"Thế hệ dâu tây" là kết quả từ việc nuôi dạy của những bậc cha mẹ từng trải qua khó khăn trong cuộc sống. Họ hình thành suy nghĩ bù đắp cho con, cho hưởng thụ tất cả những gì thế hệ trước không có mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Sự hình thành của "thế hệ dâu tây" là do cách nuôi dạy phổ biến sau.
Đáp ứng mọi nhu cầu đứa trẻ muốn
Giáo dục lành mạnh là khiến một đứa trẻ hiểu và chấp nhận từ "không". Trong khi các bậc cha mẹ ngày xưa được biết đến là nghiêm khắc thì các bậc cha mẹ thời đại mới thường nuông chiều con cái. Thậm chí, nhiều người sẵn lòng mua cho con bất cứ thứ gì chúng muốn.
Thu nhập cao và kiếm tiền dễ hơn trước đã khiến việc chiều theo đòi hỏi của đứa trẻ trở nên dễ dàng hơn. Đứa trẻ lớn lên mà không có cảm giác biết ơn thực sự. Niềm tin vào sự đáp ứng vô điều kiện khiến những trẻ này gặp khó khăn trong việc xử lý những lời từ chối, khước từ khi trưởng thành.
Bù thời gian cho con cái bằng tiền
Trong thế giới hiện đại bận rộn, nơi mà sự nghiệp quan trọng không kém việc nuôi dạy con cái, cha mẹ thường chọn cách bù đắp việc dành thời gian cho con cái bằng cách chi tiền để chiều chuộng. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp được chứng minh là thất bại nhất.
Không có gì bù đắp cho con bằng việc thực sự dành thời gian cho trẻ. Tiền chỉ tạo ra cảm giác tận hưởng và thỏa mãn tức thời thay vì niềm hạnh phúc lâu dài. Nó đồng thời làm nảy sinh quan niệm sai lầm cho trẻ rằng tiền có thể là một cách "cứu rỗi" cho bất kể sai lầm nào.
Không bao giờ phạt
Cha mẹ cần phải thưởng, phạt công minh hành động của con mình. Cha mẹ là trường học đầu tiên của con, là người thầy đầu tiên và là người bạn đầu tiên của con. Nếu cha mẹ không trừng phạt trẻ vì những lỗi sai, chính là cha mẹ đang tạo điều kiện cho hành vi sai trái của con trong tương lai. Sẽ không mất nhiều thời gian để sai lầm biến thành thói quen, đặc biệt khi con bạn tin rằng bản thân không phải gánh chịu bất cứ hậu quả nào cho hành động của mình.
Đương nhiên, điều này không có nghĩa là bạn cần phải trừng phạt con mình một cách gay gắt, nhưng cũng cần nghiêm khắc. Là cha mẹ, cần phạt trẻ khi cần thiết và động viên kịp thời khi con sửa sai.
Giúp trẻ nhiều hơn những gì chúng cần
Hỗ trợ trong lúc trẻ gặp khó khăn có vẻ là một ý kiến hay, nhưng việc cha mẹ cố gắng giúp trẻ những việc nhỏ nhất có thể gây tác dụng ngược.
Trẻ em luôn thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, là cha mẹ, thay vì để con chỉ biết dựa dẫm, nên thúc đẩy con tự lập, tự mình đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.
Đặt những kỳ vọng không thực tế
Con cái luôn hoàn hảo trong mắt bạn, nhưng với người ngoài thì lại không như thế. Việc cha mẹ nuông chiều con quá mức thường có thể vô tình đặt ra những tiêu chuẩn không thực tế cho trẻ khi chúng bước ra thế giới thực.
"Thế hệ dâu tây" luôn mong đợi được đối xử theo một cách nhất định. Khi điều đó không xảy ra, họ có xu hướng nổi cơn thịnh nộ. Thái độ "hoàng tử, công chúa" của họ chính là kết quả từ cách nuôi dạy con của cha mẹ.
Mọi phụ huynh đều muốn dành những điều tốt nhất cho con cái của mình. Tuy nhiên, bước ra khỏi mái nhà quen thân, con sẽ phải học hỏi và phát triển trong một môi trường yêu cầu sự cởi mở, sẻ chia, thân thiện. Nếu "thế hệ dâu tây" chỉ ích kỷ, nhõng nhẽo và thường cáu kỉnh với xung quanh, chúng sẽ không được đón nhận.
Thùy Linh (Theo Asian Parent)