Mitzi Bockmann - giám đốc nền tảng tư vấn tâm lý Let Your Dreams Begin ở New York (Mỹ) cho rằng việc níu kéo không mang lại bình yên mà chỉ khiến mọi thứ khó khăn hơn. Bà liệt kê những sai lầm mà mọi người thường mắc sau khi kết thúc mối quan hệ.
Đổ lỗi cho người cũ
Khi chia tay, nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho đối phương, tin rằng mình đã cố gắng còn người kia thờ ơ.
Tuy nhiên, trong bất kỳ mối quan hệ nào, cả hai đều đều có trách nhiệm với kết cục. Họ cần nhìn lại bản thân để hiểu vai trò của mình trong sự đổ vỡ. Nhận thức được điều này không chỉ bạn giúp chấp nhận chia tay dễ dàng hơn mà còn rút kinh nghiệm cho tương lai.
Chỉ nhớ về khoảng thời gian đẹp
Khi chia tay, con người dễ quên điều tồi tệ dẫn đến kết cục và chỉ nhớ về các khoảnh khắc hạnh phúc. Tuy nhiên, mối quan hệ chỉ kết thúc khi những điều tiêu cực lấn át tốt đẹp và ít nhất một người nhận ra không thể tiếp tục.
Để tránh hoài niệm sai lầm, bạn nên viết ra những điều từng khiến bạn tổn thương. Khi cảm thấy nhớ, hãy đọc lại để nhìn nhận toàn bộ sự thật.
Giữ liên lạc với người yêu cũ
Bà Mitzi Bockmann tin rằng việc giữ kết nối trên mạng xã hội sẽ khiến nỗi đau kéo dài và khó quên.
Trên thực tế, nhiều phụ nữ ngại cắt đứt liên lạc bởi sợ đối phương nghĩ mình thô lỗ hoặc nuôi hy vọng cả hai quay lại. Tuy nhiên, đàn ông liên lạc sau chia tay thường do cô đơn hoặc cảm thấy tội lỗi, không phải vì muốn hàn gắn.
"Nếu tiếp tục trò chuyện, bạn sẽ mãi mắc kẹt trong quá khứ", bà nói. "Việc chấp nhận nỗi đau ban đầu là điều cần thiết để chữa lành".
Đồng thời, chuyên gia cũng chỉ ra khi người đàn ông thực sự muốn quay lại, họ sẽ tìm cách khác để gặp bạn, dù không thể nhắn tin hay gọi điện. Nếu người yêu cũ quay lại, bạn sẽ đối mặt với tổn thương một lần nữa và rơi vào vòng lặp đau khổ.
Mắc kẹt trong sự thương hại
Bạn có đang tiếc nuối và cố tìm lời giải thích cho cuộc chia tay qua blog hay TikTok? Điều này cho thấy bạn chỉ đang lún sâu vào nỗi đau.
"Đừng lãng phí thời gian chìm trong quá khứ hay tìm cách chứng minh người yêu cũ là kẻ tệ bạc", chuyên gia Mitzi Bockmann nói. Thay vì tìm lý do biện minh, bạn hãy đọc và xem những nội dung giúp mình tiến về phía trước.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Emerging Adulthood cho thấy nếu dồn toàn bộ năng lượng cho cuộc chia tay mà không nghĩ đến tương lai, bạn sẽ mắc kẹt trong tuyệt vọng.
Dành nhiều thời gian một mình
Sau chia tay, bạn có thể cảm thấy tệ, nhất là khi mối quan hệ từng làm suy giảm lòng tự trọng. Nếu bạn là người bị chia tay, cảm giác bị từ chối và không được yêu thương có thể càng trở nên nặng nề.
Tuy nhiên, bạn xứng đáng được yêu thương. Việc rời khỏi một mối quan hệ không còn phù hợp là điều cần thiết để bạn tiến lên.
Lúc này, bạn cần dành thời gian bên gia đình và bạn bè, họ sẽ giúp bạn nhớ rằng cuộc sống vẫn luôn nhiều yêu thương và giá trị. Bạn cũng nên tránh xa những ai khiến bạn nghi ngờ bản thân.
Đóng vai nạn nhân
Bà Mitzi Bockmann từng chìm đắm trong vai trò nạn nhân khi chồng rời bỏ bà để quay lại với bạn gái thời đại học. Ông ra đi đột ngột, kết thúc cuộc hôn nhân 20 năm và để lại bà với một trái tim tan vỡ.
Khi than thở với bạn về sự bất công, bà nhận được câu nói thẳng thắn Ngừng đóng vai nạn nhân.
Ban đầu, Mitzi Bockmann khó chịu nhưng rồi nhận ra sự thật, dù chồng là người muốn ly hôn nhưng họ cũng đã không hạnh phúc từ lâu.
"Chính tôi cũng góp phần vào sự rạn nứt", bà nói. Sự nhận thức đó giúp Mitzi lấy lại quyền kiểm soát cuộc đời. Bà không phải là nạn nhân yếu đuối mà là người phụ nữ đang đối mặt với thử thách, không gục ngã.
Ngọc Ngân (Theo Yourtango)