"Năm 12 tuổi, Mạnh bỗng bị ngứa ở cậu nhỏ. Gãi suốt mà không hết ngứa" - chị Thu Hòa kể lại những thay đổi của con trai trong một buổi nói chuyện "Nói với con về tình dục" của Dự án SexEdu thuộc Trung tâm trẻ em và phát triển.
Thời đó, chị Hòa và chồng đi làm ăn xa, Mạnh sống với bà nội từ nhỏ. Thấy cháu liên tục đưa tay gãi phía trước quần, bà nội lo lắng, trách cháu không vệ sinh sạch sẽ vùng kín, giờ viêm nhiễm. "Chẳng nhẽ giờ đến tắm tôi cũng phải lo cho anh", bà trách rồi yêu cầu cháu ngày phải rửa ráy ba lần. Dù vậy những cơn ngứa không từ bỏ Mạnh. "Chắc mày bị dị ứng cháu ạ", bà nội tặc lưỡi rồi đi mua tuýp thuốc chuyên trị ngứa ngoài da.
Theo hướng dẫn của người bán, mỗi ngày cậu bé 12 tuổi đều bôi 3 lần sau khi vệ sinh sạch sẽ. Ngày đầu không tác dụng, bà đổi thuốc khác cũng không ăn thua. "Mày mắc bệnh gì lạ vậy cháu", bà than.
Nói chuyện với hàng xóm, bà nội được người ta mách cách bấm huyệt trị ngứa. Vài đường cơ bản học được, bà gọi cháu trai lại thực hành. "Đỡ hơn bà ạ", Mạnh thành thật. Tuy nhiên sau vài tiếng, những cơn ngứa quay lại hành hạ.
Thấy cháu bôi thuốc mãi không khỏi, bà nội gọi điện cho chị Hòa báo cáo tình hình. Sau khi biết chuyện, người mẹ bố trí về nhà xem sức khỏe của con. Thấy Mạnh vẫn khỏe mạnh, chị thì thầm vào tai: "Đợi một thời gian nữa xem bộ ấm chén có khác biệt gì không thì kể mẹ nghe nhé". Năm ngày sau, Mạnh gọi điện cho mẹ, nhỏ giọng: "Có một cái lông mọc ở chỗ đó mẹ ạ". Nghe con nói, chị Thu Hòa cười động viên: "Con thành chuẩn men rồi đó".
Trong chuyện kể của cô giáo Lê Phương Anh - một giáo viên chủ nhiệm cấp 2 tại quận Đống Đa, Hùng Dũng là một trường hợp đặc biệt.
"Cậu bé bắt đầu dậy thì từ 12 tuổi, khá sớm so với bạn cùng trang lứa, bởi vậy Dũng giấu kín, sợ bị mọi người biết", cô Phương Anh kể.
Ngay từ đầu năm lớp 6, Dũng bắt đầu mọc những chiếc lông đầu tiên ở bộ phận sinh dục. Sau khi tìm hiểu, cậu biết mình đang có dấu hiệu đầu tiên bước vào giai đoạn dậy thì. Nhưng điều này không làm Dũng vui. "Thường con trai 14-15 tuổi mới bắt đầu dậy thì. Hay mình bị bệnh", cậu viết trong nhật ký.
Không chỉ có những chiếc lông mu, trên cằm và nách sau một thời gian cũng xuất hiện những sợi đen mà Dũng "ghét cay ghét đắng". Để người khác không biết mình "có lông" sớm, Dũng mua dao nhíp, cạo sạch lông nách và râu để không ai phát hiện ra.
Nhưng càng cạo, những chiếc lông mọc lên sau đó càng cứng, khiến cậu gãi tím người. Nhiều khi đang ở trên lớp, Dũng phải xin ra ngoài gãi cho đã. "Làm người lớn sao khổ thế này", cậu than.
Ở nhà, mỗi khi chui vào phòng vệ sinh, sợ mọi người để ý, cậu lấy dao cạo lướt nhanh, nhiều lúc còn gây chảy máu cằm và nách.
Chiếc cằm lún phún của Dũng rồi cũng bị đám con trai trong lớp phát hiện ra. Chúng bắt đầu bàn tán rôm rả, hỏi cảm giác trở thành người lớn thế nào khiến cậu đỏ mặt. Nhiều lúc chơi đùa, cả lũ còn hò nhau chơi trò khám người, cốt để xem Dũng có gì khác biệt so với chúng. "Xấu hổ lắm. Bao nhiêu ngày giấu kín rồi cũng bị bọn con trai làm lộ ra hết. Các bạn gái cũng nhìn em đề phòng hơn", Dũng chia sẻ.
Bạn bè trêu nhiều, Dũng sống thu mình, sức học cũng giảm sút. Sau khi nói chuyện, cô Phương Anh phát hiện ra nguyên nhân và tặng cậu vài cuốn sách nói với về Tuổi dậy thì của con trai.
"Ở tuổi này các em cần nhận được tư vấn về sinh lý từ người lớn, nếu không rất dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tuổi dậy thì, giống như Dũng", cô Phương Anh nói.
Bà Phí Mai Chi - Sáng lập Dự án Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện SexEdu tư vấn, khi bé trai trên 10 tuổi "ngứa ở cậu nhỏ", cha mẹ và người lớn gần gũi trẻ cần nghĩ đến việc có thể trẻ bắt đầu mọc lông mu - một trong những biểu hiện của giai đoạn dậy thì.
Việc trẻ thiếu hiểu biết về mọc lông ở bộ phận sinh dục và giáo dục không phù hợp trong giai đoạn dậy thì dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe và cản trở việc xây dựng mối quan hệ, hình thành nhân cách xã hội của trẻ, như trong trường hợp của bạn Mạnh và Dũng đã nêu trên.
Thiếu hiểu biết về vấn đề này có thể đưa trẻ vào những ứng xử chưa phù hợp, ví dụ lầm tưởng sang việc viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục nên dùng thuốc trị bệnh không phù hợp hay trẻ có nguy cơ đối mặt với bắt nạt học đường do bị bạn bè trêu trọc. Thậm chí, trẻ có các cảm xúc tiêu cực nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến căng thẳng, ảnh hưởng kết quả học tập.
Theo bà Mai Chi, việc trò chuyện với trẻ về sự thay đổi trên cơ thể là vô cùng quan trọng. Kiến thức về thay đổi cơ thể trẻ có thể học được ở trên lớp hoặc cha mẹ mua sách vở, chỉ dẫn con xem thông tin trên mạng.... Tuy nhiên trẻ vẫn luôn phải đối mặt với cảm xúc bản thân, làm quen sự thay đổi cơ thể với các câu hỏi: "Việc này có bình thường không? Mọc lông như thế này là nhiều hay ít? Có bạn nào giống mình không? Mình có nên hỏi chuyện chúng nó?"...
Thường thì trẻ sẽ âm thầm quan sát các bạn, đặc biệt khi đi vệ sinh ở nơi công cộng tại trường học, hoặc tạo ra các cuộc thảo luận qua trêu chọc nhau để thăm dò thông tin. Mặc dù vậy, mỗi trẻ sẽ có thời điểm dậy thì, cảm nhận rất khác nhau về cơ thể. Vì vậy việc trò chuyện với trẻ giúp trẻ:
* Học kỹ năng quan sát bản thân. Chỉ báo để phân biệt giữa việc mọc lông mu ở trẻ hay bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục là trò chuyện với trẻ xem bìu của bộ phận sinh dục nam có phát triển to lên không? Hỏi trẻ chính xác vị trí gây ngứa, giúp trẻ quan sát có dấu hiêu lông mọc ở mu và 2 bên vùng bẹn không? Nếu tiếp cận nguồn thông tin đúng và đủ do cha mẹ hoặc thầy cô giáo cung cấp, trẻ sẽ tự tin quan sát cơ thể. Tránh các thông tin chưa được kiểm chứng trôi nổi trên mạng gây lầm tưởng như bạn Dũng "thường con trai 14-15 tuổi mới bắt đầu dậy thì".
Đối với các bậc phụ huynh, vị chuyên gia này tư vấn, người lớn có thể hướng dẫn trẻ quan sát:
Nhận biết sự thay đổi trong kích thước của dương vật và bìu. Tinh hoàn của trẻ gia tăng kích thước trong quá trình lớn lên nhưng nhanh nhất vào giai đoạn dậy thì. Không dễ dàng nhận ra nhưng có thể hướng dẫn trẻ quan sát sự thay đổi kích thước khiến tinh hoàn sa xuống bìu làm nó to ra. Trong khoảng một năm sau khi tinh hoàn gia tăng kích cỡ, dương vật và bìu cũng sẽ bắt đầu phát triển.
Quan sát sự phát triển của lông trên cơ thể. Một khi tinh hoàn phát triển thì đó là dấu hiệu cho biết lông ở các bộ phận kín trên cơ thể bắt đầu mọc. Lông trên cơ thể của mỗi người sẽ mọc rậm hay thưa ở mức độ khác nhau. Lông mọc ở vùng kín có thể đậm, cứng và xoăn hơn ở vùng khác. Lông có thể mọc dày hơn khắp vùng bẹn và mu sau khi xuất tinh lần đầu. Thường trong vòng 2 năm sau khi xuất hiện lông vùng kín thì lông mặt và lông nách mới bắt đầu phát triển.
Trấn an những lo lắng của trẻ về cơ thể. Nếu trẻ biết rõ lộ trình phát triển của những chiếc lông, cách nhận biết những bất thường thì những nỗi lo về cơ thể sẽ giảm bớt, quá trình làm quen với cơ thể mới sẽ bớt hoang mang hơn.
Tranh thủ cơ hội giáo dục trẻ về giới tính và tình dục có liên quan: như hướng dẫn trẻ ứng phó với cơn ngứa một cách có chủ đích, tránh việc có hành động không phù hợp ở nơi công cộng khiến cho trẻ bối rối, trở thành mục tiêu công kích, trêu đùa của bạn bè. Giáo dục trẻ cách chăm sóc cơ thể như ứng xử với mùi hôi cơ thể, vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách, có thể kéo được bao quy đầu ra khi đi tiểu hoặc trong khi tắm để làm sạch, xử lý giấc mơ ướt (mộng tinh) nếu có....
Hải Hiền