Trong số 2.000 bức tranh, có những tác phẩm khiến người xem ấn tượng vì sự tỉ mỉ, chỉn chu trong bố cục, màu sắc lẫn ý nghĩa. Bức tranh với thông điệp "ý thức là chính, dương tính không còn" của em Nguyễn Thị Hồng Ánh, 15 tuổi được nhiều độc giả nhận xét là rất có hồn. Trong tranh, Ánh vẽ hình ảnh các y bác sĩ như những siêu anh hùng đang chiến đấu với Covid-19. Phần hồn của bức vẽ được em thể hiện qua ánh mắt quyết tâm, cương nghị của các anh hùng trong bộ đồ bảo hộ.
Cảm động trước hy sinh của anh Vũ Quốc Cường, chủ quán cơm thiện nguyện ở TP HCM, không may qua đời vì Covid-19, em Đoàn Trọng Nghĩa và mẹ đã vẽ bức tranh để tri ân. Nghĩa 8 tuổi, mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển tinh thần. Hoàn thành được một bức tranh với em là điều không tưởng. Mẹ em phải phụ tô màu và không giấu được bất ngờ khi đây là lần đầu cậu bé chịu hợp tác để hoàn thiện một bức tranh.
Các em nhỏ từ hơn 40 tỉnh thành trên cả nước tham gia cuộc thi đều có hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều em vẫn đang chống chọi với bệnh tật, gồng mình trước những cơn đau để giành giật sự sống. Một số kẹt lại bệnh viện, sống xa gia đình hoặc không thể đến viện điều trị vì Covid-19.
Điểm chung của các em là sự hồn nhiên và khát khao một cuộc sống bình yên, không còn đại dịch. Mong ước đó được thể hiện một phần qua bức tranh "Đồng tâm hiệp lực đánh bại Covid" của Đặng Phạm Tuệ Giang, 12 tuổi, Huế.
Em Vũ Ngọc Khánh, 12 tuổi ấn tượng trước những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, dân quân, chiến sĩ công an, bộ đội, tình nguyện viên... khi không quản ngày đêm, mệt nhọc chăm lo cho sức khoẻ, bữa ăn cho người dân. Chính vì thế, em đã vẽ nên bức tranh "Cố lên Việt Nam", thể hiện sự trân trọng của mình trước những nỗ lực của lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến không tiếng súng. Em mong các chiến sĩ, y bác sĩ... luôn bình an và khỏe mạnh để giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch.
Em Hoàng Thị Sơn, 15 tuổi, Quảng Bình phác họa khoảnh khắc các y bác sĩ sải bước vội vã trên hành lang bệnh viện để bước vào cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19. Dù không đặc tả khuôn mặt hay ánh mắt nhưng bức tranh vẫn gợi cảm xúc cho người xem về sự căng thẳng, cam go nhưng cũng đầy quyết tâm và nỗ lực nơi tuyến đầu.
Ở mục sáng tác văn học, em Nguyễn Vũ Duy, 14 tuổi, ở Nam Định là một thí sinh rất tích cực. Mắc u não ác tính nhưng Duy luôn giữ được ý chí mạnh mẽ. Ngay khi biết đến cuộc thi, Duy đã sáng tác rất nhiều bài thơ với mong muốn tiếp thêm động lực cho người dân cả nước.
Trong dáng hình bé nhỏ, cậu bé 14 tuổi chất đầy những tâm tư, tình cảm với quê hương. Những vần thơ em viết ra mang sự trong sáng và hy vọng về tương lai. Trong bài thơ "Niềm tin chiến thắng", Duy viết "Mong sao chiến thắng kẻ thù / Niềm vui lại tỏa nắng thu quê mình / Cùng nhau đón ánh bình minh / Sau mưa lại sáng lung linh sắc vồng".
Lá thư "Hãy sống như đóa hoa" của Nguyễn Huyền Trang, 13 tuổi, ở Tuyên Quang. Trang đang chiến đấu với căn bệnh bạch cầu cấp dòng tủy suốt thời gian qua. Em chưa bao giờ từ bỏ khát vọng sống và làm những điều tốt đẹp cho đời. Em mong được đến trường cùng bạn bè và ước mơ học thật giỏi để trở thành bác sĩ, giúp nhiều người đương đầu với bệnh tật.
Trang viết: "Có người thích hoa hồng, hoa cúc, hoa mai,... nhưng với em nếu được 'sống như một đóa hoa' em sẽ chọn làm hoa hướng dương vì đóa hướng dương mang màu vàng hi vọng và luôn hướng về mặt trời". Em cũng ví những y bác sĩ như những đóa hướng dương, luôn tỏa sáng để mang hy vọng đến với nhiều người.
Bài thơ "Vượt lên số phận" của em Nguyễn Văn Tráng, 13 tuổi, ở Nghệ An lại thể hiện sự biết ơn, trân trọng của bệnh nhi trước sự tận tình của các y bác sĩ. Tráng không may mắc bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh của em khiến cả gia đình lao đao, tưởng như đã mất đi niềm vui trong cuộc sống. Nhưng nhờ các bác sĩ, Tráng lại có thêm niềm tin để tiếp tục hành trình của mình. Em hứa với bản thân sẽ nỗ lực để sau này có thể giúp đỡ cho gia đình và xã hội.
Hơn 2.000 tác phẩm dự thi "Vì một Việt Nam tất thắng" đều mang vẻ đẹp và ý nghĩa riêng. Với nhiều bệnh nhi, vẽ tranh là cách giúp các em cảm thấy thư giãn, thoải mái. Những bức tranh đầy màu sắc là niềm vui nho nhỏ cho các em trong những ngày khó khăn. Bên cạnh đó, những tác phẩm được gửi đến cuộc thi cũng là lời động viên của các em gửi đến người dân cả nước, nhất là với lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên chống dịch.
Độc giả VnExpress có thể bình chọn cho các tác phẩm tham gia cuộc thi. Điểm bình chọn sẽ chiếm 30% tổng điểm của bài thi. Lễ công bố giải thưởng và triển lãm các tác phẩm sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10.
Hoài Phương