Nguyễn Thùy Chi, Nguyễn Ngọc Nhứt và Trần Thanh Hiếu là ba trong số 38 tấm gương khuyết tật tiêu biểu được vinh danh tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2024. Đây là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và công ty TCP Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực.
Sinh năm 1990 tại Lào Cai, Nguyễn Thùy Chi hiện tại là Đồng sáng lập - Phó giám đốc Công ty TNHH Chạm Vào Xanh với gần 20 thợ thủ công, họa sĩ là người khuyết tật. Thùy Chi thuộc hạng khuyết tật nặng, phải ngồi xe lăn và cần người chăm sóc đặc biệt nhưng đã thành công gây dựng và khởi nghiệp dự án Chạm Vào Xanh nhằm hỗ trợ việc làm và nâng cao năng lực cho người khuyết tật.
"Bản thân mình từng làm việc ở nhiều công ty khác nhau, qua đó mình đã học được cách hòa nhập cũng như hiểu rằng muốn người khác tôn trọng và không chú ý đến sự khác biệt của mình thì phải có nghị lực và trí lực", Thùy Chi chia sẻ.
Khi biết được vinh danh tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" Thùy Chi tâm sự: "Đây là cơ hội để mình chia sẻ về khát khao lao động, sống có ý nghĩa chứ không phải lúc nào cần hỗ trợ từ thiện. Điều người khuyết tật chúng mình cần hơn cả đó là cơ hội, là lòng tin của cộng đồng".
Nếu theo dõi TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác, bạn có thể đã một lần bắt gặp cái tên "Cụt yêu đời". "Cụt yêu đời" tên thật là Nguyễn Ngọc Nhứt, hiện là sinh viên năm cuối Đại học Công nghệ TP HCM. Dù bị khuyết tật vận động (mất hai phần tay dưới khuỷu), Nhứt luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực khiến mọi người ngưỡng mộ.
Sau biến cố bị mất hai bàn tay vào năm 16 tuổi, Nhứt bắt đầu học cách sinh hoạt bằng "đôi tay mới" của mình. "Tôi xây dựng các kênh mạng xã hội với tên 'Cụt yêu đời' để chia sẻ câu chuyện cuộc sống của mình đến các anh chị người khuyết tật khác, giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc đời", Nhứt nói.
Năm 2023, Ngọc Nhứt cùng bạn bè thành lập nhóm "Gia đình thứ 2" với gần 40 thành viên là người khuyết tật. Đây là nơi những người khuyết tật có thể trao đổi cách thức tự chăm sóc bản thân cũng như kinh nghiệm sống, làm việc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Khi được tôn vinh tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt", Ngọc Nhứt tâm sự "cảm thấy vô cùng vinh dự và hạnh phúc". "Đây là sự công nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 10 năm qua, kể từ ngày tôi là một người khiếm khuyết", cậu nói.
Sinh năm 1997 tại Bình Dương, Trần Thanh Hiếu là chàng trai khuyết tật nặng về nhìn và vận động. Với nghị lực vượt khó, Hiếu đã tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp khác nhau do trường Đại học Trà Vinh và các sở ban ngành, Tỉnh Đoàn Trà Vinh tổ chức.
Khi biết tin được đề cử và tôn vinh tại "Tỏa sáng nghị lực Việt", Thanh Hiếu rất vui mừng và hạnh phúc. Hiểu hiểu rằng đây là sự ghi nhận của cộng đồng dành cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân, cũng là sự quan tâm của TCP Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho người khuyết tật được kết nối, thực hiện đam mê, hoài bão.
Bên cạnh tôn vinh các tấm gương khuyết tật vượt khó, mỗi năm, chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" đều trao tặng ba phần quà, mỗi phần trị giá 50 triệu đồng cho các thanh niên khuyết tật tiêu biểu có các dự án khởi nghiệp tiềm năng, hỗ trợ thanh niên trẻ đặc thù vững vàng trên con đường khởi nghiệp.
Chương trình cũng lựa chọn ra những dự án khởi nghiệp nổi bật để tư vấn kiến thức, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm... Trong khuôn khổ chương trình, nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bán hàng, trao đổi hàng hóa trên các nền tảng xã hội cùng các buổi thảo dành riêng cho thanh niên khuyết tật khởi nghiệp cũng được tổ chức.
Đại diện ban tổ chức chia sẻ, song hành với ý chí phấn đấu của từng cá nhân, sự đồng hành của TCP Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam giúp các thanh niên đặc thù tỏa sáng theo cách riêng của mình, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên đến những người khuyết tật trên cả nước. Năm 2024 đánh dấu cột mốc 5 năm hợp tác giữa Trung ương Hội LHTN Việt Nam và TCP Việt Nam.
Diệp Chi