Các đơn vị xuất bản, phát hành tung ấn phẩm mới hưởng ứng sự kiện diễn ra vào ngày 21 đến 25/2. Trong đó, nhiều tác phẩm thuộc chủ đề văn học, nghệ thuật.
"Những miền lưu dấu - cảnh Việt trong văn chương"
Sách tuyển chọn những trích đoạn thơ, văn về cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam, từ những tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn, nhà thơ trong nước, từ trung đại đến hiện đại. Nhiều nội dung trích từ sách Ngữ văn bậc trung học phổ thông, vốn quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh. Ngoài ra, sách có tranh phong cảnh quê hương để minh họa. Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết cuốn sách có thể được sử dụng làm tư liệu dạy, giúp học sinh tiếp cận các tác phẩm văn học theo hướng mới.
"Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ"
Là cuốn tranh truyện bán hư cấu, kể về hành trình ra đời chữ quốc ngữ gắn với cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes.
Phần nội dung của tác giả Nguyễn Thị Kiều Ly kết hợp tranh do họa sĩ Tạ Huy Long thực hiện, giúp người đọc hiểu rõ quá trình sáng tạo và phát triển chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt. Sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu cội nguồn chữ viết của dân tộc và thêm yêu tiếng Việt. Bài toán đặt ra là làm thế nào để bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của chữ quốc ngữ trong quá trình hội nhập văn hóa và phát triển hiện nay.
"Những con chữ ngoài trang sách"
Sách của tác giả Trần Đình Ba, cung cấp những thông tin, tư liệu liên quan đến hoạt động xuất bản, in và phát hành từ nửa cuối thế kỷ 19 đến năm 1945. Giai đoạn này, kỹ thuật in chữ hiện đại từ phương Tây du nhập vào Việt Nam.
Phần đầu, tác giả nêu về lịch sử hoạt động xuất bản ở Việt nam từ xưa đến năm 1945, bao gồm việc sáng tác, dịch thuật, quảng cáo, in ấn, phát hành, bán sách... Theo tác giả, thời kỳ này đã có trang quảng cáo các mặt hàng thuốc, sữa, quán ăn. Phần sau là những tên tuổi gắn liền với sách vở như vua Lê Thánh Tông, Minh mạng, Lê Quý Đôn, cho đến các tác giả hiện đại như Huy Cận, Thiếu Sơn.
"Truyện buồn chẳng có thật đâu (thật đấy)"
Tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện của Daniel Nayeri - tác giả người Mỹ gốc Iran. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống nhiều khó khăn của cậu bé Daniel, khi cùng mẹ và chị gái từ Iran sang Mỹ sống. Cậu bị bạn bè bắt nạt, kỳ thị chủng tộc. Chị gái thì cố gắng làm mọi cách để trông giống như người gốc Mỹ. Mẹ cậu, vốn là bác sĩ, lại làm lao công trong bệnh viện, bị chồng mới bạo hành.
Một lần, cô giáo yêu cầu Daniel đứng trước lớp kể về bản thân và gia đình. Cậu hồi tưởng về tuổi thơ hạnh phúc ở Iran, nơi có căn nhà cũ thơm hương hoa nhài ở thành phố Isfahan, những cung điện. Tác giả nêu bật bi kịch của con người trong xã hội hiện đại, luôn hướng về quê hương. Tác phẩm cũng khắc họa văn hóa, cảnh sắc vùng Trung Đông.
"100 cửa sổ"
Cuốn truyện dài của tác giả Phát Dương, kể về hành trình phiêu lưu của Trinh, cô bé 13 tuổi. Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Trinh được gửi đến nhà bà nội - một phù thủy lưng danh. Căn nhà có 100 cửa sổ thần kỳ, dẫn tới nhiều không gian khác nhau. Trinh và bạn mở tiệm bánh, dùng 100 cửa sổ để giao hàng, hỗ trợ mọi người trong thời dịch.
"Sống cùng nước"
Bút ký của nhà văn Trương Chí Hùng dẫn dắt độc giả vào hành trình khám phá văn hóa và con người ở vùng sông nước miền tây. Ngay từ khi sinh ra, người dân đã thấy dòng sông bên nhà, lớn lên thì bơi xuồng trên kênh rạch, trưởng thành đi xa lại nhớ mùa nước nổi. Nước hòa vào lời ăn tiếng nói, nếp sống, sinh hoạt của mọi người.
Trong sách có đoạn: "Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy nước trên đồng phẳng lặng như mặt hồ, vài sợi bấc hiu hiu se lạnh. Đám sậy bắt đầu trổ bông nhu nhú. Vài con cò xanh nhởn nhơ kiếm mồi trên mấy dề trấp. Má tôi lẩm nhẩm ca rằng:
Con cò xanh nhảy quanh hòn đá
Chờ nước cạn ăn cá ăn tôm..."
"Vương quốc ngộ nghĩnh"
Cuốn truyện của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa kể về vương quốc toàn trẻ em. Tại đây, cư dân tha hồ khám phá, tự do làm những điều yêu thích thích và cả những việc họ ghét, sợ. Không cần bà tiên, ông bụt giúp đỡ, cũng không
bị người lớn rầy la, các em thoải mái sáng tạo nên thế giới thần tiên vui vẻ của mình. Mỗi người đều đặc biệt theo cách riêng và đều được yêu quý.
"Cá linh đi học"
Tác phẩm của nhà văn Lê Quang Trạng, kể về chuyến du ngoạn của chú cá tên Linh Ống. Hàng năm, từ Biển Hồ mênh mông, từng đàn cá linh non sẽ
bơi về hạ lưu. Khi trưởng thành, cá lại rời đồng ruộng, ra sông để trở về Biển Hồ. Suốt hàng ngàn năm qua, bất kể thời tiết, dòng chảy thay đổi ra sao, cá linh vẫn luôn đúng hẹn. Theo tác giả, truyện gửi gắm thông điệp về sự trưởng thành, hiểu biết, mạnh mẽ và giàu yêu thương.
Hiểu Nhân