Nguyễn Ngọc Hương - cô gái huyện Củ Chi, TP HCM thành công với ý tưởng mô hình trang trại rau má và bột rau sấy lạnh xuất khẩu thu gần 4,5 tỷ lợi nhuận mỗi năm là một trong những startup trẻ bước ra từ môi trường học trực tuyến.
Nữ startup nhớ lại, thời điểm năm 2008, khái niệm học trực tuyến vẫn còn mới lạ, nhất là với những học sinh vùng huyện, nông thôn như cô. May mắn, Hương được biết đến hình thức này qua một người bạn ở thành phố. Với tài sản quý khi đó là chiếc máy tính cũ, mỗi ngày sau giờ học trên lớp, Hương lại lên mạng mày mò và học qua các bài giảng trực tuyến môn Văn, Toán, tiếng Anh...
Lúc mới học, Hương thường không duy trì tốt phong độ. Sau mỗi lần dở dang, cô phải bắt đầu lại với thời gian dài hơn. Đến khi tìm thấy khóa học môn Hóa của thầy Vũ Khắc Ngọc, Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn, Hương đã biết cách chia nhỏ mục tiêu theo ngày (liên tục 3 ngày, liên tục 5 ngày, liên tục 7 ngày...) và học hiệu quả hơn hẳn.
"Dần dần, sự chủ động, tự giác, kiên trì trong tôi được hình thành cùng lượng kiến thức vững chắc. Điều đó khiến tôi thấy việc học online trở nên thú vị hơn", Hương nói.
Ngoài học các môn văn hóa, sau khi tốt nghiệp, Hương cho biết, cô thường xuyên mạng tìm hiểu các kiến thức liên quan đến nông nghiệp, các mô hình trang trại ở Việt Nam và trên thế giới... để phục vụ dự án khởi nghiệp của mình.
Nói về việc là con gái nhưng lại chọn khởi nghiệp bằng lĩnh vực nông nghiệp, Ngọc Hương cho rằng, nếu đã có ý tưởng, có đam mê và ý chí, thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hay lĩnh vực gì đều có thể làm tốt.
Bên cạnh Ngọc Hương, chàng trai Đoàn Văn Phú (sinh viên năm 3, khoa Kiểm Toán - Kế Toán, trường Đại học Kinh tế - Luật ) - quán quân cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp SV.Startup 2018, giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2018 cũng là nhân vật tiếp thêm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ học trực tuyến.
"Là người yêu thích công nghệ, nên việc tận dụng sức mạnh công nghệ số vào học tập là cách để tôi tìm tòi, khám phá kiến thức. Đặc biệt, học trực tuyến là một trong những phương thức tôi tận dụng tối đa bởi sự cơ động về thời gian, không gian, địa điểm học", Phú chia sẻ.
Cũng như Ngọc Hương, Vinh Phú yêu thích môn Hóa. Mỗi ngày, nam sinh đều dành hai tiếng để học các video bài giảng trực tuyến môn Hóa của thầy Vũ Khắc Ngọc. Hai tháng trước khi thi đại học, Phú giảm dần các tiết học thêm trên lớp và hầu như dành 90% thời gian tự học, tự nghiên cứu kiến thức trên các bài giảng trực tuyến.
"Cách học này đã thay đổi tôi rất nhiều, đó là sự chủ động học mọi lúc theo quỹ thời gian của bản thân, tự tiếp xúc tìm hiểu kiến thức, tài liệu thông qua công nghệ. Hiện giờ, dù sắp tốt nghiệp đại học, tôi vẫn học trực tuyến", chàng sinh viên Đại học Kinh tế - Luật cho biết.
Mặc dù ra đời khá muộn so với các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, phương thức dạy và học trực tuyến đã nhanh chóng thu hút sự đón nhận của học sinh, sinh viên.
Theo số liệu thống kê của University World News năm 2017, châu Á là thị trường lớn thứ hai thế giới về đào tạo trực tuyến và Việt Nam đứng trong top 10 các nước châu Á phát triển lĩnh vực này. Theo số liệu của Ambient Insight, tốc độ tăng trưởng về học trực tuyến tại Việt Nam đạt ngưỡng cao nhất (với 44,3%), lớn hơn 4,9% so với Malaysia - một đất nước vốn đã phát triển về lĩnh vực giáo dục trực tuyến.
Chỉ tính riêng tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn, đến năm 2019, đã có gần 3,5 triệu thành viên tham gia học tập trực tuyến từ bậc tiểu học cho đến THPT, tăng hơn 10% so với năm 2018. Mỗi năm hệ thống có hơn 11.000 bài giảng trực tuyến được xuất bản, 1.000 khóa học với hơn 200 giáo viên giảng dạy. Ở bậc đại học, FUNiX - thành lập năm 2015, cũng là trường đại học trực tuyến đầu tiên của cả nước với hơn 1.000 sinh viên đang theo học.
Với hình thức học tập này, học sinh có thể chủ động lựa chọn bài giảng có sẵn trên mạng theo nhu cầu, học lực của bản thân. Các em còn có thể lựa chọn giáo viên thích hợp, tương tác với giáo viên và học mọi lúc chỉ cần thông qua nền tảng Internet và thiết bị công nghệ. Yêu cầu về tính chủ động cao là đặc trưng của hình thức học tập này.
Thế Đan