Thứ bảy, 21/9/2024
Thứ bảy, 5/6/2021, 00:00 (GMT+7)

Những tác phẩm thắng giải cuộc thi ảnh thiên nhiên 2021

Ban tổ chức cuộc thi ảnh thiên nhiên Nature TTL 2021 hôm 3/6 công bố những tác phẩm xuất sắc ở từng hạng mục.

Nature TTL: Photographer of the Year là một trong những cuộc thi ảnh thiên nhiên lớn nhất thế giới, thu hút sự tham gia của hàng nghìn người yêu nhiếp ảnh mỗi năm. Sự kiện năm nay có hơn 8.000 tác phẩm tranh tài ở 8 hạng mục với giải thưởng cao nhất trị giá tới 1.500 bảng Anh tiền mặt.

Nhiếp ảnh gia Canada Thomas Vijayan đã xuất sắc giành giải nhất chung cuộc với tác phẩm đánh lừa thị giác mà tên "Thế giới đảo chiều". Nó cho thấy một con đười ươi Borneo đang leo lên ngọn cây ở Indonesia, tuy nhiên, hình ảnh phản chiếu từ mặt nước phẳng lặng phía dưới lại tạo cảm giác như sinh vật đang trèo xuống đất.

Tác phẩm của Vijayan được đánh giá cao về phối cảnh và bố cục độc đáo, mang đến cái nhìn sâu sắc về thế giới của đười ươi Borneo, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Bức ảnh cũng về nhất ở hạng mục "Hành vi động vật".

Khoảnh khắc cá sấu săn mồi được nhiếp ảnh gia Johan Wandrag chụp tại một dòng sông ở Nam Phi về nhì ở hạng mục "Hành vi động vật". Khuôn mặt "bàng hoàng" của con cá nhỏ trước cuộc tấn công bất ngờ của kẻ săn mồi gây ấn tượng mạnh với người xem ngay ở cái nhìn đầu tiên.

Thomas Easterbrook, 13 tuổi, chiến thắng hạng mục "Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi của năm" với bức ảnh chụp chim cắt lớn chuẩn bị tấn công một đàn sáo đá. Tác phẩm được đặt tên là "Tha hồ lựa chọn".

Tác phẩm "Cây sự sống" của nhiếp ảnh gia Jay Roode được đánh giá cao nhất ở hạng mục "Phong cảnh". Trong bức ảnh, bóng đen của cây Camel Thorn cổ thụ trông giống như một bàn tay đang cố gắng vươn tới những đường xói mòn trên hoang mạc, nơi từng có nước chảy qua.

Nhiếp ảnh gia James Gifford về nhất ở hạng mục "Thế giới tí hon" với tác phẩm chụp vũ điệu của những con mối trồng nấm (Macrotermitinae). Sau một trận mưa lớn, chúng kéo nhau rời tổ và bay liên tục trong 1 - 2 ngày. Để thu được hiệu ứng mờ nhòe, Gifford đã cài đặt tốc độ màn chập thấp và lia máy theo đường bay của côn trùng.

Khoảnh khắc hai con kỳ nhông đốm non bị bẫy bởi cây bắt mồi Sarracenia purpurea về nhì ở hạng mục "Thế giới tí hon". Nó được chụp bởi nhiếp ảnh gia Samantha Stephens trong Công viên Algonquin ở Canada. Tác phẩm này cho thấy kỳ giông đốm đóng một vai trò dinh dưỡng quan trọng đối với các loài thực vật ăn thịt ở Algonquin.

Bức ảnh chụp bãi đá có hình dạng như một con mắt khổng lồ trên bờ biển Uttakleiv ở Na Uy của nhiếp ảnh gia Ivan Pedretti chiến thắng hạng mục "Trời đêm". Tác phẩm được tô điểm với bầu trời đầy sao và ánh sáng cực quang mờ nhạt ở phía trên.

Hạng mục "Bẫy camera" vinh danh tác phẩm của nhiếp ảnh gia John Formstone. Để làm cho hình bóng của con chuột đồng đuôi dài nổi bật trên nền tối, Formstone đã lắp đặt một đèn flash rời ở phía sau đối tượng.

Nhiếp ảnh gia Grant Thomas về nhất ở hạng mục "Dưới nước". Bức ảnh chụp chiếc miệng khổng lồ của một con cá đuối Manta trong vùng biển Maldives vào ban đêm gợi liên tưởng đến một chiếc phi thuyền không gian trong phim khoa học viễn tưởng.

Con người không phải lúc nào cũng tác động tiêu cực lên thế giới tự nhiên. Tác phẩm xuất sắc nhất hạng mục "Động vật hoang dã đô thị" của nhiếp ảnh gia Kallol Mukherjee là một ví dụ. Bức ảnh cho thấy một đôi én Barn xây tổ ngay bên trong một cửa hàng trên dãy Himalaya để tránh xa những kẻ săn mồi. Chim én Barn được người dân địa phương xem như biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng. Vì vậy, họ vui vẻ chấp nhận cả những phiền toái mà chúng tạo ra.

Bức ảnh chụp gấu Bắc Cực nghỉ ngơi trên một sườn núi ở Svalbard, Na Uy của nhiếp ảnh gia Dennis Stogsdill chiến thắng hạng mục "Chân dung hoang dã". Khung cảnh hoang vắng và bầu trời buổi chiều dịu nhẹ tạo nên bối cảnh hoàn hảo cho một giấc ngủ.

Ảnh: Nature TTL