Triển lãm trưng bày các tác phẩm của 4 hoạ sĩ và hai nghệ nhân gốm, được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi giám tuyển - họa sĩ Lê Thiết Cương, kéo dài đến hết ngày 20/4. Các nghệ sĩ tham gia chương trình đã tìm được cách khơi nguồn mạch truyền thống để hòa hợp với tư duy gốm hiện đại cho mình. Gốm có thể chuyển tải ngôn ngữ của điêu khắc, của hội họa, thậm chí của sắp đặt chứ không chỉ là gốm của mỹ nghệ và đồ gia dụng. Gốm là một chất liệu quen thuộc, thân thuộc nhưng các tác giả gốm hôm nay đã làm cho gốm khác lạ hơn. Trong ảnh, nghệ nhân Phạm Anh Đạo đang biểu diễn tại triển lãm. Tác phẩm của anh là những vật dụng quen thuộc, gần gũi trong gia đình người Việt truyền thống. Phạm Anh Đạo là một trong những người còn có thể tạo hình sản phẩm bằng kỹ thuật vuốt tay - kỹ thuật cổ truyền của làng Bát Tràng. Gây ấn tượng mạnh ở buổi triển lãm là tác phẩm mang hơi thở Phật giáo của Nguyễn Tuấn. Với tinh thần nghệ thuật hiện đại hòa với hồn cốt của gốm cổ truyền Phù Lãng, tác phẩm của anh được giám tuyển Lê Thiết Cương đánh giá là đẹp và duyên. Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng tham gia trưng bày ba bức mosaic (tranh ghép) từ gốm với tư cách khách mời. Nguyễn Khắc Quân làm gốm điêu khắc với tư duy tạo hình hiện đại, "cắt cảnh" bố cục bạo, tạo ra hiệu quả thẩm mỹ khác lạ. Anh kết hợp hài hòa các thủ pháp kỹ thuật tạo dáng, đắp vuốt, phủ men của nhiều làng nghề gốm. Trong ảnh là tác phẩm bằng men ngọc của Nguyễn Việt. Đây là thứ men công phu nhất trong nghề gốm, hình thành từ thời Lý và luôn là đích đến của bất kỳ ai nặng duyên với nghề. Nguyễn Việt đến với men ngọc cũng đầy thử thách, công phu. Ông đã bỏ ra hơn chục năm để có được những tác phẩm này. Nó như khúc vĩ thanh của một nghệ sĩ nặng lòng với đời. Lê Quốc Việt không làm gốm. Anh chỉ mượn cách nói của gốm để kể một câu chuyện khác. Nghệ nhân đã khoác một lớp áo đương đại lên gốm truyền thống. Người xem có thể nghe thấy cuộc đối thoại giữa truyền thống và hiện đại qua tác phẩm sắp đặt với gốm này. Nguyễn Quang Thu gắn mình với làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phú. Điêu khắc của anh là vẻ đẹp của uốn, nặn, chuốt. Nghệ nhân không chú trọng hình mà tập trung vào dáng, khi co thắt, lúc nở to, khi căng mọng lúc lại buông lỏng tạo ra một giai điệu - gốm với những nhịp tương phản. Ý Ly Ảnh: Tuấn ĐàoNhiều dòng gốm Việt hội tụ trong một triển lãm