Italy đoạt Cup vàng, còn Đức thành công trong công tác tổ chức. Ảnh: FIFA |
1,63 tỷ euro là khoản tiền khổng lồ mà FIFA đã thu được tại World Cup 2006. Tuy nhiên, tổng số tiền thưởng dành cho 32 đội tham dự chỉ là 169 triệu euro. Trong đó, phần thưởng dành cho đội vô địch là 16,5 triệu, á quân 15,2 triệu. Tất cả các đội tham dự đều được thưởng 4,5 triệu.
Nước chủ nhà đã đầu tư 3,7 tỷ euro để xây mới 370 km đường nhằm phục vụ World Cup lần này. 1,38 tỷ euro để xây dựng mới và cải tạo các SVĐ.
Italy đã trở thành nhà tân vô địch của bóng đá thế giới sau khi vượt qua Pháp trong trận chung kết, nhờ những loạt sút penalty (5-3). Danh hiệu này còn giúp họ trở thành ĐT châu Âu nhiều lần VĐTG nhất (4).
Quả bóng vàng được trao cho Zidane (Pháp) - một quyết định gây tranh cãi tới giờ chưa dứt. Bộ đôi tấn công của nước chủ nhà Đức chia nhau hai giải cá nhân: Chiếc giày vàng thuộc về Klose (5 bàn), còn Podolski được bình chọn là Cầu thủ trẻ hay nhất (ghi 3 bàn). Buffon của Italy được bình chọn là thủ môn hay nhất (chỉ để thủng lưới 2 bàn, trong đó có một bàn phản lưới nhà).
Hiệu suất ghi bàn thấp. Sau 64 trận đấu chỉ có tổng cộng 147 bàn thắng (không tính sút 11m), đạt gần 2,3 bàn mỗi trận. Hiệu suất này chỉ nhỉnh hơn ở World Cup năm 1990 (2,21 bàn).
Ronaldo lập kỷ lục ghi bàn mới tại các kỳ World Cup. Với 3 bàn thắng có được tại giải đấu năm nay, tiền đạo người Brazil này đã có tổng cộng 15 bàn thắng (sau khi tham dự 3 kỳ Cup 1998, 2002, và 2006), vượt qua kỷ lục 14 bàn của Gerd Mueller được xác lập cách đây 32 năm (sau khi tham dự 2 kỳ Cup 1970, 1974).
Thụy Sĩ đã xác lập được hai kỷ lục mới tại các kỳ World Cup sau trận gặp Ukraine. Lần đầu tiên trong 76 năm lịch sử của giải, có một ĐT không để thủng lưới trong tất cả các trận đấu tại một kỳ World Cup. Họ cũng trở thành đội tuyển đầu tiên không ghi được bàn nào trong một loạt sút luân lưu khi để thua trắng 0-3.
Với 8 thẻ vàng và 4 thẻ đỏ gián tiếp dành cho Costinha, Deco, Boulahrouz, Bronckhorst, trận đấu Bồ Đào Nha – Hà Lan (1-0) đã trở thành trận đấu có nhiều thẻ đỏ nhất trong lịch sử các vòng chung kết bóng đá thế giới. Điều khiển trận đấu này là trọng tài Ivanov (người Nga).
Đức đã vượt qua thành tích của Mexico để trở thành ĐT đầu tiên được đá ở 4 trận khai mạc (năm 1938, 1978, 1994 và 2006).
Trận đấu mở màn giữa Đức – Costa Rica (4-2) là trận đấu khai mạc có nhiều bàn thắng thứ hai ở một kỳ World Cup. Đứng đầu là trận Italy - Mỹ (7-1) ở World Cup 1934, tuy nhiên, đây không phải là trận khai mạc chính thức của kỳ Cup thế giới năm đó.
Bàn thắng đầu tiên của World Cup năm nay được ghi do công của Phillip Lahm, ở phút thứ 6 trong trận khai mạc Đức – Costa Rica (4-2).
Bàn đá phản lưới nhà đầu tiên của giải năm nay được ghi do "công" của Carlos Gamarra trong trận đấu vòng bảng giữa Anh – Paraguay (1-0). Đây cũng là pha đá phản lưới nhà sớm nhất trong lịch sử các kỳ World Cup, phút thứ 3.
Cầu thủ đầu tiên bị đuổi khỏi sân sau khi phải nhận thẻ vàng thứ 2 là Avery John của Trinidad&Tobago, phút 46 trong trận gặp Thụy Điển (0-0).
Bàn thắng đầu tiên được thực hiện trên chấm 11 m là ở trận Tây Ban Nha - Ukraine (4-0), được ghi do công của David Villa trong tình huống anh này nâng tỷ số lên 3-0.
Cầu thủ phải nhận chiếc thẻ đỏ trực tiếp đầu tiên là Wladyslaw Waschtschuks của Ukraine, trong trận gặp Tây Ban Nha.
Bàn thắng sớm nhất của giải năm nay được ghi ở giây 67, do công của Asamoah Gyan trong trận gặp CH Czech (2-0). Bàn thắng sớm nhất trong lịch sử các vòng chung kết bóng đá thế giới vẫn thuộc về Hakan Sukur (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong trận gặp Hàn Quốc ở World Cup 2002, anh đã ghi bàn ngay ở giây thứ 11 của trận đấu.
Bàn thắng mà tuyển thủ người Thụy Điển, Marcus Allbaeck, ghi được ở phút 51 trong trận gặp Anh là thứ 2000 tại các kỳ World Cup.
Bàn thắng thứ 100 của giải đấu năm nay được ghi do công của Clint Dempsey (Mỹ) trong trận thua 1-2 trước Ghana.
Josip Simunic (Croatia) được nhận tới 3 chiếc thẻ vàng từ trọng tài Poll, rồi mới bị truất quyền thi đấu – sai lầm khiến ông vua sân cỏ người Anh phải về nước sớm.
Thụy Sĩ là đội tuyển duy nhất không để thủng lưới ở cả ba trận đấu vòng bảng. Còn đội để thủng lưới nhiều nhất vòng bảng là Serbia & Montenegro, với 10 bàn thua.
Ghi được 5 bàn thắng nhưng Bờ Biển Ngà thì bị loại ngay khi vòng bảng kết thúc, còn Pháp, Hà Lan, và Thụy Điển thì đều được lọt vào vòng hai, chỉ với 3 bàn thắng có được sau 3 trận.
Đức, Argentina, và Tây Ban Nha là 3 đội có nhiều bàn thắng nhất sau khi kết thúc vòng đấu bảng (8 bàn). Trong khi đó, Trinidad & Tobago là đội duy nhất không một lần chọc thủng lưới đối phương.
Trận đấu đầu tiên phải sử dụng đến hiệp phụ là trận tứ kết Argentina – Mexico. Trận đấu này kết thúc với tỷ số 2-1 nghiêng về Argentina, nhờ pha làm bàn quyết định của Maxi ở phút thứ 98.
* Những cái nhất tại World Cup 2006 |
* World Cup 2006 từ A đến Z |
Doãn Mạnh tổng hợp