Năm 2012, nữ sinh lúc ấy 18 tuổi đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại học và được nhận vào Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu Trung Quốc.
Suốt mùa hè đó, Tang đắm chìm trong lời khen của gia đình, bạn bè và mơ về những cơ hội phía trước. Tháng 9/2012, cô lên đường, bắt đầu cuộc sống mới.
Mới vài tuần trôi qua, Tang đã thấy lạc lõng.
Với một cô bé xuất thân nông thôn, siêu đô thị cách quê nhà 2.000 km như vùng đất ngoài hành tinh. Tang không biết đi tàu điện ngầm, chẳng bao giờ ăn bánh trứng và bối rối khi ngắm những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Trên tất cả, Tang không thể hòa nhập với bạn bè cùng lớp, hầu hết sinh ra và lớn lên ở thành phố.
"Giữa tôi và các bạn từ thành thị có khoảng cách rất lớn về tư duy. Thật khó chấp nhận điều đó", Tang nói.
Giờ đây, ở tuổi 26, Tang vẫn thấy quãng thời thời gian ở Đại học Phúc Đán thật khó khăn. Nó vừa mở rộng tầm mắt của cô, nhưng cũng khiến cô tự ti hơn. Nhưng Tang biết rằng mình không phải trường hợp duy nhất như thế.
Tháng 5/2020, Tang tình cờ làm quen với một nhóm người tự nhận là "chuyên gia thi cử từ nhà quê" trên mạng xã hội. Giống Tang, họ là người nông thôn, vào đại học lớn nhờ điểm cao và chung nỗi thất vọng không thể hòa nhập.
Trong nhóm, một blogger có biệt danh Wryly mô tả hành trình từ học sinh giỏi nhất cấp ba đến kẻ thất bại ở đại học của mình. Suốt tuổi thơ, anh chỉ biết nhồi nhét kiến thức nên không thể thích ứng với cuộc sống ở đại học, nơi thành công không chỉ phụ thuộc vào bài vở. Kết quả, anh trở nên "bất lực và hoang mang".
Ra trường, Wryly trở thành nhân viên dịch vụ dân sự bởi ngành này chỉ tuyển chọn dựa trên các bài kiểm tra giấy. "Đó có lẽ là định mệnh dành cho các 'chuyên gia thi cử từ nhà quê'", anh này nói.
Ngoài nhóm "chuyên gia thi cử từ nhà quê", còn có nhóm "Những kẻ thua cuộc ở các trường đại học 985 (ám chỉ nhóm các đại học hàng đầu Trung Quốc)". Từ khi thành lập vào tháng 5, mỗi ngày, nhóm này thu hút hơn 1.000 thành viên mới.
Dù chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy giáo dục ở nông thôn, khoảng cách giữa khu vực này với các thành phố vẫn còn lớn. Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 4, ở thành phố, hai phần ba học sinh cấp ba chào đời trong thập niên 1990 vào đại học. Con số này đối với các học sinh ở nông thôn chỉ là một phần ba. Tuy nhiên, kể cả khi vượt qua kỳ thi đại học khắc nghiệt (cao khảo), họ vẫn vấp phải các rào cản vô hình khác.
Đã hơn 10 năm kể từ ngày vào đại học, Rebecca vẫn cảm thấy nhói lòng khi đọc chia sẻ của các "chuyên gia thi cử từ nhà quê" trên mạng xã hội.
"Đó cũng chính là câu chuyện của tôi", người phụ nữ 30 tuổi trải lòng. "Suốt những năm qua, tôi phải chịu đựng những cảm xúc mâu thuẫn: vừa thấy vượt trội vừa thấy kém cỏi".
Lớn lên ở vùng quê hẻo lánh phía nam tỉnh Quảng Đông, Rebecca từ nhỏ đã tin rằng con đường duy nhất để đổi đời là học giỏi, điểm cao. "Tôi hoàn toàn bị chi phối bởi thứ hạng và điểm số. Tôi cảm thấy đó là toàn bộ thế giới của mình", Rebecca giãi bày.
Cứ khi nào thăng hạng ở lớp, Rebecca lại cảm thấy mình "đứng trên đỉnh thế giới". Ngược lại, chỉ cần làm hỏng một bài kiểm tra, cô sẽ suy sụp. Sau khi hoàn thành không tốt bài kiểm tra vật lý ở cấp hai, đứa trẻ ngày đó viết trong nhật ký: "Tôi sẽ chết".
Dù sao, sự chăm chỉ cũng được đền đáp. Trong kỳ thi cao khảo, Rebecca nằm trong top 200 trên tổng số 240.000 thí sinh ngành nghệ thuật tự do ở Quảng Đông và giành suất vào đại học thuộc top 10 ở miền nam Trung Quốc.
Bắt đầu đại học, Rebecca nhanh chóng nhận ra suốt 10 năm, cô chỉ đâm đầu học còn bạn cùng lớp đã chuẩn bị cả kỹ năng sống.
"Khác với cấp ba, đại học là thời kỳ chuyển giao để bước ra xã hội. Bạn sẽ bị đánh giá dựa trên trí tuệ cảm xúc, khả năng kết nối và thậm chí cả ngoại hình", Rebecca nói. "So với thi cử, những cái đó không dễ để cải thiện".
Năm thứ hai đại học, Rebecca thất bại ê chề trong cuộc bầu cử hội sinh viên của trường. Cô không có chút cơ hội nào trước các đối thủ bởi chưa từng tổ chức các sự kiện lớn hay cuộc thi của trường, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc mang đồ ngọt và nước uống tới các cuộc họp.
Liu Haifeng, giáo sư nghệ thuật cao cấp ở Đại học Chiết Giang cho biết khi lên lớp, ông dễ dàng nhìn rõ sự khác biệt về xuất thân của các sinh viên. Những sinh viên từ gia đình trung lưu du lịch nước ngoài và tạo dựng các mối quan hệ xã hội, còn những sinh viên xuất thân nông thôn chỉ biết đi học.
"Khoảng cách này không phải về trí thông minh mà là kinh nghiệm xã hội", Liu nhận định. "Nền tảng gia đình, tình trạng kinh tế và hiểu biết văn hóa đều quan trọng. Ở đại học, nơi đề cao sự độc lập và chủ động, những hạn chế của các 'chuyên gia thi cử' sẽ bị phơi bày".
Đối với Tang, cựu sinh viên đại học Phúc Đán, lớp học là nơi khiến cô cảm thấy khổ sở nhất. Cô học cách thích bánh trứng và nghệ thuật đương đại, nhưng vẫn không biết cách sử dụng công cụ tìm kiếm hay làm thế nào để chuẩn bị một bài thuyết trình.
Khoảnh khắc nhục nhã nhất của Tang xảy ra ở lớp tiếng Anh. Thời cấp ba, tiếng Anh là môn cô học khá nhất. Lên đại học, cô chỉ biết ngồi im, nhìn bạn bè thoải mái giao tiếp bằng ngoại ngữ với thầy cô.
"Tôi từng tự hào về tiếng Anh của mình. Tôi làm đúng tất cả các bài trong sách giáo khoa và luôn luôn đạt điểm thi cao nhất", Tang nói. "Ở đây, tôi thất bại hoàn toàn. Tôi chẳng có gì nổi bật".
Tang nhận ra điểm số không đảm bảo cho thành công ngoài đời. Cuối chương trình đại học, cô là một trong hai người đứng cuối lớp và muốn chuyển sang học thạc sĩ ngành triết học. Nhưng muốn vậy, cô phải xây dựng mối quan hệ với các giáo viên dạy triết.
Suốt nhiều tuần, Tang tham dự các lớp triết nhưng không bao giờ đủ can đảm để nói chuyện với thầy cô. Luôn luôn rời lớp học trong im lặng, Tang rốt cuộc không được học thạc sĩ triết.
"Nhiều mối quan hệ là nhiều cơ hội. Nhưng kể cả khi biết điều đó, tôi vẫn không dám làm. Tôi cảm thấy thật xấu hổ", Tang bộc bạch.
Đối với các "chuyên gia thi cử", những nhược điểm trên có tác động lâu dài. Theo khảo sát năm 2018, sinh viên mới tốt nghiệp xuất thân từ nông thôn kiếm khoảng 4.469 tệ (675 USD) mỗi tháng, ít hơn mức trung bình của sinh viên xuất thân thành thị 287 tệ.
Rời đại học, Tang trở thành chuyên viên tư vấn du học ở Thượng Hải và càng thấy rõ sự khác biệt tuổi thơ giữa mình với khách hàng.
"Nhiều em xuất thân giàu có được giáo sư từ Mỹ hướng dẫn đọc sách và nghiên cứu. Quê tôi thì chỉ có một hiệu sách rộng 20 m2", cô gái nói.
Rebecca thì mất hai năm để chấp nhận sự thật rằng mình không còn ở vị trí ngôi sao mà chỉ là một người hướng nội mờ nhạt. Tuy vậy, cô tìm ra cách tận dụng bất lợi của mình.
Rebecca quyết định tập trung vào tài chính, một lĩnh vực đòi hỏi sự chăm chỉ và tìm tòi phương pháp. Suy nghĩ về cách kiếm việc, cô kết luận rằng tốt nhất là giữ điểm thật cao, lấy bằng Chứng nhận Kế toán Thực hành và thực tập ở các công ty.
"Tôi tập trung vào mục tiêu và hoàn thành từng nhiệm vụ một, giống như khi chuẩn bị cho kỳ thi đại học", Rebecca phân tích. Hiện nay, cô là quản lý bộ phận tài chính thuộc top 500 công ty do tạp chí Fortune bình chọn.
Dù vấp phải hàng loạt khó khăn, Rebecca vẫn cho rằng trở thành "chuyên gia thi cử" là lựa chọn tốt nhất đối với những người xuất thân từ nông thân. "Bạn còn có thể làm gì nữa ngoài việc hoàn thành bài tập", cô nói.
Thu Nguyệt (Theo Sixth Tone)