Ấn Độ giải cứu nhóm công nhân mắc kẹt trong đường hầm
41 công nhân bị mắc kẹt sau khi hầm đường bộ đang thi công ở khu vực dãy Himalaya tại bang Uttarakhand bị sập hôm 12/11, tạo ra lớp đất đá dày 60 mét bịt kín lối vào đường hầm.
Trong 17 ngày tiếp theo, giới chức Ấn Độ đã triển khai nhiều phương án giải cứu, nhưng gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình và thời tiết. Lực lượng cứu hộ đã đào và thiết lập hai đường ống nhỏ để cung cấp oxy, nước và đồ ăn cho nhóm công nhân.
Đến ngày 27/11, lực lượng cứu hộ phải áp dụng phương pháp "đào hang chuột", đưa nhóm thợ mỏ dùng máy khoan khoét đá, tạo lối mở tới nơi nhóm công nhân mắc kẹt. Lối thoát được tạo thành công vào tối 28/11, giúp nhóm công nhân mắc kẹt được đưa ra ngoài an toàn.
Khoảnh khắc các công nhân mắc kẹt ra khỏi hầm. Video: ANI
"Tôi cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhõm và hạnh phúc khi 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm Silkyara được giải cứu thành công ", Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari nói. "Đây là nỗ lực được phối hợp tốt giữa nhiều cơ quan, là một trong những chiến dịch cứu hộ lớn nhất gần đây".
Khi hay tin chồng mình đã được giải cứu, người vợ Musarrat Jahan cho hay "không lời nào" diễn tả được cảm giác hạnh phúc của cô. "Không chỉ chồng tôi được tái sinh, mà chúng tôi cũng được tái sinh. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên việc đó", Jahan cho hay.
Nạn phá rừng Amazon giảm
Khi Luiz Inacio Lula da Silva nhậm chức Tổng thống Brazil hồi tháng 1, ông đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng ở Amazon, lá phổi của thế giới, vào năm 2030. Những nỗ lực của chính quyền Brazil trong năm qua đã bắt đầu có tác dụng.
![Gỗ bị chặt phá trong rừng Amazon. Ảnh: WWF](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/26/logs-5889-1703561352.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CgvO4yj3VL41_HBBWq7pAw)
Gỗ bị chặt phá trong rừng Amazon. Ảnh: WWF
Hồi tháng 7, chương trình theo dõi phá rừng của cơ quan vũ trụ Brazil INPE thông báo nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức thấp nhất trong 5 năm. Theo chính phủ Brazil, phá rừng giảm đã ngăn phát thải 133 triệu tấn CO2, chiếm 7,5% tổng lượng phát thải của cả đất nước.
Nghệ sĩ đầu tiên được chọn là Nhân vật của năm
Eras Tour của Taylor Swift được Guinness xác nhận là tour diễn lớn nhất lịch sử nhân loại, thu về hơn một tỷ USD. Tính trung bình, mỗi buổi diễn của nữ ca sĩ thu hút hơn 70.000n khán giả, thu về 17 triệu USD, mỗi vé có giá khoảng 238 USD.
Nhờ sức ảnh hưởng của Eras Tour, Taylor Swift được tạp chí Time chọn là Nhân vật của năm 2023, trở thành nghệ sĩ đầu tiên được trao danh hiệu này.
![Taylor Swift trên tạp chí Time, công bố hôm 5/12. Ảnh:Time](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/28/Taylor-Swift-3825-1701872371-5881-1703736283.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xs4zHe_l7IAUkIb6z_PfKg)
Taylor Swift trên tạp chí Time, công bố hôm 5/12. Ảnh:Time
Cô được tổng biên tập của Time gọi là "nguồn ánh sáng tích cực" trong một năm thế giới chứng kiến nhiều khoảng tối bởi chiến tranh, xung đột, chia rẽ. Ca sĩ trở thành biểu tượng "quyền lực mềm" của nước Mỹ, góp phần tạo ra khoảng 5,7 tỷ USD cho nền kinh tế nước này.
Đột phá trong điều trị bệnh Parkinson
2023 đánh dấu một số đột phá trong phát triển và điều trị bệnh Parkinson. Hồi tháng 4, một nhóm nghiên cứu đã giới thiệu kỹ thuật mới có thể xác định sự tích tụ protein bất thường gây Parkinson. Sự tích tụ này là dấu hiệu bệnh lý và phát hiện ra nó có thể giúp chẩn đoán bệnh sớm, trước khi xuất hiện triệu chứng. Cho tới nay, vẫn chưa có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán sớm bệnh Parkinson.
"Xác định một dấu vết sinh học có tác dụng phát hiện bệnh Parkinson mang ý nghĩa sâu sắc đối với cách điều trị, có khả năng giúp chẩn đoán bệnh sớm hơn, xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho các nhóm bệnh nhân khác nhau và tăng tốc thử nghiệm lâm sàng", Andrew Siderowf, đồng tác giả nghiên cứu đang công tác ở Đại học Pennsylvania, Mỹ, nói.
Tháng 11 lại ghi nhận thêm tin vui mới đối với bệnh Parkinson. Một bệnh nhân Parkinson phải nằm nhà nhiều năm đã được cấy giao diện não - máy tính và khôi phục hoàn toàn chức năng đi lại. Thiết bị được cấy bao gồm một điện cực đặt sát vào tủy sống, một máy phát xung điện dưới da bụng, giúp kích thích tủy sống để kích hoạt cơ chân.
Những bức thư tình được mở sau 250 năm
"Em có thể ngồi cả đêm viết thư cho anh. Em mãi là người vợ chung thủy của anh", là những dòng thư bà Marie Dubosc viết gửi chồng là Louis Chamberlain, trung úy trên tàu chiến Pháp Galatee vào năm 1758, nhưng ông Chamberlain chưa bao giờ nhận được.
Lá thư của Dubosc cùng hàng chục lá thư khác đã bị tịch thu khi hải quân Anh bắt con tàu và thủy thủ trên đường từ Bordeaux tới Quebec trong Cuộc chiến 7 năm giữa Anh và Pháp.
Những lá thư được cất trong kho lưu trữ của Anh tới khi giáo sư sử học Renaud Morieux, Đại học Cambridge, mở niêm phong chúng sau 250 năm. Ông Morieux cho hay những lá thư cung cấp cái nhìn sâu sắc hiếm có về cuộc sống của các thủy thủ và gia đình trong những năm 1700.
Tiến bộ về quyền của cộng đồng LGBT+ ở Nhật Bản và Nepal
Quyền lợi của cộng đồng LGBT+ đã được cải thiện ở một số khu vực trên thế giới trong năm nay. Tòa án Tối cao Nhật Bản hồi tháng 7 ra phán quyết mang tính lịch sử, lên án những hạn chế sử dụng nhà vệ sinh mà Bộ Tài chính áp đặt với nhân viên nữ chuyển giới. Phán quyết này được đưa ra sau khi Nhật Bản công bố luật thúc đẩy sự hiểu biết của người dân về cộng đồng thiểu số LGBT+ và bảo vệ họ khỏi phân biệt đối xử.
Tại Nepal, chính quyền đã công nhận cuộc hôn nhân đồng giới đầu tiên là một phụ nữ chuyển giới và một người hợp giới (người có bản dạng giới đồng nhất với giới tính được xác định khi sinh ra). Hai người làm lễ cưới theo nghi thức Hindu năm 2017 và cuộc hôn nhân được củng cố bằng quyết định hồi tháng 6 của Tòa án Tối cao Nepal, khi cho phép các cặp đồng giới đăng ký kết hôn.
"Đấu tranh vì quyền lợi chưa bao giờ dễ dàng. Chúng tôi đã làm được, tạo thuận lợi cho thế hệ tương lai", Ram Bahadur Gurung, một trong hai người, nói. "Việc chính quyền cho phép đăng ký kết hôn đã mở ra nhiều cánh cửa cho chúng tôi".
COP28 thành lập quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cuối tháng 11 bắt đầu bằng một thông báo mang tính lịch sử, đó là thành lập quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại cho các quốc gia dễ bị tổn thương do thảm họa thiên nhiên hoặc chịu tổn thất không thể khắc phục do biến đổi khí hậu.
![Một phiên họp của COP28 ngày 10/12. Ảnh: X/UNFCCC](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/26/GA-TGIfXoAAj9K2-5012-1703561352.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=g8s_1kU-T-eeuZrdh0vF9w)
Một phiên họp của COP28 ngày 10/12. Ảnh: X/UNFCCC
Phương Tây và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã cam kết tài trợ ngay cho quỹ 655 triệu USD. Số tiền này có thể chưa đủ, nhưng là khởi đầu tốt cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của nhân loại, trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng phổ biến trên thế giới.
"Việc thành lập quỹ sẽ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu", Fanny Petitbon, phát ngôn viên nhóm vận động môi trường Care France, nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)