Trong tọa đàm thứ ba của chuỗi UniPrep, TS. Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên Đại học RMIT, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn công nghệ Beowulf Blockchain, cho biết, một bộ phận các bạn gen Z (sinh năm 1997-2012) không biết bản thân muốn gì hoặc đang vô định, mỗi thứ có một chút, học tập không tệ, kỹ năng tạm được. Điều này dẫn tới lỗi điển hình trong quá trình chọn ngành, trường học - chọn bừa, theo số đông hay các yếu tố bên ngoài khác.
Trong một khảo sát về tâm lý và nỗi hoang mang của các bạn giai đoạn đứng trước ngưỡng cửa đại học do TS Phi Yến thực hiện hồi cuối năm 2021 cho thấy 80% học sinh không biết sẽ học trường, ngành gì; gặp áp lực về điểm số, cảm thấy thua kém, tự ti. Bên cạnh đó, thông tin mạng xã hội nhiều quá khiến các bạn không biết điều gì đúng, sai. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, học sinh đang thiếu kỹ năng và phân tích sử dụng thông tin mạng để tìm câu trả lời cho mình.
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn tới chọn sai ngành, trường học là do học sinh thiếu sự cập nhật về tương lai và chưa đánh giá đúng bản thân. Do đó, các bạn không biết mình nên chọn ngành nào, phù hợp hay đủ năng lực theo đuổi lĩnh vực gì.
Theo các diễn giả, nếu không thấu hiểu bản thân và tư duy kiểu "học đại" học sinh sẽ không biết mục đích mình ngồi trên ghế nhà trường làm gì, thậm chí, không bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn hay mất động lực phát triển.
![Sinh viên nên chọn ngành, trường học theo mong muốn, năng lực của bản thân để có thời gian học tập hạnh phúc. Ảnh minh họa: UEH](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/08/lth-5446-jpg-1646714073-8528-1646714235.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Zt0S6xJYIaXqiY-LX5ZcjA)
Sinh viên nên chọn ngành, trường học theo mong muốn, năng lực của bản thân để có thời gian học tập hạnh phúc. Ảnh minh họa: UEH
Ông Nguyễn Hữu Trí - nhà sáng lập, CEO Trung tâm huấn luyện kỹ năng AYP cũng đánh giá việc chọn bừa ngành, trường học không chỉ tốn thời gian, tiền bạc, mà còn khiến cuộc đời trở nên "thiếu muối" với những trải nghiệm nhạt nhẽo. Khi đó, các bạn trẻ có thể bị cuốn theo con dao hai lưỡi - mạng xã hội.
"Đó là nơi các bạn thể hiện cái tôi, xây dựng sức ảnh hưởng nhưng cũng có thể là khán giả, khiến các bạn dễ bị cuốn đi, mất phương hướng", ông nói thêm.
Ngược lại với sự hời hợt của nhóm trên, ông Nguyễn Hữu Trí khẳng định việc quá lo lắng, căng thẳng khi chọn ngành, trường cũng dẫn tới xác suất chọn sai rất cao. Việc đặt trọn mọi mong đợi vào trường đại học dễ khiến các bạn trẻ cảm thấy chán nản, bị cuốn theo những điều tiêu cực.
Theo ông, một bạn trẻ 18-22 tuổi không chỉ học trong trường đại học, mà còn học trên nền tảng số, trải nghiệm ngoài xã hội. Quan niệm 4 năm đại học quyết định hàng chục năm sau này sẽ gây áp lực lớn cho các bạn và cả nhà trường.
"Thực tế, chúng ta học suốt đời vì mọi thứ sẽ liên tục thay đổi. Hời hợt hay quá căng thẳng đều là điều không nên", ông khẳng định.
Ngoài ra, lỗi sai khi chọn ngành, trường còn đến từ áp lực phụ huynh đặt lên con trẻ. Bà Khánh Linh nhận định, nhiều học sinh đang phải sống theo ước mơ của cha mẹ. Sự khác biệt thế hệ, niềm tin, mong ước, năng lực làm cho những ước mơ này đối chọi lẫn nhau.
![Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam. Ảnh: Nhân vân cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/08/Mrs-Linh-Nguyen-5-jpeg-7245-1646714235.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=klHAznFqXZzpnFvUqbExtA)
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam. Ảnh: Nhân vân cung cấp
Cách khắc phục
Theo các chuyên gia, giải pháp khắc phục các lỗi này có thể đến từ hai khía cạnh: bản thân học sinh và phụ huynh.
Về phía học sinh, các bạn cần trả lời các câu hỏi bản thân muốn gì, năng lực ra sao, yêu cầu những gì cho cuộc sống tương lai... TS Phi Yến khuyến khích học sinh suy nghĩ từ các lĩnh vực các bạn thực sự quan tâm.
"Có thể bắt đầu với câu hỏi điều gì làm mình khó chịu và bạn có thích giải quyết vấn đề đó hay không hay vấn đề đó thuộc lĩnh vực nào và trường nào cho bạn môi trường tốt nhất để học hỏi... Đó là cách giúp bạn có thể tìm ra câu trả lời của mình", bà phân tích.
Sau khi xác định bản thân thích ngành nào, học sinh có thể từng bước tìm hiểu thông tin, phân tích nhu cầu thị trường, điểm chuẩn các trường... để đưa ra lựa chọn tốt nhất. Điều này không khó đối với gen Z - đối tượng có thể mạnh trong việc nghiên cứu, tìm tòi.
"Các bạn là ‘dân bản xứ’ trên thế giới mạng, chỉ cần thực sự tìm thông tin dựa theo sự hứng thú của mình và phân tích, phản biện, kết hợp cùng bố mẹ để tìm ra hướng đúng nhất", ông Hữu Trí khẳng định.
Bên cạnh đó, học sinh có thể khám phá bản thân dựa vào các ứng dụng công nghệ. Sắp tới sẽ có một ứng dụng AI với đầy đủ dữ liệu cho học sinh. Tại đó, các bạn có thể cập nhật điểm, kết quả trắc nghiệm tính cách, gen sinh trắc học... Khi có thông tin đầy đủ, phần mềm sẽ đưa ra trường phù hợp.
![Ông Nguyễn Hữu Trí, TS. Nguyễn Trần Phi Yến và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng Viện ISB - người dẫn dắt chương trình (từ phải sang) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh:Chụp màn hình](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/08/2-1646714121-8531-1646714235.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZLxYEZEMYxt4kaHgok8F1g)
Ông Nguyễn Hữu Trí, TS. Nguyễn Trần Phi Yến và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng Viện ISB - người dẫn dắt chương trình (từ phải sang) chia sẻ tại tọa đàm của chuỗi UniPrep. Ảnh:Chụp màn hình
Mặt khác, các diễn giả khuyên phụ huynh nên trở thành một người bạn đồng hành cùng học sinh, nhất là trong giai đoạn cấp ba. Để làm được điều này, cha mẹ nên ủng hộ con thực hiện những điều mình muốn và tôn trọng cảm xúc của con. "Nếu con đủ tin tưởng và chịu chia sẻ. Đó là sự thành công của chúng ta", TS. Phi Yến nói.
Như vậy, phụ huynh không phải người mang đến câu trả lời phù hợp hay không, mà là người tạo nguồn lực, thúc đẩy các bạn trẻ thử, trải nghiệm điều mình muốn. Các diễn giả nhận định, lợi thế của gen Z hiện nay là có cơ hội để thể hiện thú ý tưởng nhanh, dễ dàng và nhận được phản hồi ngay.
Cha mẹ cũng cần giúp con hiểu bản chất của việc học, thay vì đặt áp lực quá lớn lên con. Theo TS. Phi Yến, nhiều phụ huynh và học sinh không hiểu rõ điều này, hầu hết đều cho rằng học để có kiến thức, công việc tốt... Theo định nghĩa của UNESCO, bản chất của việc học là để biết, chung sống với cộng đồng xung quanh và hơn hết là để hiểu mình. Từ đó, áp lực điểm số sẽ nhẹ nhàng hơn.
Nhật Lệ
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề "nóng" về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.