Trong khoa chuyên ngành Hán Nôm, khoa ngữ văn ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH & NV) TP HCM, sư Lệ Trường vẫn được thầy cô, bạn bè gọi là Phạm Công Thạnh, theo đúng tên đăng ký trong hồ sơ nhập học.
Trong chiếc áo nhật bình hai vạt, chùng qua gối màu lam, sư Lệ Trường cho biết, mỗi ngày, thầy phải dậy từ 3 giờ sáng, gõ mõ, tụng kinh, lo quét dọn chùa cho sạch sẽ, rồi mới tới trường. "Hồi mới theo học tôi cũng ngại ngần vì là người tu hành, quần áo lụng thụng, đầu tóc không giống ai, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp ánh mắt tò mò của các bạn. Về sau, các sinh viên nữ bạo dạn, hay trêu ghẹo tôi lắm. Ban đầu thì ngượng chín người nhưng mãi rồi cũng quen. Bây giờ, hầu như cuộc vui nào của lớp tôi cũng tham gia", sư Trường chia sẻ.
Sư thầy Lệ Tường "lướt web" cùng các bạn tại giảng đường. Ảnh: L.H. |
Giống như bao bạn khác, sư Lệ Trường chật vật chống đỡ với "bão giá" đang hoành hành. Quãng đường từ nơi tu hành là chùa Chơn Giác (huyện Nhà Bè) tới trường cả 20 km, nên chạy xe máy hết nhiều xăng. Còn cơm chay quanh trường chỉ có nhiều trong những nhà hàng cao cấp, nên sinh viên là người tu hành như thầy Trường gặp nhiều khó khăn.
Thầy cho biết, chi tiêu dè sẻn lắm vẫn tốn không dưới 50.000 đồng mỗi ngày, còn học phí thì đóng 2,5 triệu đồng mỗi năm. Để đảm bảo cuộc sống và duy trì khóa học, nhà sư Lệ Trường cho biết "phải chạy sô" dạy tiếng Trung tại các Trung tâm ngoại ngữ.
"Người tu hành ngày nay không chỉ thông tuệ về kinh kệ, giáo lý, mà cần có kiến thức sâu rộng nhiều mặt lĩnh vực, tinh thông nghề nghiệp để tư vấn cho phật tử", sư Lệ Trường nói và hồ hởi khoe đề tài nghiên cứu về Văn hóa đồng bằng sông Cửu Long của nhóm thầy mới giành giải ba sinh viên nghiên cứu khoa học.
Còn thầy Đoàn Công Tâm, pháp danh Quảng Thành, hiện là sinh viên ngành Xã hội học thì cho rằng "không có khoảng cách với các sinh viên bình thường khác", chỉ có vẻ như vất vả hơn, do khác biệt chuyện ăn uống. "Chẳng hạn, mỗi lần đi thực tập xa, sinh viên tu hành thường phải mang theo cả nồi niêu, xoong chảo, lương thực, để nấu đồ ăn riêng", thầy Thành chia sẻ.
Dù ăn chay trường, nhưng do luyện khí công từ nhỏ, nên sư Quảng Thành trông hồng hào, rắn rỏi, năng động không kém những sinh viên cùng lớp. Sinh viên này kể, do hồi nhỏ có một vết bớt ở chân, nên bố mẹ gửi vào chùa Khánh Thiện (Long Khánh, Đồng Nai) từ năm 7 tuổi và ở chùa cho tới nay. Trước khi theo học cử nhân xã hội học, thầy Thành đã tốt nghiệp Cao Đẳng Phật học, và nhiều khóa học Tin học, ngoại ngữ ngắn hạn.
"Đôi khi cũng có trường hợp sư thầy được nữ sinh viên cảm mến đặc biệt, nhưng người tu hành có những giá trị, đạo lý định sẵn, chúng tôi không được phép phá vỡ, nên các em cũng tự hiểu, tự giữ khoảng cách", thầy Quảng Thành ngượng ngùng bật mí.
Ghi nhận của VnExpress, các "sinh viên đặc biệt" này theo học nhiều tại ĐH như KHXH & NV, Sư phạm TP HCM, trường Dự bị ĐH thành phố... với các ngành có liên quan mật thiết với Phật giáo mà họ theo học như chuyên ngành Hán Nôm, Ngữ văn Trung Quốc, Xã hội học, Đông Phương học, Triết học...
Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên ĐH KHXH & NV - Nguyễn Thị Kim Loan cho biết, năm học nào trường cũng có gần 20 sinh viên tu hành trúng tuyển vào các hệ.
"Các em này phải thi tuyển đầu vào, chấp hành mọi nội quy, yêu cầu của nhà trường như các sinh viên khác, không có ưu tiên đặc biệt. Đôi khi sinh viên tu hành cũng có quậy những trò "nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò" như trốn tiết, quay bài, thi rớt... nhưng đa số ngoan, học giỏi", bà Loan nhận xét.
Nhiều sinh viên cũng phản ánh, có trường hợp nhà sư bị ảnh hưởng những tật xấu của các sinh viên bình thường. Thậm chí nhiều người trong số họ tu bỏ chùa, bỏ đạo để hoàn tục sau khi tốt nghiệp ĐH.
Theo giáo viên, trợ giảng Xã hội học, Phạm Thị Tâm, chính chị đã chứng kiến trường hợp một sư thầy năm thứ nhất sống rất điều độ, hòa nhã. Nhưng từ năm thứ 2 trở đi thì không mặc áo tu nữa, nuôi lại tóc, để râu, tán tỉnh các bạn gái, học hành sa sút rồi bỏ hẳn con đường tu hành.
"Cũng khó cho các sinh viên tu hành, vì hầu hết đều đang trong độ tuổi thanh niên, lại bị "thử lửa" trong môi trường cùng các sinh viên trong độ tuổi, tập trung nhiều mặt tốt, lẫn xấu. Mong rằng, dù hoàn tục, nhưng họ vẫn áp dụng được những nét tốt đẹp của Đạo Phật vào cuộc sống", giảng viên trẻ Tâm chia sẻ.
Lan Hương