Thứ sáu, 10/1/2025
Chủ nhật, 12/4/2015, 08:02 (GMT+7)

Những sản phẩm nhái điên rồ nhất Trung Quốc

Người dân nước này dùng iPed, uống Bucksstar coffee và có Apple Watch trước khi đồng hồ này được bán.

1. Apple Watch

Ngày mai, Apple Watch mới chính thức bán ra thị trường. Nhưng các phiên bản của đồng hồ thông minh này đã được bày bán tại Trung Quốc.

Ngay sau khi Apple Watch được giới thiệu năm ngoái, hàng nhái đã xuất hiện tên Taobao – website thương mại điện tử thuộc Alibaba với giá 40-80 USD một chiếc, chỉ bằng một phần so với 349 USD của một chiếc Apple Watch thật.

2. Apple Store

Các cửa hàng này giống hệt bản gốc, từ đồng phục của nhân viên đến thiết kế nội thất. Năm 2011, giới chức Trung Quốc đã điều tra và phát hiện 22 cửa hàng tại Côn Minh dùng thương hiệu Apple trái phép. Thậm chí, các nhân viên cũng không biết rằng mình đang làm việc cho Apple Store nhái.

3. iPed

Ra mắt năm 2010, máy tính bảng iPed có rất nhiều điểm tương đồng với iPad của Apple. iPed hiện có giá 105 USD và được bán tại Trung Quốc trước cả khi iPad chính thức gia nhập thị trường này. Một chiếc iPad Air 2 hiện có giá khoảng 590 USD.

4. Ôtô

Tại Triển lãm ôtô Thượng Hải 2009, hãng xe Trung Quốc Geely đã công bố dòng xe Geely GE. Vấn đề là chúng gần như giống hệt Rolls Royce Phantom. Ngoài cấu trúc và thiết kế bên ngoài, Geely Ge cũng có biểu tượng hình người đặt trên capô xe.

Điểm khác nhau duy nhất là giá cả. Geely Ge có giá 44.550 USD. Trong khi đó, Rolls Royce Phantom được bán với hơn 371.000 USD.

5. Nhà hàng

Ở Nam Kinh có một con phố toàn cửa hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, từ "Pizza Huh," "Bucksstar coffee" đến "McDnoald's”. Một cửa hàng đồ ăn nhanh Trung Quốc - Wei Jia Liang Pi còn có logo không khác nào McDonad’s lộn ngược. Tuy nhiên, cửa hàng này không bán Big Mac. Họ chỉ có burger thịt xé và các loại mì mà thôi.

6. Disneyland

Công viên giải trí Bắc Kinh Shijingshan mở cửa năm 1986 với lời chú thích: “Disneyland không quá xa”. Với lâu đài hao hao Công chúa ngủ trong rừng và các nhân vật gần như y hệt Vịt Donald hay Chú lùn trong Nàng Bạch Tuyết, du khách sẽ có cảm giác như đang ở Disneyland thực sự.

Năm 2007, công viên này bị Disney phát hiện và đề nghị đàm phán về bản quyền. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa, công viên chỉ cho biết sẽ “mở rộng và cải tổ quy mô lớn”. Theo ý kiến các du khách gần đây, công viên này đã không còn bóng dáng Disneyland nữa.  

7. Rượu cao cấp

Một trong những mặt hàng bị nhái đáng lo ngại nhất tại Trung Quốc là rượu xa xỉ. Tháng 11/2014, Trung Quốc mở chiến dịch tấn công hàng giả, phát hiện hơn 100.000 chai rượu giả nhãn mác các hãng nổi tiếng.

Với thành phần là dung dịch tẩy sơn móng tay, chất tẩy và cồn công nghiệp, những loại đồ uống này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các tác dụng phụ là nôn mửa và chóng mặt. Cồn côngnghiệp thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn và ảnh hưởng đến gan, thận.

8. Chip xử lý

Năm 2011, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ phát hiện nhiều phụ tùng điện tử giả trong số hàng cấp cho Bộ Quốc phòng. Phần lớn được cho là từ Trung Quốc. Khoảng 1.800 trong số một triệu linh kiện bị nghi ngờ là hàng nhái. Các báo cáo cho biết những linh kiện này được tìm thấy trong nhiều hệ thống vũ khí, như máy bay C-17 và C-130J.

9. Thuốc giả

Tháng 9/2014, RFI đưa tin Hải quan Pháp đã bắt giữ 10 tấn thuốc giả chữa tiêu chảy và giảm đau với thành phần thực chất là đường. Với sự phổ biến của Internet, 50% thuốc bán trực tuyến là hàng giả. Một số thậm chí còn có thành phần độc hại. Trung Quốc đang đặt chiến dịch truy quét thuốc giả làm ưu tiên hàng đầu, với sự tham gia của các chính quyền địa phương và nhiều tổ chức quốc tế.

Hà Thu (theo CNBC)