Thí sinh nặng 22 kg
Tại điểm thi ở Quế Phong (Nghệ An), hình ảnh nữ sinh "bé hạt tiêu" hòa trong dòng thí sinh tới dự thi THPT quốc gia khiến nhiều người chú ý. Đó là Lô Thị Bé, cao 1,1 m, nặng 22 kg, người dân tộc.
Trước khi bước vào môn thi tiếng Anh chiều 23/6, Bé chia sẻ rất lo lắng nhưng sẽ cố gắng hết khả năng để hoàn thành bài thi. Dự thi THPT, Bé lấy để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ngành Mầm non, Khoa Giáo dục của Đại học Vinh.
Là con thứ hai trong gia đình có ba chị em, trong khi chị gái và người em đều bình thường, riêng Bé gặp vấn đề về phát triển cơ thể. "Bố mẹ kể lại khi sinh ra em bình thường như những người khác, nhưng khi vào học lớp 1 thì cơ thể không phát triển nữa cho dù chẳng đau ốm gì. Thân hình em giữ nguyên như vậy trong hơn 10 năm qua", nữ sinh chia sẻ.
Không mặc cảm về cơ thể, hàng ngày em Bé ngồi xe đạp của các bạn cùng khoa tới trường. Với những nỗ lực trong học tập, năm cuối cấp vừa qua em được công nhận là học sinh tiên tiến.
Sĩ tử tí hon ước mơ trở thành chuyên gia công nghệ thông tin
Sáng 22/6, lẫn trong hàng trăm thí sinh thi tại điểm trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế) là sĩ tử cao chỉ một mét Trần Đình Quý, trường THPT Bình Điền (thị xã Hương Trà).
Vượt 30 km từ thị xã Hương Trà xuống địa điểm thi, Quý chia sẻ từ nhỏ đã thích những con số và ước muốn khám phá về công nghệ thông tin. Bởi thế em chọn Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành công nghệ thông tin. Để chuẩn bị cho kỳ thi, em và các bạn cùng trường đã tự ôn luyện, tìm cách giải đề nhanh nhất.
Bề ngoài nhỏ con nhưng Quý rất tự tin trong giao tiếp. "Cơ thể thế này thôi chứ em vẫn đi lại bình thường. Người nhỏ con nên học lớp nào em cũng được thầy cô cho ngồi ở vị trí bàn đầu tiên. Em không cảm thấy mặc cảm gì mà đó còn là động lực để vươn lên", chàng trai 12 năm liền là học sinh giỏi tự tin nói.
Thí sinh phụ mẹ nhặt ve chai sau giờ thi
Vừa ra khỏi điểm thi THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM) trưa 23/6, thí sinh Nguyễn Hùng Duy để cặp sách vào giỏ xe đạp, rồi vội vàng phụ giúp mẹ nhặt nhạnh những lon nước, bìa carton vương vãi trước cổng trường. Nhặt ve chai là công việc hơn 10 năm qua của hai mẹ con Duy, ngay cả trong những ngày thi THPT quốc gia.
"Môn thi tổ hợp Lý - Hóa - Sinh trưa nay em làm ổn. Chiều còn môn Ngoại ngữ, hy vọng em sẽ làm tốt để an tâm bước vào đại học", Duy vừa nói, vừa bó gọn những thùng carton để cho lên xe.
Ước mơ vào Đại học Ngoại thương hoặc trường kinh tế nhưng nghe nói học phí đại học rất cao nên Duy băn khoăn. "Mới đây, một trường đại học trong thành phố đặt vấn đề nếu em đạt điểm tốt trong kỳ thi này, nhà trường sẽ hỗ trợ học bổng suốt 4 năm học. Vì vậy, em sẽ quyết tâm thi tốt", Duy chia sẻ.
Nhắc đến con trai, ánh mắt bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (53 tuổi) bỗng sáng ngời. Bà kể, khi Duy chưa chào đời, chồng bà đã bỏ hai mẹ con theo người phụ nữ khác. Bà chỉ theo nghề nhặt ve chai khắp các ngõ ngách trong thành phố để kiếm tiền nuôi con.
"Hàng ngày, hai mẹ con tôi nhặt ve chai khắp Sài Gòn. Thu nhập một tháng khoảng 3 triệu đồng, không đủ chi tiêu vì tiền phòng trọ đắt đỏ. Tôi không mong muốn gì hơn là con trai sẽ trở thành người có ích cho xã hội, có nghề nghiệp ổn định sau này. Nó sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi rồi…", bà Hà nói, rồi cùng con trai đạp xe về phòng trọ nghỉ ngơi để lấy sức cho buổi chiều.
Thí sinh bại não ước mơ làm nhà báo
Tại điểm thi trường THPT Định Quán (Đồng Nai), thí sinh Lê Ngọc Tấn Anh (lớp 12A3, trường THPT Phú Ngọc) được mẹ đưa đến tận phòng thi. Lý do là em bị chứng bệnh bại não.
Sinh ra đã mắc bệnh bại não, những ngày đầu đi học luôn là thời gian khó khăn nhất với Tấn Anh vì vô vàn trở ngại. Tuy nhiên bằng sự kiên trì của mình, Tuấn Anh vẫn hoàn thành tốt chương trình học.
Dù việc đi lại khó khăn, viết và tiếp thu bài cũng chậm hơn so với các bạn, song Tấn Anh vẫn mong ước cháy bỏng trở thành nhà báo. "Năm nay em đăng ký dự tuyển vào ngành Luật và Báo chí, nhưng nếu đậu em sẽ chọn học ngành Báo, còn không đậu em sẽ thi lại vào năm sau", Tấn Anh chia sẻ.
Xem thêm: Thí sinh cõng bạn thi THPT quốc gia
Nhóm phóng viên