Dịp lễ Tết có thể khiến ngân sách của chúng ta dễ dàng bị thâm hụt, với rất nhiều khoản cần mua sắm: quà biếu, tiền lì xì, tiền tàu xe đi lại, quần áo mới, trang trí nhà cửa, thực phẩm...
Nếu không dành ra một khoản riêng cho tiêu Tết, bạn có thể dễ dàng phá hỏng ngân sách của mình khi xem dịp này như một cái cớ để phá bỏ những thói quen thắt chặt chi tiêu. Vì thế bạn cần tránh những điều dưới đây nếu không muốn lãng phí tiền trong dịp Tết:
Không thiết lập một ngân sách
Để tránh chi tiêu quá mức và có thể mắc nợ, hãy lập một ngân sách tiêu Tết và bạn cần tuân thủ chặt chẽ. Lập một danh sách những thứ bạn cần chi tiền: quà biếu, thực phẩm, đồ trang trí nhà cửa, tiền mừng tuổi.... Chắc chắn bạn cũng muốn mua sắm một thứ gì đó cho mình, vì thế bạn cũng cần phải ghi vào danh sách. Theo Trae Bodge, biên tập viên của trang RetailMeNot.com, bạn cũng đừng quên những khoản phát sinh khi bạn đi mua sắm, ví dụ tiền ăn ở quán trong lúc đi mua đồ, những túi đựng, giấy gói quà, tiền xăng xe đi lại...
Một cách để bạn luôn theo sát ngân sách ngày Tết là lấy các phong bì và đặt vào đó số tiền dùng tiền cho từng việc nhất định: ví dụ phong bì để mua thực phẩm, phong bì để mua quần áo. Bạn sẽ biết mình tiêu đến giới hạn khi những đồng tiền trong phong bì biến mất.
Tham hàng sale
Thời điểm cận Tết, một loạt hàng giảm giá. Tuy nhiên nếu không thực sự cần thiết hoặc chưa sử dụng ngay thì bạn cũng không nên mua. Bởi thực tế trong năm, còn rất nhiều thời điểm các siêu thị, cửa hàng có những đợt khuyến mại ồ ạt khác.
Không so sánh giá cả
Cùng một mặt hàng nhưng có thể được bán với nhiều mức giá khác nhau tại nhiều cửa hàng, siêu thị, trang web khác nhau. Vì thế nếu mua một món hàng với số lượng nhiều hoặc mua hàng có giá trị lớn, bạn rất nên khảo giá. Bạn cũng không nhất thiết phải đi lại quá nhiều, nhiều siêu thị, cửa hàng lớn có trang web, bạn có thể khảo giá ở đây hoặc lấy số điện thoại gọi cho họ.
Không tính toán khi sử dụng thẻ tín dụng
Bạn nghĩ rằng mình đang tiết kiệm khi mua một loạt món đồ sale. Tuy nhiên, nếu bạn trả tiền bằng thẻ tín dụng và sau này không trả tiền ngân hàng đúng hạn, số tiền bạn tiết kiệm được sẽ chẳng có ý nghĩa gì so với lãi suất ngân hàng bạn phải trả.
Tốn quá nhiều tiền cho vận chuyển (ship)
Nếu bạn mua một món hàng trực tuyến, bạn thường phải trả tiền ship để có thể nhận được món hàng. Bạn có thể nghĩ rằng mình đã mua được món hàng rẻ, nhưng chưa hẳn đã vậy, bởi bạn đã quên chưa cộng tiền ship vào tổng số tiền mình phải trả.
Mua những món quà biếu không phù hợp
Đừng lãng phí tiền để mua những món quà mà không ai thích. Bạn hãy dò ý tứ của người được tặng quà trước khi được tặng.
Ngoài ra, trong dịp Tết, có thể chính bạn cũng được tặng nhiều thực phẩm, xác định mình không dùng hết, bạn có thể biến nó thành món quà biếu, tặng người khác thay vì phải đi mua mới.
Mua sai địa chỉ
Đúng là rất thuận tiện nếu bạn mua tất cả các món hàng ở cùng một nơi. Thế nhưng nếu bạn mua thực phẩm, đồ trang trí nhà ở cùng một nơi, bạn có thể không mua được những mặt hàng tốt nhất và giá cả hợp lý nhất so với bạn mua từng món ở những cửa hàng chuyên về nó.
Hoàng Anh (Theo MSN)