên trong tháp. Thiết kế của các thanh neo này theo kiểu của tháp Eiffel tại Paris (Pháp) giữ cho kết cấu không bị ảnh hưởng bởi gió mạnh ở trên cao.
Để gia cố phần khung bên trong tháp, đơn vị thi công dùng hơn 600 loại bu lông, ốc vít, đinh tán, nhập từ Đức. Hơn 2/3 trong số này phải đặt gia công riêng cho phù hợp các lỗ khoan cũ. Một số thanh neo phải làm từ titan phủ vàng nguyên chất để chịu được tác động bên ngoài, khí hậu nắng nóng.
Ông Mark Willems, Giám đốc kỹ thuật dự án trùng tu, cho biết hàng ngày có khoảng 40 công nhân, kỹ sư chia thành nhiều nhóm làm việc tại nhà thờ. Mỗi nhóm phụ trách từng phần nhỏ của công trình. Trước khi làm việc, họ phải học lý thuyết, cách sử dụng máy móc chuyên biệt. Chưa kể gần 20 người ở văn phòng để giám sát việc thi công hàng ngày.
Việc trùng tu nhà thờ phải giữ nguyên thiết kế ban đầu, ít tổn hại đến công trình. Do đó ngoài đội ngũ kỹ thuật cao được huấn luyện bài bản, nhiều máy móc được thiết kế riêng ở nước ngoài từ máy khoan thăm dò cột gỗ ở tháp chuông đến máy cắt gạch. Các thiết bị này đều có mũi khoan, lưỡi cưa bằng kim cương đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Giám đốc kỹ thuật dự án dẫn chứng, vào thời điểm xây nhà thờ chưa có vật liệu bằng inox, do đó khi thay những thanh sắt bằng chất liệu này phải đặt làm loại chuyên biệt. Một số loại ốc khi xây nhà thờ có đường kính 17 mm nhưng tiêu chuẩn mới hiện nay là 16 hoặc 18 mm. Vì vậy bên thi công phải tìm đến những nhà cung cấp riêng. Còn tấm kẽm mỹ thuật Azengar plus lợp cho toà tháp cao nhất phải sản xuất tại Pháp sau 7 năm mới xong.
Gắn bó với công trình từ năm 2016, ông Mark Willems cho hay việc trùng tu công trình 143 tuổi rất phức tạp. Từng tham gia trùng tu nhà thờ Tournai hơn 800 tuổi hay nhà thờ Đức Bà Paris nhưng ông không thể áp dụng kinh nghiệm những nơi trước vào nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vì sự khác biệt về cấu trúc. "Mỗi nhà thờ là một công trình duy nhất", ông nói.
Cùng với sửa tháp kẽm, các công nhân, chuyên gia bắt đầu thay các viên gạch cũ, bị hư hỏng trên vách tường từ độ cao 30 m. Đây là hạng mục đòi hỏi độ tỉ mỉ rất cao. Các viên gạch bị vỡ được đục bỏ thay thế bằng gạch làm thủ công tại Đức.
Công nhân phải tháo từng viên gạch, dùng máy cắt xử lý đúng kích cỡ sau đó sử dụng máy hoặc ống xilanh để bơm ba loại vữa riêng biệt nhằm lấp đầy khe hở bên trong của tường xây, các ron liên kết giữa chúng. Các hàng gạch phải xếp theo hình chữ thập, đặt ngang dọc để tạo thành điểm khóa tăng độ chịu lực. Vách tường gạch của nhà thờ có độ dày đến 1,2 m, trong đó tường của tháp chuông dày đến 1,4 m để chịu lực đỡ cho bộ chuông nặng 30 tấn.
Ngoài các thử thách khi trùng tu các hạng mục trên, nhà thờ còn đối mặt với việc nước thẩm thấu ngược từ lòng đất lên độ cao gần 8 m phía trên vách tường ở cung thánh. Việc này khiến kết cấu tường, cột bị ẩm mốc, vữa bị oxy hoá thành bột mịn. Bốn năm qua, đơn vị thi công liên tục lấy mẫu bột vữa bị thấm từ vách tường chuyển sang Bỉ phân tích để có giải pháp khắc phục.
Theo Trưởng ban trùng tu nhà thờ, hơn 6 năm qua, nhà thờ mới hoàn thiện xong phần lợp ngói mới. Các hạng mục phải sửa chữa như tháp chuông, tháp kẽm đạt 50% khối lượng.
Quá trình trùng tu cũng phát sinh nhiều vấn đề, như hồi đầu tháng 3/2023, hai thánh giá 128 tuổi, cao 4 m, nặng 600 kg mỗi cây trên đỉnh tháp kẽm được tháo đưa sang Bỉ phục chế. Tuy nhiên thánh giá đã gỉ sét nhiều, lủng lỗ, sau sửa chữa không thể dùng được lâu, nhà thờ phải đặt cái mới, mạ vàng thay thế.
Trong 4 năm tới, công trình dự kiến hoàn thành trùng tu phần tháp chuông, tháp kẽm vào cuối năm 2024. Ngoài những hạng mục sửa chữa, nhà thờ còn thiết kế mới nhiều hệ thống như ánh sáng, thông gió, giàn đàn đại phong cầm.
Với hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, Ban trùng tu tìm đến công ty chuyên thiết kế ánh sáng danh tiếng của Italy có trụ sở tại Milan. Đơn vị này từng thiết kế ánh sáng cho Nhà thờ chính tòa Đức Bà Milano, viện bảo tàng của Nhà thờ Milano, Sân bay quốc tế Malpensa của Milano, các công trình kiến trúc, bảo tàng, nhà thờ khác nổi tiếng tại Florence, Napoli, Venice.
Ba chuyên gia của đơn vị thiết kế ánh sáng đã đến khảo sát bên trong và xung quanh nhà thờ, chính thức thực hiện việc nghiên cứu, thiết kế. Tiếp đến, nhà thờ sẽ đặt làm một cây đàn đại phong cầm mới để thay thế cho đàn cũ đã có từ khi khánh thành nhà thờ từ năm 1880 nhưng đã bị hư hại nặng nề.
Sắp tới Ban trùng tu triển khai thiết kế, lắp dựng giàn giáo để trùng tu bên trong nhà thờ. Giàn giáo này được lắp đặt theo kiểu dáng hai tay vươn lên hình chữ V, chừa khoảng trống phía dưới cho bà con giáo dân tham dự thánh lễ.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp thuộc do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Công trình cao 60,5 m, trong đó tháp kẽm và tháp chuông chiếm hơn một nửa, lần lượt cao 26 m và 11 m.
Nằm ở trung tâm quận 1 và là nhà thờ Chánh tòa của Tổng giáo phận TP HCM nên đây là địa điểm người dân thường tập trung về vào các dịp lễ, Tết, nhất là Noel. Ngày thường khu vực quanh nhà thờ là nơi quen thuộc của nhiều bạn trẻ, điểm tham quan của du khách quốc tế.
Đình Văn