Mùa bão năm 2024 đáng chú ý với những cơn bão mạnh bất thường, gây thiệt hại cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm, theo báo cáo cuối năm của công ty tái bảo hiểm Đức Munich Re. Nhiệt độ mặt biển cực cao góp phần gia tăng cường độ của các cơn bão - một lời cảnh tỉnh về tác động của biến đổi khí hậu.
"Tổng số cơn bão nhiệt đới trong mùa này không ấn tượng, nhưng điểm nổi bật là sự gia tăng nhanh chóng của những cơn bão dữ dội với lượng mưa cực lớn. Hiện tượng này ngày càng gắn liền với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa và phục hồi vô cùng quan trọng để giảm thiệt hại về người trong những cơn bão tương lai", Thomas Blunck, thành viên ban giám đốc của Munich Re, cho biết.
Theo ước tính sơ bộ, bão ở Bắc Đại Tây Dương và Tây Bắc Thái Bình Dương gây tổng thiệt hại khoảng 133 tỷ USD. Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm qua (89,2 tỷ USD) và mức trung bình 30 năm (62,6 tỷ USD). Tổn thất do bão năm nay lớn thứ hai trong thập kỷ qua, chỉ sau năm 2017.
Năm 2024 ghi nhận 18 cơn bão nhiệt đới ở Bắc Đại Tây Dương. 11 cơn bão đạt tốc độ gió hơn 119 km/h, trong đó 5 cơn trở thành siêu bão với tốc độ gió hơn 177 km/h (đạt cấp 3 - 5 trên thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp). Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 12 cơn bão nhiệt đới và 2,8 siêu bão, đồng thời cao hơn mức trung bình của giai đoạn ấm gần đây ở Bắc Đại Tây Dương kể từ năm 1995 (15,7 cơn bão nhiệt đới và 3,3 siêu bão).
Tây Bắc Thái Bình Dương có 25 cơn bão trong năm nay. 15 cơn bão nhiệt đới đạt tốc độ gió hơn 119 km/h, trong đó 9 cơn bão đạt cấp 3 - 5, những cấp mạnh nhất của thang bão Saffir-Simpson. Tổng cộng có 18 cơn bão đổ bộ vào đất liền.
Những cơn bão gây thiệt hại nặng nhất năm 2024
Bão Beryl lập nhiều kỷ lục khí tượng, chủ yếu về sự hình thành và cường độ, ví dụ như là cơn bão mạnh nhất phát triển trong Vùng Phát triển Chính (MDR) của Đại Tây Dương trước tháng 7 và là cơn bão đạt cấp 5 sớm nhất theo thang Saffir-Simpson. Beryl gây hậu quả thảm khốc khi đổ bộ vào đất liền đến ba lần trong một tuần, đầu tiên là quốc đảo Grenada ngày 1/7, tiếp theo là bán đảo Yucatan, Mexico, ngày 5/7 và cuối cùng là Texas, Mỹ, ngày 8/7.
Helene là cơn bão gây thiệt hại lớn nhất trong năm. Cơn bão đổ bộ vào vùng "Big Bend" thưa dân của Florida cuối tháng 9 với sức gió lên tới 225 km/h. Nhưng Helene sẽ được nhớ đến nhiều vì lượng mưa kỷ lục mà nó mang đến các bang Bắc Carolina và Georgia thay vì tác động của gió ở xa hơn về phía nam. Mưa lớn trên diện rộng đã gây ra lũ lụt chưa từng có, lấy mạng hơn 200 người. Tổng thiệt hại do Helene gây ra ước tính khoảng 56 tỷ USD.
Chỉ hai tuần sau Helene, bão Milton tiếp tục đổ bộ gần Sarasota, bang Florida. Tốc độ mạnh lên quá nhanh của bão Milton khiến nhiều người bất ngờ. Chỉ trong khoảng một ngày, nó mạnh lên thành bão cấp 5, cấp mạnh nhất theo thang Saffir - Simpson, với sức gió lên tới 290 km/h khi di chuyển qua Vịnh Mexico, hướng về phía trung tâm Florida. Đây là cơn bão mạnh lên nhanh thứ ba từng ghi nhận ở Đại Tây Dương, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ.
Milton tấn công bờ biển phía tây nam đông dân của Florida với tốc độ gió hơn 200 km/h, đạt cấp 3. Dù đã suy yếu trước khi đổ bộ, sức gió của bão vẫn khiến nước dâng cao bất thường, nhấn chìm hơn 200 km bờ biển với những đợt sóng cao tới 2 m. Với tổng thiệt hại khoảng 38 tỷ USD và thiệt hại được bảo hiểm khoảng 25 tỷ USD, đây là cơn bão tốn kém nhất trong năm với các công ty bảo hiểm.
Cơn bão gây thiệt hại nặng nhất ở châu Á và đứng thứ ba trên thế giới trong năm nay là Yagi. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy và hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi siêu bão này. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 14 tỷ USD.
Siêu bão Yagi tấn công Philippines, đảo Hải Nam và mũi phía nam của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trước khi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam ngày 7/9. Nó cũng gây mưa lớn, khiến lũ lụt bắt đầu tấn công Myanmar từ ngày 9/9. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết đây là đợt lũ tồi tệ nhất trong lịch sử Myanmar hiện đại. Nước này ghi nhận tới hơn 400 trường hợp tử vong do ảnh hưởng của cơn bão.
Tại Việt Nam, Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua. Từ một áp thấp nhiệt đới ngoài Biển Đông, Yagi mạnh lên thành siêu bão với tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Bão Yagi gây mưa lũ toàn miền Bắc làm 320 người chết, 25 người mất tích, ảnh hưởng đến 3,6 triệu người và hơn 322.000 ngôi nhà bị hư hỏng.
Biến đổi khí hậu khiến bão nguy hiểm hơn
El Nino và La Lina là hai pha đối ngược của hiện tượng ENSO, chỉ sự nóng lên, lạnh đi dị thường của nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, chu kỳ khoảng 8 - 12 tháng, có khi 3 - 4 năm. ENSO ảnh hưởng đến số lượng bão hình thành ở nhiều vực khác nhau trên thế giới. Sau một năm trải qua El Nino (pha ấm), quá trình chuyển đổi sang La Nina (pha lạnh) vào năm 2024 chậm hơn dự kiến.
Ở Bắc Đại Tây Dương và Vịnh Mexico, nhiệt độ nước gần đạt hoặc đã đạt mức cao kỷ lục trong gần như toàn bộ mùa bão năm 2024, một phần lớn là do biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu mới tiếp tục cho thấy ảnh hưởng rõ ràng của biến đổi khí hậu đến cường độ và lượng mưa của bão. Ví dụ, lượng mưa cực lớn của bão Milton có khả năng xảy ra cao gấp đôi trong điều kiện khí hậu hiện nay so với trong thế giới giả định không có biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cường độ bão cũng cao hơn 40%.
Giới nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến xu hướng bão mạnh lên nhanh chóng. Ví dụ, bão Milton phát triển từ một cơn bão nhiệt đới thông thường thành siêu bão cấp 5 với tốc độ gió trên 251 km/h chỉ trong một ngày. Hồi đầu mùa, bão Beryl cũng trải qua hiện tượng "gia tăng cường độ nhanh" tương tự, mạnh lên thành bão cấp 5 trong hai ngày.
Thu Thảo (Tổng hợp)