![]() |
|
Thôi miên là gì?
Tất cả các chuyên gia thôi miên đều có định nghĩa riêng của mình và không hề có lý thuyết nào được coi là mẫu mực. Hiện tượng thôi miên phức tạp đến mức các nhà liệu pháp nói đến nhiều kỹ thuật của nó. Có một điều chắc chắn: đây không phải là một trạng thái của giấc ngủ, mà là một trạng thái thay đổi về ý thức, như là giấc mơ, sự xuất thần, thư giãn, nhập định...
Trạng thái "xuất thần thôi miên" tương ứng với sự thay đổi trạng thái cảnh giác bình thường - trạng thái giúp chúng ta suy luận và sống trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng nó có các đặc tính riêng: trong một môi trường đơn điệu chẳng có gì diễn ra, ở đó các kích thích hơi căng thẳng, não chúng ta trong tình trạng "thiếu" thông tin. Lúc đó não sẽ tự sản ra thông tin bằng cách rút lấy những hình ảnh trong vô thức. Điều đó giống như thể người ta vẫn "mơ" đồng thời vẫn có ý thức. Người bị thôi miên sẽ quên đi hiện thực bên ngoài để bước vào một hiện thực bên trong, nhưng vẫn sống như với hiện thực bên ngoài. Ngoại lệ duy nhất: giọng nói của người thôi miên tiếp tục được nghe thấy. Lời lẽ của ông ta trở thành một tác nhân kích thích rất đặc biệt, làm tăng thêm sức mạnh ám thị và từ đó tạo ra các thay đổi về tâm - sinh lý bất thường (làm biến mất ngay các cơn đau dữ dội hay chữa được bệnh eczema...). Tại sao? Như thế nào? Cho đến nay điều này vẫn còn là một bí ẩn.
Thôi miên đã được chứng minh bằng khoa học?
Nhiều nghiên cứu cho thấy một ám thị thôi miên gây ra các phản ứng neuron. Ví dụ, nghiên cứu do giáo sư Stephen Kosslyn, khoa thần kinh Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston tiến hành năm 1997: giáo sư đề nghị một nhóm 16 người quan sát một bảng màu đặt theo nhiều cấp độ và một bảng màu xám nhạt dần. Các phản ứng của não được ghi nhận bằng kỹ thuật X quang lớp phát hạt positron. Khi người tham gia trong tình trạng thôi miên, giáo sư yêu cầu từng người một "nhìn" bảng màu xám thành các màu sắc, thì vùng chẩm - xương đỉnh - một trong các khu vực nhận thức màu sắc - được kích hoạt, tức là não đã phản ứng như nó nhìn thấy các màu ở vị trí màu xám, điều mà ám thị thôi miên yêu cầu.
Một buổi liệu pháp thôi miên diễn ra thế nào?
"Tôi muốn anh ngủ!" Đây là công thức của nhà liệu pháp thôi miên và sự thôi miên sẽ được tiến hành tuần tự. Một buổi liệu pháp kéo dài 45 phút. Nằm dài trên giường, bệnh nhân nhắm mắt lại hoặc nhìn chằm chằm vào một điểm nhất định trong phòng. Ngồi trên chiếc ghế bên cạnh, nhà liệu pháp đề nghị bệnh nhân thư giãn hoàn toàn. Đó là giai đoạn tiền cảm ứng. Một số chuyên gia sử dụng thiết bị âm thanh phát ra âm nhạc êm dịu, và nói vào micro với giọng nhẹ nhàng và đơn điệu. Họ yêu cầu bệnh nhân tập trung vào một số vùng trên thân thể - đó là giai đoạn cảm ứng, giúp bệnh nhân tập trung đến bản thân mình. Một giấc ngủ mơ màng bắt đầu hình thành.
Nhà liệu pháp kiểm tra tình trạng đối tượng bằng việc yêu cầu anh ta nhấc tay lên hay đan các ngón tay vào nhau. Nếu bệnh nhân làm theo yêu cầu, tức là anh ta đã rơi hẳn vào trạng thái thôi miên. Sau đó, nhà liệu pháp nhắc lại những ám thị, trực tiếp (chẳng hạn Cơn đau tay của anh đã biến mất), hay gián tiếp (Anh đang ở trong một nơi dễ chịu). Cuối buổi thôi miên, bệnh nhân sẽ từng bước thức dậy một cách nhẹ nhàng, để trở lại kiểm soát các cơ bắp của mình và quay về với hiện thực mà không có cảm giác khó chịu. Cuối cùng, bệnh nhân và nhà liệu pháp bình luận về buổi thôi miên.
Có sự khác biệt giữa các kỹ thuật thôi miên?
Người ta phân biệt 4 loại kỹ thuật:
1. Truyền thống: Nhà thôi miên đóng vai trò hàng đầu, chính ông ta sẽ chủ trì buổi liệu pháp. Ông ta sẽ xướng lên các ám thị trực tiếp (gọi là truyền lệnh) trong khi bệnh nhân thụ động.
2. Bán truyền thống: Nhà thôi miên vẫn luôn đóng vai trò hàng đầu, cùng lúc đưa ra các ám thị trực tiếp và gián tiếp.
3. Mới: Nhấn mạnh đến bệnh nhân và quan hệ của anh ta với nhà liệu pháp, qua các sự trao đổi, giao tiếp.
4. Phương pháp Erickson (nhà phân tâm học Mỹ gốc Đức, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề của tuổi thiếu niên): Bệnh nhân tự đặt mình vào trạng thái thôi miên. Nhà liệu pháp sử dụng các phép ẩn dụ để cho vô thức của đối tượng tự lựa chọn giải pháp cho các vấn đề của mình.
Mọi người đều có thể được thôi miên?
Theo thang độ của "tính dễ được thôi miên" do Đại học Stanford phát triển, 5% trong số chúng ta trơ ì với kỹ thuật thôi miên và chỉ 10% là bước vào trạng thái thôi miên sâu một cách nhanh chóng. Nhưng người ta còn chưa biết tại sao cho đến nay, vẫn không hề có sự tương quan nào giữa cấu trúc cá nhân và tính dễ ám thị được chứng minh.
Còn nữa
Kiến thức ngày nay (theo Psychologies)