Thầy thuốc nhân dân, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giám đốc Y khoa Nutrihome miền Bắc, cho biết, chiều cao lý tưởng với cân nặng phù hợp phản ánh rõ nét sức khỏe của trẻ. Điều đó cho thấy bé có thể trạng, thể lực, sức bền, hệ miễn dịch tốt. Trẻ sẽ ít mắc bệnh tật, phát triển tốt.
Ngoài ra, theo phó giáo sư Bạch Mai, thuộc tính di truyền và tiềm năng phát triển chiều cao của trẻ em Việt Nam không thấp. Một nghiên cứu với những người Việt Nam đến Pháp sinh sống cho thấy, họ sinh con ra cao lớn không thua gì người Pháp bản xứ khi trưởng thành. Điều đó chứng tỏ tiềm năng di truyền của người Việt là cao lớn. Theo đó, yếu tố dinh dưỡng, vận động có tác động lớn.
"Nguyên nhân khiến trẻ em Việt Nam hiện nay chưa có chiều cao lý tưởng có thể đến từ sai lầm của ba mẹ trong cách chăm sóc con từ nhỏ. Điều này làm trẻ phải chịu thiệt thòi suốt đời. Từ các sai lầm mà trẻ không thể phát triển chiều cao theo đúng tiềm năng sinh học thực tế một cách tối ưu nhất", phó giáo sư Bạch Mai nhận định.
Nghĩ di truyền quyết định tất cả
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng người châu Á nói chung thấp bé là điều hiển nhiên do gen di truyền. Đây là một quan điểm sai lầm. Theo phó giáo sư Bạch Mai, chiều cao khi trưởng thành của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó gen di truyền chỉ quyết định khoảng 20%. Các yếu tố còn lại gồm dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ... quyết định đến 80%. Hiện nay, trẻ em nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... có chiều cao không thua kém các nước Âu, Mỹ nhờ có sự đầu tư đúng cho 80% nói trên.
Phó giáo sư Bạch Mai cho biết thêm, ba mẹ thấp bé không có nghĩa tiềm năng di truyền của họ thấp. Bởi lẽ, có thể khi còn trẻ họ chưa có chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi... khoa học nên chiều cao hiện tại không phản ánh đúng. Tương tự đối với trẻ em, nếu các bé không được tối ưu hóa tiềm năng di truyền bằng dinh dưỡng, vận động khoa học thì khả năng phát triển chiều cao hạn chế.
Bỏ lỡ các giai đoạn vàng
Đa số ba mẹ phát hiện trẻ bị thiếu chiều cao khi đã muộn, khi trẻ đã đến tuổi đi học hoặc muộn hơn ở tuổi dậy thì. Thay vì vậy, ba mẹ nên chủ động chăm sóc trẻ từ sớm, đặc biệt tập trung vào 3 giai đoạn vàng có sự phát triển chiều cao vượt trội gồm: giai đoạn bào thai, 0-3 tuổi và tiền dậy thì, dậy thì (khoảng 6-13 tuổi với nữ và 7-14 tuổi với nam).
Theo phó giáo sư Bạch Mai, từ tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi đã phát triển hệ xương. Đây là giai đoạn nền tảng để trẻ phát triển thể chất sau này. Tiêu chuẩn của trẻ em châu Á khi sinh cần đạt khoảng 3 kg cân nặng và trên 50 cm chiều cao. Do đó, trong giai đoạn này, mẹ nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi, kẽm, sắt, vitamin D... để giúp thai nhi phát triển tốt.
Trong giai đoạn 0-3 tuổi, trẻ có thể tăng thêm 25 cm chiều cao ở năm thứ nhất và tăng 10 cm ở mỗi năm tiếp theo. Đến 3 tuổi, chiều cao của trẻ có thể tăng gấp 2 lần so với lúc sinh. Vì vậy, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là rất quan trọng, giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, sức đề kháng, tăng chiều cao tối ưu.
Từ 3 tuổi trở lên, bé vẫn tiếp tục tăng chiều cao với tốc độ thấp hơn (5-6 cm mỗi năm). Đến tuổi tiền dậy thì và dậy thì là cơ hội cuối cùng để trẻ tăng chiều cao vượt trội. Trẻ có thể tăng đạt đỉnh 10-15 cm một năm và duy trì mức đó trong khoảng 2 năm. Tuy nhiên, do không biết chính xác đó là 2 năm nào nên bố mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong suốt quá trình dậy thì. Trẻ cần ăn đủ 3 bữa ăn chính, thêm 2 bữa phụ, cân bằng các nhóm chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin, khoáng chất.
Tự ý bổ sung canxi và hormone tăng trưởng
Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ có canxi mới giúp trẻ tăng chiều cao. Theo tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cố vấn cao cấp tại Nutrihome, canxi chỉ là một trong nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Nếu chỉ bổ sung canxi mà thiếu sắt, kẽm, vitamin D... thì cơ thể trẻ cũng không thể hấp thụ canxi tốt.
Ngoài ra, việc bổ sung dư thừa canxi có thể dẫn đến cốt hóa các đầu xương sớm, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Vì vậy, có thể gây tác dụng ngược khiến trẻ thấp oan uổng.
Bác sĩ Yến Phi cho biết thêm, bổ sung sản phẩm tăng chiều cao có chứa hormone tăng trưởng (GH) đường uống là phản khoa học. Các hormone chỉ phát huy tác dụng bên trong cơ thể khi chúng là protein. Tức là những chuỗi protein lớn và do chính các tuyến nội tiết trong cơ thể tổng hợp nên. "Việc uống các sản phẩm từ bên ngoài vào sẽ được hệ tiêu hóa phân hoá thành các axit amin, giống như ăn trứng, thịt cá... bình thường, không có tác dụng tăng chiều cao. Với những trường hợp cần thiết, việc sử dụng hormone tăng trưởng đòi hỏi phải có chỉ định của bác sĩ với phương pháp bổ sung khoa học", bác sĩ Yến Phi khuyến cáo.
Nghỉ ngơi không khoa học
Sự tăng trưởng chiều cao của trẻ được điều chỉnh bởi các hormone tăng trưởng (GH) và yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1 (IGF-1) do các tuyến nội tiết trong cơ thể trẻ tiết ra. Những hormone này kiểm soát phần lớn các hoạt động chính của cơ thể gồm tái tạo mô, thay thế tế bào, phát triển tế bào cơ xương, kích thích hoạt động của sụn tăng trưởng...
Hormone tăng trưởng GH được tiết ra trong máu thường xuyên, đặc biệt đạt đỉnh (cao gấp 3-4 lần) sau các hoạt động thể chất mạnh và khi trẻ ngủ ngon trong khoảng 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Theo đó, bác sĩ Đào Thị Yến Phi cho biết, trẻ nhỏ từ 3-5 tuổi cần ngủ 10-13 giờ mỗi ngày; trẻ từ 6-13 tuổi cần ngủ 9-11 giờ mỗi ngày và thanh thiếu niên từ 14-17 tuổi cần ngủ 8-10 giờ mỗi ngày.
Tập luyện sai cách
Thạc sĩ Khoa học thể thao Phạm Thanh Nghị - Trưởng phòng Khoa học và Y học Thể thao, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao TP HCM; Chuyên gia Y học thể thao, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, vận động khoa học giúp trẻ kích thích các đầu xương, sụn tăng trưởng. Các nhóm cơ, dây chằng phát triển giúp trẻ hấp thu dưỡng chất và đưa dưỡng chất vào xương tốt hơn. Việc chọn đúng bài tập, hiểu đúng kỹ thuật, chuẩn bị cho các nhóm cơ, dây chằng tham gia vào quá trình vận động là rất quan trọng đối với trẻ.
Trẻ cần tránh các bài tập cường độ cao, có va chạm mạnh, các bài tập có trở kháng nặng (với tạ) và các bài tập gây kiệt sức vì có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Ngoài ra, trẻ cũng cần tập luyện phát triển đều kỹ năng nhanh, mạnh, bền, dẻo dai... Đồng thời, bé phải được kiểm tra, đánh giá toàn diện về các nguy cơ, rủi ro, tổn thương cơ xương khớp có thể xảy ra.
Hoài Ân