Những lĩnh vực mà các công ty trực thuộc SGI đang đầu tư có phát triển đô thị - khu công nghiệp; tài chính-ngân hàng, năng lượng, khoáng sản.
Bốn thành viên thuộc SGI đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Kinh Bắc City (KBC), Navibank (NVB), Saigontel (SGT) và Khoáng sản Sài Gòn-Bình Định (SQC).
Trong lĩnh vực tài chính, SGI có tầm ảnh hưởng lớn đến 2 ngân hàng là Navibank và Western Bank. Cả 2 ngân hàng này đều khá nhỏ trong hệ thống ngân hàng.
Hiện đang xuất hiện một số thông tin cho rằng PVFC sẽ tiếp quản Western Bank.
Ngoài ra trong hệ thống của SGI còn có Công ty chứng khoán Navibank (tiền thân là chứng khoán E-Việt) và Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital).
Công ty chứng khoán đầu tư Sài Gòn cũng chủ yếu đầu tư tài chính vào các công ty thành viên trong Tập đoàn.
Đối với lĩnh vực công nghệ - viễn thông, thành viên tiêu biểu của SGI là Saigontel.
Tuy nhiên, Saigontel hiện chủ yếu đi đầu tư vào các doanh nghiệp khác trong SGI. Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính rất thấp, dẫn đến việc thua lỗ nặng trong thời gian gần đây.
Trong năm 2011, Saigontel và Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn đã thực hiện mua 41% và trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), công ty đang quản lý mạng S-Fone.
Chưa tính mảng di động của S-Fone thì các hoạt động kinh doanh khác của SPT cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Ví điện tử Payoo cũng là một sản phẩm thuộc SGI.
Trong lĩnh vực điện năng, SGI thành lập 4 công ty và góp vốn vào dự án thủy điện Sông Tranh 4. Các khoản đầu tư này bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện và phong điện.
Bất động sản là lĩnh vực chủ đạo của SGI, với nòng cốt là Kinh Bắc City (KBC).
KBC và các công ty con hiện đang quản lý một loạt khu công nghiệp như Quế Võ (Bắc Ninh), Quang Châu (Bắc Giang), Tràng Duệ, Tràng Cát (Hải Phòng), Tân Phú Trung (TP HCM)…
Ngoài ra, KBC còn có một số công ty liên kết thực hiện đầu tư các dự án khu đô thị và khu công nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tháng 1/2010, KBC được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án khách sạn Hoa Sen Hà Nội (Lotus Hotel) trên khu đất rộng hơn 4ha gần Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đến nay, KBC mới chỉ chi 5,5 triệu USD cho dự án này, chủ yếu là tiền hỗ trợ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chi phí tư vấn thiết kế… Cũng tại Hà Nội, KBC còn sở hữu khu đất rộng 2ha tại khu ngoại giao đoàn.
Trong lĩnh vực bất động sản du lịch, Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn-Hàm Tân đầu tư dự án khu dân cư và khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng tại Bình Thuận.
Bên cạnh bất động sản, SGI có các công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng như Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC), Công ty cổ phần sản xuất-thương mại Sài Gòn (SMC).
SGI dự định đầu tư nhà máy xi măng Sài Gòn-Tân Kỳ tại Nghệ An nhưng mới đây đã xin rút lui khỏi dự án này do tình trạng dư thừa nguồn cung xi măng quá lớn.
Trong lĩnh vực khai khoáng, SGI có công ty koáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), sở hữu nhà máy chế biến xỉ titan lớn và hiện đại nhất Việt Nam.
Mới đây, ông Đặng Thành Tâm đã chuyển nhượng 20% cổ phần tại SQC cho nhà đầu tư khác, giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty này xuống còn 40%.
(TTVN)