Phó mặc cho nhà trường và thầy cô
Khi đưa con đến trường, nhiều cha mẹ suy nghĩ rằng việc học của con do thầy cô chịu trách nhiệm và kết quả phụ thuộc vào nhà trường. Với suy nghĩ như vậy, các bố mẹ lờ đi vai trò của mình trong việc học cùng trẻ để tạo cơ hội, thời gian giúp các con ôn lại bài, tăng sự tương tác tiếng Anh. Khi bố mẹ cùng con ôn luyện tiếng Anh, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi dùng thứ ngôn ngữ này để giao tiếp.
Bắt ép trẻ đi học quá nhiều
Nhiều bố mẹ mong muốn con mình có thể nói tiếng Anh thành thạo trong thời gian ngắn nên ép trẻ đi học trong lượng thời gian lớn. Với tâm lý thích chơi hơn học, khi bị ép buộc nhồi nhét quá nhiều thứ mình không thích, trẻ dễ cảm thấy áp lực, gây tác dụng ngược là ghét tiếng Anh.
Việc học ngôn ngữ thứ hai với đứa trẻ còn chưa sõi tiếng mẹ đẻ là điều không dễ. Hơn nữa, hứng thú là điều quyết định đến khả năng tiếp thu của bất kỳ một người học nào. Vì vậy, trẻ chỉ nên được học tiếng Anh ở một vài nơi trẻ thực sự muốn, được hướng dẫn học theo sở thích và dành thời gian cho những hoạt động khác để phát triển cân bằng, hài hòa. Đó cũng là lý do các trung tâm tiếng Anh hiện nay hầu hết đều thiết kế các chương trình chơi mà học, cộng thêm các hoạt động ngoại khóa để cuốn hút trẻ.
Học tiếng Anh theo cách nhàm chán
Thay vì bắt trẻ ngồi học theo cách thông thường như học từ mới, làm bài tập, bố mẹ có thể tạo môi trường hấp dẫn cho trẻ như xem phim hoạt hình, nghe bài hát tiếng Anh có tiết tấu chậm, lời dễ hiểu.
Trẻ cũng có thể được phép chơi game với những trò có sử dụng tiếng Anh nhẹ nhàng, lành mạnh để bổ trợ cho việc học. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra tính tích cực của game đối với vốn tiếng Anh của trẻ. Sự tương tác về hình ảnh, âm thanh chắc chắn giúp việc ghi nhớ sinh động và ấn tượng hơn. Bố mẹ nên chơi cùng con để kiểm soát được sự phù hợp của trò chơi, tăng cơ hội trò chuyện cùng con và hỗ trợ việc học.
Ngoài ra, một nguyên tắc hiệu quả trong việc học tiếng Anh có thể áp dụng cho mọi đối tượng là tăng cơ hội luyện tập ngôn ngữ này trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Ví dụ, để giúp con học tiếng Anh tốt, bố mẹ có thể khuyến khích con sử dụng tiếng Anh khi ăn, đi chơi, nói chuyện; vẽ hình mình họa các từ mới được học hay dùng hình ảnh sẵn có dán quanh nhà, lên các đồ vật. Khi trẻ sử dụng thành thạo những từ này, bố mẹ nên thay bằng từ khác, tránh nhàm chán và giúp trẻ tập trung tốt hơn.
Điều quan trọng là bố mẹ hãy để trẻ cảm thấy thoải mái với việc sử dụng dần tiếng Anh trong cuộc sống, khuyến khích trẻ chứ không tạo áp lực, không cáu gắt khi trẻ chưa nhớ hay dùng từ sai.
Việc học được nhiều từ trong thời gian ngắn không quan trọng bằng việc luôn tạo cảm hứng cho trẻ khám phá ngôn ngữ này.
Nga Nguyễn